Trong xã hội hiện đại, nghề ca hát không còn bị mọi người miệt thị, coi thường như trước nữa. Tuy nhiên, ở một số vùng quê, do suy nghĩ và nếp sống cũ, vẫn nhiều người dành những lời cay đắng, xót xa khi gọi ca sĩ là “xướng ca vô loài”.
Nỗi tủi thân khi cha mẹ không ủng hộ công việc
Ngày nay, mọi người có cái nhìn cởi mở hơn với nghề nghiệp, không quá khắt khe. Nếu trước đây, xã hội chỉ trọng dụng nghề giáo, nghề y thì giờ họ dành sự trân trọng đối với nghề ca hát, diễn viên. Nghề nào cũng có vai trò riêng và đóng góp cho sự phát triển cộng đồng. Nên chọn nghề mình yêu thích, phù hợp với bản thân và cảm thấy có tiềm năng phát triển.
Nhưng nhiều người vẫn tồn tại suy nghĩ lạc hậu, không muốn con cái theo học nghề thiên về nghệ thuật. Họ cho rằng những nghề đó không tốt đẹp, bạc phận và nghèo khó. Từ đó, gây nên sự bất đồng quan điểm, chia rẽ gia đình, con cái ngại chia sẻ với cha mẹ.
Đằng sau ánh đèn sân khấu hào nhoáng là nỗi vất vả, truân chuyên. (Ảnh: NVCC) |
Trước quan điểm về nghề nghiệp, PV Đời sống & Pháp luật có buổi gặp gỡ và trao đổi với Lan Hương, 23 tuổi, hiện đang làm nghề ca sĩ tự do. Lan Hương xuất thân từ gia đình làm nông tại một vùng quê nghèo. Tuổi thơ cơ cực quanh năm của cô chỉ biết tới ruộng vườn, lũy tre… Sống trong vất vả nhưng không vì thế làm thui chột ước mơ: Trở thành ca sĩ nổi tiếng.
Lan Hương chia sẻ khi còn nhỏ, cô là "cây văn nghệ" của trường, của thôn xóm. Cha mẹ không phàn nàn, cấm cản cho tới khi cô quyết định thi vào trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội. Hồi ấy, không khí gia đình luôn căng thẳng. Bố mẹ nặng lời mắng nhiếc cô ngay cả trong bữa ăn.
Cô ca sĩ trẻ Lan Hương trầm ngâm chia sẻ: “Cha luôn định hướng cho tôi thi vào trường sư phạm rồi về dạy trường làng. Nếu không đỗ đại học thì đi làm công nhân, một vài năm sau an phận lấy chồng. Khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành ca sĩ, ông đã quát mắng tôi không thương tiếc. Ông đay nghiến gọi đó là nghề “Xướng ca vô loài” khiến tôi tủi thân bật khóc nức nở”.
“Cha là người rất thương tôi, ông ít nói nhưng luôn quan tâm, lo lắng cho tôi. Chỉ vì quan điểm hai thế hệ khác nhau nên hai cha con dần xa cách, ít khi trò chuyện. Ông có định kiến không hay về nghề ca hát. Đến giờ, hai cha con vẫn không thể có tiếng nói chung”, Lan Hương chia sẻ.
Còn Lã Giang, 23 tuổi tâm sự: “Cha mẹ tôi không thích mọi người hỏi chuyện con gái làm công việc gì, thu nhập như thế nào. Họ cho rằng nghề ca hát không đáng tự hào. Tôi luôn mong khi gặp sóng gió, áp lực ngoài xã hội thì trở về nhà sẽ được gia đình cảm thông, chở che”.
Nỗi khó khăn khi “tự lực cánh sinh”
Không được gia đình cảm thông và giúp đỡ nên ngay từ thời sinh viên, những cô gái trẻ đã phải “tự lực cánh sinh” để trang trải nhu cầu cuộc sống. Phần nữa, gia đình họ đều làm nông nghiệp, kinh tế chỉ trông vào sào ruộng, con lợn, con gà nên không thể chu cấp việc học hành.
