Bày tỏ cần tăng lương cho một số đối tượng nhất định, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng: trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, đến nông thôn còn khó sống huống gì là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Đề cập tới câu chuyện tăng lương trong trong năm 2015 theo lộ trình, ông Ngô Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết: Vừa qua Chính phủ đã chấp thuận phương án tăng lương cho người lao động trong hệ thống doanh nghiệp. Còn ở lĩnh vực hành chính, nếu không thể tăng lương đồng đều do ngân sách eo hẹp cũng phải phân loại những nhóm người hưởng lương thấp để tăng.
Ông Ngô Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. |
Một số ý kiến cho rằng, năm 2015 không thể tăng lương đúng lộ trình nhưng vẫn phải ưu tiên tăng lương cho một số đối tượng nhất định. Quan điểm của ông thế nào?
Những đối tượng có hệ số lương từ 2,34 đến 4 phẩy, tổng lương tháng chỉ dao động 2,7 triệu đồng đến 4 triệu đồng, trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, đến nông thôn còn khó sống huống gì là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Hiện có một thực trạng, ngay đến các đối tượng chính sách, người nghèo theo quy định của Chính phủ hàng tháng mỗi người được hưởng mức trợ cấp từ 120 ngàn - 170 ngàn đồng, song đến nay cũng đã dừng lại. Với tư cách là đại biểu Quốc hội tôi đề nghị Chính phủ phải chi lại những khoản hỗ trợ trên.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiện có một nghịch lý là tốc độ tăng lương cao hơn tốc độ tăng GDP. Một số đại biểu bình luận, chi tăng lương chỉ khoảng 40 ngàn tỷ, chưa thấm thoát gì so với tiền lãng phí, tham nhũng, ông nghĩ sao?
Bộ trưởng Vinh nói đúng. Tốc tăng lương cao hơn GDP là vì nền kinh tế chúng ta chưa thoát ra khỏi khó khăn, trong khi bộ máy hành chính lại rất cồng kềnh dẫn đến hệ quả như vậy. Nếu so sánh giữa tổng chi lương và thất thoát, tham nhũng đây chỉ là so sánh lượng tính. Tuy nhiên, có một thực tế, chúng ta đang đầu tư cực kỳ lãng phí. Ví dụ như hệ thống các trường nghề, tỉnh, thành nào xây dựng cũng hoành tráng, nhưng xây xong không có học sinh học, học xong cũng không biết làm gì.
Ngay tại Bạc Liêu, tỉnh đã phải nhập trường trung học dạy nghề với trường lao động đào tạo nghề làm một, vì không có học sinh để học. Lãng phí đã ăn sâu vào ngõ ngách đời sống xã hội, trong khi chúng ta lại không có tiền chi lương.
Có một vị giáo sư nghỉ hưu tâm sự, lương một vị giáo sư chưa bằng lương hưu ông thiếu tá và còn có những bất cập khác về thang bảng lương?
Tôi rất đồng cảm với trăn trở của vị giáo sư nọ. Tuy rằng, đây cũng chưa hẳn là sự chênh lệch mức lương giữa dân sự với quân sự mà ngay trong hệ thống dân sự cũng đang có sự khập khiễng về thang bảng lương, phụ cấp giữa nhiều ngành. Theo quy định, mức lương chủ tịch xã là 2,65 và 2,85 theo nhiệm kỳ, song công chức xã làm dưới quyền ông chủ tịch chỉ cần 3 lần tăng lương, thì tổng lương đã vượt mức lương ông chủ tịch xã. Bất cập nhất trong hệ thống thang bảng lương hiện nay lương thấp nhưng phụ cấp theo lương lại nhiều. Ngành nào cũng đòi hỏi đặc thù nghề nghiệp để moi trợ cấp.
Ngành quốc phòng, an ninh là hai ngành bảo vệ an ninh Tổ quốc thì mức lương và phụ cấp cao cũng có thể chấp nhận được. Còn những học hàm như giáo sư, phó giáo sư cống hiến âm thầm cho đất nước lại không thể đo đếm được, mức lương như hiện nay cũng cần suy nghĩ. Vấn đề ở chỗ, thời gian qua chúng ta không chỉ chậm đổi mới mà còn thiếu khoa học trong việc sắp xếp thang bảng lương và phụ cấp.
Lương thấp như vậy, nhưng tại sao ai cũng muốn vào công chức Nhà nước, phải chăng có gì đó hấp dẫn đến nỗi nhiều người còn chạy hàng trăm triệu vào biên chế?
Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta chưa giải quyết triệt để vấn đề việc làm, việc làm còn bấp bênh, nên sinh viên ra trường muốn thi làm công chức nhà nước cho chắc chân. Còn chuyện mang tiền chạy công chức, chúng ta chỉ nghe song chưa có bằng chứng nào xác minh. Song bất luận thế nào đây là một sự thực đau lòng. Câu hỏi đặt ra ngoài yếu tố việc làm bấp bênh, phải chăng hai chữ “cơ quan” nhà nước là mảnh đất màu mỡ cho những phát sinh, tiêu cực hay sao? Chúng ta không thể khẳng định, song đó là hiện tượng đáng bàn.
Nợ bảo hiểm xã hội tràn lan khiến người lao động bị thiệt đơn, thiệt kép vẫn chưa thể truy trách nhiệm cho cơ quan nào. Trong khi, ngành bảo hiểm xã hội, lao động - thương bình và xã hội mỗi lần đề cập câu chuyện lương lại lo vỡ quỹ! Theo ông, chúng ta nên giải quyết mâu thuẫn này thế nào?
Nợ bảo hiểm hiện lên tới 12 ngàn tỷ, trong khi vẫn có 5 triệu người chưa được tham gia bảo hiểm. Trong khi chúng ta lo cho vấn đề vỡ quỹ bảo hiểm, thì chế độ an sinh xã hội vẫn sơ khai. Để tránh vỡ quỹ, dự thảo Luật quy định kéo dài năm công tác để hưởng lương hưu. Ví dụ, theo quy định hiện hành, người lao động tối thiểu đạt 15 năm công tác sẽ được hưởng mức lương bằng 45\%; thế nhưng dự thảo Luật lại đang nâng lên tận năm 2016, 1018 gì đó phải đủ 18- 20 năm công tác liên tục mới được hưởng 45\% như hiện nay, đã thế mức lương ngày một thấp là điều bất hợp lý.
Ngay tại TPHCM trung tâm kinh tế cả nước có đến 15\% số lao động khi về hưu lương thấp hơn cả mức chuẩn nghèo của thành phố. Điều này sao có thể chấp nhận được! Thế nên, quy định gì thì quy định, mức lương, tiền hưu cho người lao động, viên chức, công chức phải được cải tiến theo chiều tốt lên chứ không phải chiều ngược lại.
Xin cảm ơn ông!