(ĐSPL) - Tại khu vực rừng trải dài trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, các vị lãnh đạo làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây cho biết, họ lập nhiều chốt, tăng cường tuần tra kiểm soát để ngăn chặn lâm tặc.
Thế nhưng, theo thực tế PV ghi nhận tại vùng lõi vườn Quốc gia Chư Yang Sin, nhiều cây gỗ vẫn bị đốn hạ, dấu tích rất mới, gốc rỉ nhựa tươi rói, cành lá còn xanh. Điều khó hiểu, địa điểm những cây gỗ bị lâm tặc quật ngã, nằm bên cạnh con đường mòn rất dễ phát hiện…
Theo chân “thổ địa” lên núi tìm dấu vết
Vào đêm khuya ngày 27/7, đang ngon giấc, PV báo ĐS&PL chợt giật mình bởi tiếng chuông điện thoại reo to. Ở đầu dây bên kia, vọng ra một giọng nói khá quen thuộc, nhỏ nhẹ của Nguyễn Văn M. (thổ địa ngụ trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), người từng dẫn PV tác nghiệp tại địa điểm rừng bị lâm tặc tàn phá tại huyện này trước đây. Qua điện thoại, giọng hối hả M. hỏi: “Ông có dám đi rừng lần nữa không? Thấy chúng nó phá rừng, xót ruột nhưng không biết làm gì? Vừa nghe thông tin hiện nay phía trong rừng sâu thuộc vùng lõi vườn Quốc gia Chư Yang Sin (đoạn qua địa bàn xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) có nhiều tốp lâm tặc đang hoạt động, có đi không, tôi dẫn đường”.
Chưa kịp trả lời, M. đã cảnh báo: “Địa điểm lâm tặc đang hoạt động nằm ở nơi “thâm sơn cùng cốc” phải đi bộ hơn nửa ngày đường mới đến. Nếu ông đi, thì để tôi chuẩn bị cơm nắm, cá khô, mang theo xoong nồi, thực phẩm dự trữ, cả đi lẫn về mất tầm 2 ngày. Thời điểm này vấn đề gỗ đang rất “nóng”. Đám lâm tặc rất manh động, liều lĩnh, do đó ông phải đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật cho tôi”. Khi M. vừa dứt lời, PV trấn an: “Ông yên tâm, những lần trước anh em mình đi nguyên tắc tôi làm việc thế nào ông biết mà”.
Sáng sớm 28/7, không để lỡ thời cơ, từ TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), PV chuẩn bị hành lý tức tốc lên đường. Xuất phát từ sáng tinh mơ, đón ba chặng xe đò, chiều lờ mờ tối, PV có mặt tại điểm hẹn gặp M.. Sau bữa cơm tối, PV cùng M. tất bật làm công tác chuẩn bị cơm nắm, cá khô... phục vụ những ngày “nằm gai nếm mật”.
Đúng 4h sáng 29/7, theo lịch trình đã bàn bạc, tránh “tai vách mạch rừng”, chúng tôi được dẫn đường khi trời còn tối đen. Đến 5h sáng, sau khoảng 1 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi có mặt ở bìa rừng, bắt đầu hành trình cuốc bộ chinh phục đỉnh Chư Yang Sin. Đứng dưới chân núi, ngước mắt nhìn lên đỉnh Chư Yang Sin dốc đứng, cao ngút ngàn khiến PV có cảm giác chùng chân, ái ngại. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ và để được mục sở thị “lãnh địa” của “lâm tặc” cùng sự động viên nhiệt tình của người bạn dẫn đường, cảm giác lo sợ tan biến.
Dọc đường, PV không khỏi thắc mắc, những cây cổ thụ, khối đá hộc hai bên đường chằng chịt vết lồi, lõm ăn sâu vào thân. M. (người dẫn đường) cười: “Có gì lạ đâu, vết dây cáp đấy! Đường dốc đứng, đá lởm chởm thế này, “trâu” nào mà kéo được. Bọn “lâm tặc” chúng dùng sợi cáp chằng vào các thân cây, theo đó tuồn gỗ xuống”. Trời mưa lâm thâm, con đường đất lầy lội, trơn trượt, bụng đói, chân tay run rẩy nhiều lần bất giác thấy ớn lạnh sống lưng. Phải nhiều lần đấu tranh tâm lý, cuối cùng sau 7 giờ chật vật leo núi, chúng tôi đặt chân đến khu vực đỉnh Chư Yang Sin. Theo quan sát của PV, tại khu vực này tan hoang gỗ bị đốn hạ vết tích cũ nằm rải rác khắp mọi nơi. Dẫn chúng tôi đến tiếp cận, M. chỉ tay nói: “Thời gian trước tại khu vực này “lâm tặc” oanh tạc dữ dội lắm ”.
Ai chống lưng cho phá rừng?
