+Aa-
    Zalo

    Dấu ấn của 13 Bộ trưởng Giao thông vận tải qua các thời kỳ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, lịch sử ngành, 13 vị Tư lệnh ngành đều để lại những dấu ấn quan trọng đối với sự phát triển của ngành GTVT...

    Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, lịch sử ngành, 13 vị Tư lệnh ngành đều để lại những dấu ấn quan trọng đối với sự phát triển của ngành GTVT...

    Người đặt nền móng cho ngành GTVT - Bộ trưởng Đào Trọng Kim

    Bộ trưởng Đào Trọng Kim vốn là một nhân sỹ yêu nước, kỹ sư canh nông. Tháng 8/1945, sau khi giành được chính quyền, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính (GTCC) đầu tiên của nước ta. Ông giữ chức Bộ trưởng đến tháng 3/1946.

    Tháng 3/1946, sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, ông Đào Trọng Kim thôi giữ chức Bộ trưởng, nhưng các thế hệ lãnh đạo ngành sau này vẫn nhắc đến ông, khâm phục ông, bởi ông là người đứng đầu Bộ ngay từ đầu khai quốc trong Chính  phủ liên hiệp của nước Việt Nam mới giành được độc lập.

    Bộ trưởng Trần Đăng Khoa

    Bộ trưởng Trần Đăng Khoa và Hồ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

    Bộ trưởng Trần Đăng Khoa sinh năm 1906 tại huyện Hương Trà, ngoại ô TP Huế. Ông làm Bộ trưởng GTCC từ tháng 3/1946 đến tháng 9/1955.

    Bộ trưởng GTCC Trần Đăng Khoa cũng là một nhân sỹ yêu nước được Hồ Chủ tịch “chọn mặt gửi vàng” gánh vác nhiệm vụ nặng nề của ngành GTCC giai đoạn khó khăn; hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập, kinh tế còn nhiều khó khăn, quân đội thực dân Pháp lăm le xâm lược nước ta một lần nữa…

    Giai đoạn này, khó khăn nhất của Bộ trưởng Khoa là phải quyết định phá hủy các công trình giao thông, đặc biệt là các cầu lớn, ngăn những trục đường lớn, cản trở không cho quân Pháp tiến vào chiến khu Việt Bắc và vùng tự do của ta, phá vỡ âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội Pháp.

    Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành GTCC phải bắt tay ngay vào công việc tiếp quản các cơ sở GTVT như nhà ga, bến cảng, các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, các cơ sở cơ khí, cầu đường... đồng thời lập kế hoạch và tổ chức các đơn vị xây dựng cầu đường khôi phục mạng lưới giao thông đường bộ bị hư hỏng nặng nề trong chiến tranh.

    Đến tháng 9/1955, Quốc hội thành lập Bộ Giao thông và Bưu điện (GT&BĐ), ông Trần Đăng Khoa chuyển công tác sang Bộ Thủy lợi.

    Bộ trưởng Nguyễn Văn Trân

    Ông Nguyễn Văn Trân sinh năm 1917 tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm Bộ trưởng Bộ GT&BĐ từ tháng 9/1955 đến đầu năm 1961.

    Ông Nguyễn Văn Trân vốn là cựu tù Sơn La, thời gian trước đó đã từng giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Cung cấp lương thực - thực phẩm cho mặt trận Điện Biên Phủ, kiêm Thứ trưởng Bộ GTCC. Bộ trưởng Trân là người mẫu mực, hết lòng vì sự nghiệp phát triển của ngành. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ GT&BĐ thời đó là khôi phục, phát triển mạng lưới GTVT và bưu điện.

    Khó khăn nhất thời kỳ đó phải kể tới việc khôi phục các tuyến đường sắt do phải sửa chữa nhiều cây cầu lớn như: Việt Trì (Phú Thọ) và Phủ Lạng Thương (Bắc Giang)...  Với tinh thần “đi trước mở đường”, đến năm 1960, ngành GT&BĐ đã khôi phục cơ bản các tuyến đường sắt miền Bắc và nối thông được tuyến đường sắt Hà Nội - Bằng Tường (Trung Quốc) trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh - Moscow - Berlin, phục vụ đắc lực công cuộc khôi phục kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương của người dân.

