+Aa-
    Zalo

    Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Syria: Tình hình còn tệ hơn thời nội chiến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nên kinh tế Syria đã giảm sút tới mức thấp nhất trong 12 năm kể từ thời nội chiến do vòng xoáy lạm phát, đồng tiền mất giá và sự thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng.

    Cuộc sống ở thủ đô Damascus của Syria đã rơi vào tình trạng bế tắc khi nền kinh tế tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục. Đường phố gần như không còn bóng xe cộ, các hộ gia đình chỉ có điện trong khoảng vài tiếng mỗi ngày trong khi giá thực phẩm và nhu yếu phẩn tăng vọt. 

    Khi nỗi đau kinh tế ngày càng lớn, các cuộc biểu tình đã gia tăng ở những khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria, dẫn đến cảnh hỗn loạn và tuyệt vọng.

    Cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 

    Đồng bảng Syria đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại. Hồi tuần trước, 7.000 bảng Syria mới bằng 1 USD trên thị trường chợ đen, trước khi trở lại mức 6.000 bảng Syria. