Tổn thất vũ khí của Nga ở Syria
Quan hệ viện trợ, mua bán vũ khí giữa Nga và Syria đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh. Liên Xô từng chuyển giao nhiều máy bay, xe tăng, pháo và tên lửa cho nước đối tác Ả Rập này. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), vũ khí Liên Xô chiếm tới 94% tổng lượng nhập khẩu vũ khí, khí tài quân sự của Syria.
Syria đã tiêu hao lượng đáng kể vũ khí, khí tài quân sự trong hai cuộc chiến giữa khối Arab và Israel năm 1967 và 1973. Tuy vậy, từ năm 1975 tới 1991, Liên Xô gửi tới Syria - cả dưới hình thức viện trợ và mua bán - 20 máy bay ném bom, 250 máy bay chiến đấu, 117 trực thăng, 756 khẩu pháo tự hành, 2.400 xe chiến đấu bộ binh, 2.550 xe tăng, ít nhất 7.500 tên lửa chống tăng và hơn 13.000 tên lửa đất đối không.
Khi nội chiến Syria bùng phát năm 2011, không quân Syria có khoảng 700 máy bay ở các mức độ sẵn sàng chiến đấu khác nhau (tính cả trực thăng). Lục quân Syria có khoảng 5.000 xe tăng, 4.000 xe bọc thép, 3.400 khẩu pháo, 2.600 vũ khí chống tăng và 600 phương tiện trinh sát.
Một phần đáng kể kho vũ khí này đã bị phá hủy trong hơn 10 năm chiến sự giữa quân đội Syria và phe đối lập, cũng như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các chuyên gia tại nhóm phân tích thông tin nguồn mở Bellingcat đã kiểm tra các hình ảnh và đoạn video trực tuyến và kết luận rằng quân đội Syria đã mất ít nhất 3.380 xe tăng và xe bọc thép trong giai đoạn 2011-2020.
Chưa rõ rằng sau khi sụp đổ, quân đội Syria để lại bao nhiêu xe tăng và xe thiết giáp. Oryx, tổ chức theo dõi xung đột dựa trên thông tin mở nhận định, tổng số khí tài được xác nhận bao gồm ít nhất 150 xe tăng, 74 khẩu pháo, 69 phương tiện chiến đấu bộ binh và 64 pháo phản lực bắn loạt.
Ngoài ra,hàng nghìn phương tiện bọc thép, súng và tên lửa có thể hiện có thể đang được HTS chiếm giữ, hoặc sẽ sớm thuộc về tay lực lượng này. Tuy nhiên, kho vũ khí “chiến lợi phẩm” của HTS có thể đã bị ảnh hưởng lớn ngay cả trước khi chiến thắng của nhóm này được nhận thức rõ ràng.
Vũ khí của Nga cũng đã bị các nhóm được Iran hậu thuẫn lấy đi. Các hệ thống như tên lửa chống tăng Kornet được cho là đã được chuyển từ Syria sang Lebanon.
Nga có thể đã chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với Mỹ
Tình cảnh đang diễn ra tại Syria có nét tương đồng với những gì xảy ra tại Afghanistan năm 2021, khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan. Các cơ quan chính phủ Mỹ đánh giá lượng vũ khí, khí tài bị Taliban thu làm chiến lợi phẩm trị giá hơn 7 tỷ USD.
Một báo cáo tháng 8/2022 của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định giá trị các phương tiện trên bộ bị Mỹ bỏ lại sau khi rút quân là 4,12 tỷ USD, còn giá trị máy bay quân sự là hơn 923 triệu USD. Một báo cáo khác của Lầu Năm Góc gửi tới quốc hội Mỹ cho biết 9.524 quả đạn không đối đất, 40.000 phương tiện, 300.000 vũ khí hạng nhẹ và 1,5 triệu viên đạn và pháo bị bỏ lại.
Ngay sau khi Mỹ rút quân, Afghanistan trở thành "khu chợ" vũ khí lớn hàng đầu thế giới. Vũ khí Mỹ từ Afghanistan được cho đã được sử dụng ở nhiều điểm nóng từ Kashmir tới Gaza. Một số chuyên gia thậm chí nhận định đây là một trong những vụ phân tán vũ khí lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Nhưng những “con số thô” so sánh Afghanistan và Syria lại che giấu một sự khác biệt lớn giữa hai kho vũ khí bị mất mát. Nga thực sự có thể rất cần những vũ khí đó ngày hôm nay, trong khi Mỹ gần như không để lại bất kỳ thiết bị tốt nhất nào tại Afghanistan.
Lực lượng Quân đội Quốc gia Afghanistan và cảnh sát được “thiết kế” cho nhiệm vụ an ninh nội bộ và chủ yếu được trang bị những thiết bị quân sự “hạng hai và hạng ba” của Mỹ, được cho là đủ để đối phó với một cuộc nổi dậy với đối phương trang bị vũ khí nhẹ.
Nhiều vũ khí của Mỹ tại Afghanistan vừa quá tốn kém để đưa về nước, lại vừa thiếu giá trị quân sự đủ lớn “đáng để hồi hương.” Vì vậy, việc cắt nhỏ nhiều phương tiện Mỹ thành phế liệu hoặc để lại cho lực lượng an ninh Afghanistan là phương án tiết kiệm chi phí hơn.
Trong khi đó, Nga đã mất nhiều phương tiện chiến đấu, máy bay, và thậm chí cả tàu chiến, kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ngay cả trong một nền kinh tế chiến tranh, việc sản xuất vũ khí mới có thể sẽ khó để bù đắp cho tổn thất. Lâu nay, Nga đã sử dụng kho vũ khí lớn từ thời Liên Xô, đưa các xe tăng và phương tiện bọc thép cũ vào chiến đấu.
Một số phân tích nêu trên có thể vẫn chỉ là giả thuyết, do các cuộc tấn công của Israel vào nhiều cơ sở quân sự và kho vũ khí của Syria đã làm thay đổi tình hình. Nhưng xét về số lượng và chủng loại vũ khí mà Nga và “khách hàng” của mình ở Damascus đã để mất, có thể thấy rằng Moskva đã “lãnh” một cú đánh mạnh hơn nhiều so với những gì Washington phải gánh sau cuộc chiến ở Afghanistan.