    Ông Nguyễn Văn Trân đảm nhiệm Bộ trưởng hơn 5 năm. Tháng 2/1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị quyết tách Bưu điện ra khỏi Bộ GTVT và lấy tên bộ mới là Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Trân được chuyển sang công tác khác.

     Người hai lần làm Tư lệnh ngành GTVT - Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ

    Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Ảnh tư liệu

    Ông Phan Trọng Tuệ, sinh năm 1917 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP. Hà Nội). Ông là vị tướng đầu tiên nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh ngành GTVT và cũng là người duy nhất hai lần làm Bộ trưởng GTVT: Giai đoạn 1961 -1974 (có thời gian kiêm Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn); Giai đoạn 1976 - 1981 ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GTVT.

    Trong tâm khảm của nhiều người làm GTVT, hình ảnh Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ là sự kết hợp hài hòa của một Tư lệnh kiêm Chính ủy tài năng, sâu sắc và hết sức gần gũi.

    Từ tháng 3/1974 đến giữa năm 1976, ông thôi giữ Bộ trưởng Bộ GTVT để làm Phó Thủ tướng, kiêm Thường trực Hội đồng Chi viện giải phóng miền Nam.

    Ông Phan Trong Tuệ sau đó còn đảm nhiệm chức Bộ trưởng GTVT lần thứ hai.

    Người khôi phục đường sắt Bắc – Nam: Bộ trưởng Dương Bạch Liên

    Bộ trưởng Dương Bạch Liên sinh năm 1926 tại tỉnh Hải Dương. Tuy chỉ đảm nhiệm Bộ trưởng trong hơn hai năm (từ tháng 3/1974 đến giữa năm 1976), nhưng đó là những năm, trước và sau ngày giải phóng miền Nam, khoảng thời gian rất khó khăn của ngành GTVT.

    Theo các cán bộ từng công tác trong ngành GTVT, vào thời gian này, nhiệm vụ chính của Bộ GTVT là đảm bảo giao thông trên quy mô toàn quốc và tiếp quản các cơ sở vật chất về GTVT ở miền Nam. Bộ trưởng Liên đã nhanh chóng thành lập Tổng cục GTVT miền Nam.

    Tổng cục GTVT miền Nam đã nhanh chóng tiếp thu và tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật GTVT của chế độ cũ. Khoảng cuối năm 1975, Bộ GTVT bắt đầu tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đây là công trình giao thông quan trọng bậc nhất của nước ta lúc bấy giờ, với khối lượng công việc khổng lồ, đầy rẫy những khó khăn phức tạp… Nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Dương Bạch Liên chỉ trong 14 tháng thi công đã khôi phục được 1.700 km đường sắt Bắc - Nam, một khối lượng công việc khổng lồ. Ngành GTVT đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

     Bộ trưởng Đinh Đức Thiện

    Ông Đinh Đức Thiện, tên thật là Phan Đình Dinh, sinh năm 1914 tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông làm Bộ trưởng trong một thời gian ngắn, khoảng một năm rưỡi (1981-1982). Đây cũng là thời kỳ kinh tế đất nước vô cùng khó khăn.

    Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đặt dấu ấn đậm nét trong phong trào thi đua xây dựng cầu Thăng Long với khẩu hiệu: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”.

    Giai đoạn đó, giữa bộn bề thiếu thốn, kinh tế khó khăn, sau chiến tranh biên giới, đất nước vẫn bị bao vây cấm vận nên cơ sở vật chất ngành GTVT như đường sá, cầu cống xuống cấp “không phanh”, bởi vậy, khi  phát biểu ở bất cứ hội nghị nào, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đều khích lệ, động viên mọi người vượt qua thời khốn khó.

    Tháng 4/1982, ông Đinh Đức Thiện thôi chức Bộ trưởng GTVT và trở về Bộ Quốc phòng giữ chức Thứ trưởng.

    Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên

    Sau khi nghỉ hưu, ông là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh tư liệu

    Ông Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng thứ ba làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923 tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tham gia cách mạng ông lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Ông làm Bộ trưởng GTVT từ tháng 4/1982 đến tháng 6/1986.

