(ĐSPL) – Cùng trải qua cuộc hôn nhân không tình yêu, cùng cảnh thân già đơn chiếc, họ gặp nhau tạo nên câu chuyện tình yêu ở cái tuổi đầu hai thứ tóc mặc dèm pha người đời…
Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn (GDTMC-NGCĐ) TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang nằm cách trung tâm thành phố không xa, nơi đây chứa đựng tình cảm của biết bao con người đã từng trải qua đau khổ trong cuộc sống.
Tưởng chừng cuộc sống cô đơn sẽ kéo dài đến cuối đời nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời có những cụ mới thực sự tìm được tình yêu đích thực của đời mình.
Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Lê Văn Tâm (80 tuổi) và bà Huỳnh Thị Nê (65 tuổi) khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Ông Tâm là một cựu chiến binh lão thành, là chàng trai nổi tiếng của cả vùng Chợ Mới, Long Xuyên nên rất nhiều cô gái mê mệt, nhưng vốn là người trầm tính, ông chẳng bao giờ suy nghĩ đến chuyện yêu đương.
Vợ chồng ông Tâm, bà Nê sống hạnh phúc với nhau hơn 20 năm qua. |
Do chiến tranh miền Đông đang diễn ác liệt, gia đình mai mối cho ông một cô gái gần nhà và tổ chức đám cưới trước khi ông đi chiến đấu.
Năm 1960, ông Tâm lên đường ra mặt trận khi hai đứa con mới chỉ đang học tiểu học.
Sư đoàn của ông hoạt động chủ yếu ở An Giang, ông được giao phụ trách khâu bào chế thuốc nổ cho quân đội nên phải hoạt động bí mật chưa một lần được về thăm nhà, thậm chí còn bị cắt đứt mọi liên lạc với người thân. Chính những điều ấy đã khiến ông tuột mất hạnh phúc.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Tâm mong ngóng ngày trở về được ôm các con vào lòng, được đoàn viên với gia đình sau hơn chục năm xa cách.
Nhưng sự háo hức của ông bị dập tắt ngay khi ông nghe tin vợ đã bỏ hai con để lập gia đình khác, còn các con không nhận ra cha mà chỉ dám ngờ ngợ. Đau đớn nhưng ông không dám trách ai, vì hơn chục năm qua ông không có một tin tức gì về cho gia đình.
Vợ chồng ông Tâm, bà Nê và cậu con trai nhận nuôi dưỡng. |
Chán nản với cuộc sống gia đình, ông Tâm trở lại đơn vị rồi sống luôn trong doanh trại cho đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Ông tâm sự: “Do các con tôi bận mua bán mưu sinh, không có điều kiện chăm sóc lại một thân một mình nên sau khi nghỉ hưu tôi đăng ký vào Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi TP. Long Xuyên”. Cũng chính nơi đây, ông đã nên duyên với người phụ nữ kém tuổi mình cả một giáp.
Còn với bà Nê, cũng từng trải qua hoàn cảnh khó khăn, thời chiến loạn lạc nên bà cũng không có điều kiện học hành.
Năm lên 18 tuổi bà Nê theo học nghề may để kiếm thêm phụ giúp gia đình. Hai năm sau, nhờ sự mai mối, bà Nê nên duyên với cậu thanh niên nhà khá giả ở gần nhà. Những tưởng cuộc sống sẽ đổi thay nhưng vì không “môn đăng hộ đối”, chê gia đình bà nghèo nên cuộc sống vợ chồng kéo dài được 3 năm thì tan vỡ.
Chán nản và mất niềm tin vào cuộc sống bà làm đủ nghề mưu sinh đến khi tuổi già gõ cửa, một thân một mình cô đơn nên năm 1990, bà Nê xin vào trung tâm phục vụ nấu ăn, chăm nom các cụ.
Vốn là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, bà Nê nấu ăn rất ngon nên được mọi người trong trung tâm quý mến. Sau một năm hoạt động tại trung tâm thì bà gặp ông Tâm và can đảm chấp nhận tình yêu của ông cũng như cho chính bà một cơ hội.
Bà Nê tâm sự: “Ban đầu nhìn ông chẳng có cảm tình hay ấn tượng gì sâu sắc, lâu ngày có dịp tâm sự, thấu hiểu hoàn cảnh của ông, khâm phục ông nên dần có thiện cảm”.
Về phần ông Tâm, vốn đã là người trầm tính nên ông Tâm lúc nào cũng có vẻ lạnh lùng, chẳng bao giờ tiếp chuyện với ai. Thế mà có lần thấy bà Nê ngồi nhặt rau một mình, ông lân la lại bắt chuyện rồi cứ thế mà tâm sự.
Nghĩ lại chuyện cũ ông vẫn bảo: “Tôi cũng kén người lắm nghe nhưng thích nhất bà ấy ở điểm nấu ăn ngon mà lại từ tốn, có duyên đáo để”. Lúc đầu, ông Tâm cũng lo mình già hơn bà Nê hơn chục tuổi sợ nói chuyện không hiểu nhau ấy vậy mà thế nào ông bà lại tâm đầu ý hợp.
Mặc dù đã ở cái tuổi ngũ tuần nhưng ông Tâm như tìm lại được tình yêu thật sự của đời mình. Bao nhiêu năm chiến đấu vì Tổ quốc không ngờ người vợ cũng bỏ ông mà đi. Nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có tình cảm với người phụ nữ nào khác vậy mà quá nửa đời người ông lại may mắn tìm được bạn tri kỷ.
Khi biết được chuyện tình của hai người, các con của hai ông bà đều tán đồng, họ hàng hai bên mừng rỡ. Nhờ sự giúp đỡ của trung tâm, tiệc cưới tổ chức tại gia được tiến hành, mặc dù chỉ tổ chức trong khuôn khổ gia đình nhưng ông bà vẫn được đại diện Tỉnh đội qua chúc mừng, cán bộ, nhân viên, người già ở trung tâm chứng kiến.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông bà đã sống với nhau được hơn hai chục năm, ngày nào họ cũng đi cùng đi dạo cùng nhau tâm sự.
Bà Nê nói: “Chưa bao giờ chúng tôi to tiếng với nhau, chúng tôi trân trọng tình cảm dành cho nhau vì có lẽ đến lúc gặp nhau chúng tôi mới thật sự tìm được tình yêu thật sự”.
Do di chứng chiến tranh nên trong nhiều năm qua ông Tâm thường xuyên phải nhập viện điều trị, bà Nê đêm ngày túc trực chăm sóc ông.
“Tuổi già sức yếu, có người mình yêu thương làm bạn đồng hành, chăm sóc thì chẳng còn gì hối tiếc nữa”, ông Tâm bộc bạch.
Và để cuộc sống thêm ý nghĩa, cách đây vài năm, vợ chồng bà đã nhận một cậu bé mồ côi trong trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng.
PHẠM VÂN