Quả thật vậy, ghi nhận của PV tại hiện trường có đến hàng chục gốc cây gỗ cổ thụ đường kính hai, ba người ôm nằm trơ gốc, xung quanh cành lá, phần dư thừa nằm ngổn ngang, chất cao thành đống. Tiếp đó, theo chân M., PV đi thêm khoảng 2km thì bắt gặp cảnh tượng xót xa, nhiều cây gỗ dấu vết còn mới bị “lâm tặc” quật ngã. PV đã kịp ghi lại hình ảnh những cây gỗ đường kính khoảng 50- 60cm bị đốn, gốc còn rỉ nhựa tươi rói, cành lá còn xanh tươi mà “lâm tặc” chưa kịp tẩu tán. Theo M., đây là gỗ thông, tuy nhiên để chắc chắn PV lấy một mẫu để thử. Lúc này, PV có thể quả quyết đây là gỗ thông chính hiệu.
Cây thông bị lâm tặc đốn hạ gốc rỉ nhựa, cành lá còn xanh. |
Khi PV đang tác nghiệp, M. từ xa hối hả chạy đến, giọng gấp gáp: “Rút thôi, phía trước có tốp khoảng sáu, bảy người đang tiến đến”. Sợ bị lộ, PV vội vàng co giò chạy thẳng một mạch về phía sau”. Trời càng lúc càng mưa to, đôi chân rã rời, cùng những suy nghĩ đan xen về hay ở? Nỗi sợ len lỏi ở nơi “thâm sơn cùng cốc”. Tôi thầm nghĩ, nếu bị lộ không biết hậu quả sẽ thế nào? Trong giây phút suy nghĩ ngắn ngủi, mọi người kịp hiểu ý nhau và tìm cách rút êm.
Sáng hôm sau, qua một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức lực, PV tìm đến trụ sở hạt kiểm lâm huyện Krông Bông phản ánh những thông tin thu thập được. Trao đổi với ông Y Te Bkrông (Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm), PV hỏi, sau chỉ đạo đóng của rừng của Thủ tướng, Hạt đã có biện pháp gì để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng? Ông Y Te cho biết: “Phía lãnh đạo Hạt thường xuyên chỉ đạo anh em tăng cường tuần tra kiểm soát, báo cáo tình hình hằng ngày với lãnh đạo”. Tuy nhiên, khi PV thông tin rừng trên địa bàn huyện Krông Bông đang bị “lâm tặc” tàn phá, vị cán bộ này quả quyết không có. Thế nhưng, sau khi PV cho xem qua hình ảnh, clip ghi lại được, ông Y Te khẽ chau mày: “Tôi chưa nghe anh em báo cáo về vụ việc này, tuy nhiên cảm ơn thông tin mà cơ quan báo đã phản ánh. Tôi sẽ lập tức cho anh em đi kiểm tra ngay”.
Sáng cùng ngày, PV trao đổi với ông Lương Hữu Thạnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, cũng như câu trả lời của Hạt, vị này phân trần: “Anh em vẫn đi tuần tra bên trong đó nhưng không thấy có báo cáo gì”. Khi xem những hình ảnh mà PV cung cấp, ông Thạnh thừa nhận “theo hình ảnh ghi lại thì đúng là gỗ mới bị đốn hạ”. Lúc này, ông Thạnh nhấc điện thoại lên gọi truy vấn cán bộ cấp dưới, nhưng nhận được câu trả lời chưa phát hiện được địa điểm gỗ bị đốn hạ. PV tiếp tục phản ánh địa điểm gỗ bị đốn hạ nằm sát bên khu vực đường đi nếu cán bộ đi tuần sẽ phát hiện ngay. Như những lần trước ông Thạnh vòng vo “có thể khu vực đó thuộc khu vực giáp ranh nhưng thuộc đơn vị khác, anh em không phát hiện được. Về vấn đề này tôi sẽ khẩn trương cho anh em vào rừng kiểm tra lại”.
Xin nói thêm, liên quan đến vấn đề này trước đây PV có ba bài viết phản ánh về vấn nạn “lâm tặc” hoành hành trên địa bàn huyện Krông Bông. Thời điểm đó, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo xác minh cung cấp cho PV bản báo cáo của hạt Kiểm lâm ghi rõ “gỗ bị khai thác trái phép tại tiểu khu 1189 khối lượng 4,926m3 thuộc quyền quản lý của xã Cư Drăm”.
Khu vực những cây cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ thời gian trước. |
Thật lạ lùng, mới đây ông Y Te cung cấp cho PV bản báo cáo, số gỗ tang vật thu được chỉ có 2,392m3 , vậy số gỗ kia đã đi đâu, vị này không trả lời được? Thời điểm đó, vị chủ tịch huyện cho PV biết sẽ xử lý nghiêm cá nhân đơn vị để mất rừng. Nhưng cho đến nay cơ quan này vẫn “án binh bất động”...
Sẽ trả lời bằng văn bản Liên quan đến sự việc nói trên, ông Lê Oanh Vũ, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị ghi nhận thông tin cơ quan báo phản ánh. “Để làm rõ sự việc khu vực rừng bị mất xảy ra ở khu vực nào, trách nhiệm thuộc về ai, phòng sẽ có văn bản chỉ đạo cho những đơn vị có liên quan tiến hành xác minh, khi có kết quả sẽ trả lời bằng văn bản cụ thể cho cơ quan báo”, ông Vũ khẳng định. |
HỒ NAM
[mecloud]iNAQB5nQoD[/mecloud]