    Vào thời Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, Bộ GTVT có nhiều thay đổi lớn về tổ chức. Tháng 2/1983, Bộ trưởng đã quyết định, sắp xếp lại các đơn vị vận tải đường biển, đường sông, đường bộ và đường sắt. Trong đó, Tổng cục Đường sắt, quyết định bỏ cấp quận, để thành lập 5 công ty vận tải đường sắt theo khu vực. Ngành xây dựng cơ bản, giải thể Cục Đường bộ, các cục xây dựng cơ bản được tổ chức thành Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông theo khu vực và theo vùng lãnh thổ, bên cạnh các liên hiệp còn có các ban quản lý công trình khu vực.

    Trong giai đoạn này, ông chủ trương xây dựng các cầu vượt sông lớn theo phương châm: “Tự lực cánh sinh”. Cây cầu đầu tiên của tinh thần ấy là cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. Với cây cầu này, thời gian đầu ông đã trực tiếp chỉ đạo các công việc triển khai xây dựng, sau một thời gian, mới giao cho Thứ trưởng Bùi Danh Lưu, trực tiếp chỉ đạo về kỹ thuật và tổ chức thi công.

    Sau khi công trình xây dựng cầu Chương Dương hoàn thành, tháng 6/1986, ông thôi giữ chức Bộ trưởng. Năm 1986-1991, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi nghỉ hưu ông là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh.

     Bộ trưởng Bùi Danh Lưu

    Người kế nhiệm Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên là Thứ trưởng Bùi Danh Lưu. Ông còn có tên gọi khác là Quốc Linh, sinh năm 1935 tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ông làm Bộ trưởng GTVT từ tháng 6/1986 - 11/1996.

    Qua 10 năm làm Bộ trưởng, ông đã để lại cho ngành nhiều dấu ấn quan trọng. Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu, 11 chương trình cụ thể đã được Bộ triển khai trong toàn ngành để thực hiện Nghị quyết Đại hội VI. Qua đó toàn ngành đã có 260 xí nghiệp được chuyển sang hạch toán kinh doanh, theo hình thức lấy thu bù chi, sản xuất - kinh doanh có lãi, 76 đơn vị  hạch toán tiết kiệm bằng nguồn kinh phí sự nghiệp và Bộ đã cho phép 172 xí nghiệp được phép tự trang trải từng bước về tài chính tiến đến tự chủ hoàn toàn.

    Ông đã quyết tâm tái lập lại các cục quản lý chuyên ngành gồm: Đường bộ, Đường sông, thành lập thêm các cục: Hàng hải, Đăng kiểm, Giám định chất lượng… để giúp Bộ trưởng tăng cường công tác chỉ đạo với các đơn vị có liên quan trong ngành.

    Đại hội lần thứ VIII của Đảng, ông Bùi Danh Lưu tái cử Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Sau đó tháng 11/1996, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư.

    Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn

    Ông Lê Ngọc Hoàn sinh năm 1937 tại huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông làm Bộ trưởng GTVT từ tháng 11/1996- 6/2002.

    Ông đảm nhận chức Bộ trưởng trong bối cảnh công cuộc đổi mới đã thực hiện được 10 năm (1986 - 1996), những thành tựu cơ bản về kinh tế, đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu, đặc biệt là tụt hậu hạ tầng giao thông, so với thế giới đang hiện hữu.

    Những năm tháng tại vị, ông luôn trăn trở với bài toán: Cơ chế nào, nguồn vốn nào để nâng cấp, mở đường, xây cầu mới và cả hạ tầng sân bay, cảng biển nữa... Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT bắt đầu xúc tiến việc vay vốn nước ngoài để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn. Khi đó, quan điểm vay nước ngoài làm đường, xây cầu còn khá mới mẻ.

    Ngoài nguồn vốn vay, vào thời kỳ này Bộ GTVT vẫn sử dụng nguồn vốn trong nước để triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia, trong đó công trình lớn nhất là dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. Tháng 7/2002, ông Lê Ngọc Hoàn nghỉ hưu.

     Bộ trưởng Đào Đình Bình

    Ông sinh năm 1945 tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm Bộ trưởng GTVT từ tháng 7/2002 - 6/2006.