Năm thứ hai đại học, Lã Giang đã bắt đầu làm thêm nhờ vào sự giúp đỡ cuả các anh chị khóa trên. Giang nhận làm gia sư dạy đàn và dạy trẻ vận động theo nhạc. Thu nhập không nhiều nhưng đủ chi tiêu để không phải xin gia đình. Một lý do nữa là vì cô chưa có thành công trong sự nghiệp nên luôn tự ti, mặc cảm với gia đình. Nhiều lúc, Giang chạnh lòng với thân phận hát lót.
Sau này, khi ra trường đi làm, công việc đòi hỏi đầu tư hình ảnh nhiều. Đây cũng là chuyện khiến cô khá đau đầu bởi hầu bao hạn chế. Thời gian đầu, Giang mượn đồ diễn của các anh chị cùng nghề hoặc chủ động đi thuê. Cát xê được trả một buổi biểu diễn từ 250.000-350.000 đồng nhưng cô phải bỏ ra khoảng 100.000 đồng thuê đồ.
Ngoài ra, để nuôi dưỡng đam mê ca hát, Lã Giang kết hợp làm thêm nhiều việc khác: Bán quần áo, hát phòng trà, bán đồ online, làm ca sĩ trên ứng dụng công nghệ.
Sáng đi bán hàng thuê, chiều đi hát, tối trở thành "idol" trên ứng dụng ca nhạc là chuyện của bao cô ca sĩ chưa thành danh. |
Khi được hỏi rằng liệu có khi nào Giang từ bỏ nghề không, cô chỉ mỉm cười trả lời: “Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi nghĩ ca hát có lẽ không còn là chữ “duyên” mà là chữ “nghiệp” gắn với cuộc đời tôi. Hiện tại, tôi muốn nỗ lực để thành công, có thu nhập tốt hơn. Tôi sợ người đời gọi là “ca sĩ nghèo” lắm”.
Còn Lan Hương thì được mọi người trong giới đặt biệt danh là “thánh chạy show” bởi cô quá “tham công tiếc việc”. Ca sĩ khác một ngày nhận tối đa là 4 show thì Lan Hương nhận tới 6, 7 show. Show này chưa kết thúc, cô đã phải tất tưởi di chuyển tới show khác. Nhiều khi bị bầu show quát mắng, cô chỉ biết cười trừ xin lỗi. Không phải Lan Hương cẩu thả, trễ giờ mà do điều kiện không cho phép khiến cô phải nỗ lực kiếm tiền.
Vén tay áo, Lan Hương chỉ vào những vết sẹo to nhỏ: “Ngã xe máy đó! Tôi không nhớ nổi mình ngã xe bao nhiêu lần. Ca sĩ hạng A, B có ô tô riêng đưa đón còn tôi thân phận bé nhỏ nên phải tự lo mọi thứ từ make up, làm tóc tới chủ động di chuyển giữa các địa điểm. Nhiều lần chạy xe nhanh để kịp giờ khiến tôi ngã sấp ngã ngửa. Nhớ lại hồi ấy, thấy mình liều thật”.
Những cô ca sĩ trẻ mới ra trường, chưa thành danh phải đối diện với bao khó khăn: Gia đình không ủng hộ, xã hội điều tiếng, chuyện bị gạ gẫm, thiếu thốn tiền bạc… Tuy nhiên, nghề nào cũng vậy, chỉ cần có ngọn lửa nhiệt huyết thì sẽ vượt qua tất cả. Thăng trầm cũng là một gia vị tuyệt vời của cuộc sống.
Ngày nay, xã hội đã có quan niệm cởi mở hơn với nghề ca sĩ nhưng cụm từ “xướng ca vô loài” vẫn đeo đẳng trong tâm thức của nhiều người. Vì cách nghĩ lạc hậu đó khiến nhiều cha mẹ không tìm được tiếng nói chung với con cái.