    Trước khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng, ông Đào Đình Bình là Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Ông còn là Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đầu tiên.

    Ông đảm nhiệm chức Bộ trưởng trong bối cảnh toàn quốc đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

    Đặc biệt, trong thời gian ông đảm nhiệm chức Bộ trưởng, cũng là thời kỳ Bộ GTVT hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực GTVT bao gồm các bộ luật: Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không dân dụng…

    Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng

    Ông sinh năm 1950 tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, vốn là kỹ sư cán thép, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hungary.

    Ông Hồ Nghĩa Dũng làm Bộ trưởng GTVT từ tháng 6/2006 - 8/2011. Trước khi đảm nhận chức Bộ trưởng GTVT, ông  giữ chức Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi

    Trong thời gian 5 năm, giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông đã chỉ đạo thực hiện thành công được một số công việc. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là có nhiều phần việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa công ty Nhà nước thuộc Bộ và cải cách hành chính được tiếp tục triển khai thực hiện một cách kiên quyết, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 Đề án 30 về cải cách hành chính của Chính phủ và đã công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ GTVT.

    Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, với cương vị Bộ trưởng - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chỉ đạo thành công việc thực hiện bắt buộc đội MBH đối với những người đi mô tô, xe máy, qua đó từng bước kéo giảm TNGT.

    Bộ trưởng Đinh La Thăng

    Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Chính phủ

    Trước khi nhậm chức bộ trưởng Bộ GTVT ông đã làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).

    Ông Thăng nhận chức Bộ trưởng trong bối cảnh ngành GTVT đang gặp nhiều khó khăn. Ông đã bắt đầu công việc mới bằng cách đi ngay vào một số lĩnh vực đang là điểm nóng của  ngành GTVT.

    Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành, tháng 11 năm 2011, ông đã đề nghị Quốc hội  bố trí khoản ngân sách 40.000 tỷ đồng, thu vượt từ dầu thô, cho các công trình trọng yếu của ngành giao thông vì vào thời điểm đó, Bộ GTVT rất thiếu vốn để đầu tư hạ tầng theo kế hoạch",

    Ông chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức, BOT (đầu tư, khai thác chuyển giao), phương thức đầu tư PPP (Nhà nước và nhà đầu tư (tư nhân) cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công).

    Ngoài ra, sáng kiến nhượng quyền khai thác dự án giao thông cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm quay vòng vốn đầu tư của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng được xã hội đánh giá cao.

    Bằng nhiều nguồn vốn từ năm 2012 đến đầu năm 2015, bộ GTVT, đã hoàn thành gần 200 công trình và khởi công trên 150 công trình, đây là thời kỳ có số lượng lượng công trình đạt cao nhất trong lịch sử ngành.

    Chỉ trong có 4 năm tại vị (tháng 7/2011 – tháng 6/2015), ông đã làm cho ngành GTVT nổi bật trong đời sống xã hội, vị thế của ngành đối với Nhà nước và đối với người dân được ngày càng được nâng cao.

    Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

    Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa năm nay 59 tuổi, quê tại Hội An, Quảng Nam.

    Ông Nghĩa chính thức được bàn giao chức Bộ trưởng GTVT vào tháng 4/2016 từ ông Đinh La Thăng.

    Được biết, từ năm 1992-2008, ông Nghĩa là cán bộ, sau đó làm Giám đốc công ty Vimeco, thuộc Vinaconex, rồi làm Tổng giám đốc Vinaconex.

    Từ 2008 đến 2010, ông Nghĩa lần lượt giữ các chức vụ Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng úy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

    Tháng 1/2011, ông Nghĩa được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Tới tháng 3/2015, ông Nghĩa làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tháng 1/20116, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, ông Nghĩa được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

    Ngày 9/4/2016 ông Trương Quang Nghĩa được đề cử để Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng GTVT thay ông Đinh La Thăng.

    Chiều 26/10 vừa qua, với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trở thành tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

    Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

    Ông Nguyễn Văn Thể (sinh năm 1966, quê xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trước khi trở thành tân Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Thể từng có 2 năm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-an-cua-13-bo-truong-giao-thong-van-tai-qua-cac-thoi-ky-a206659.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan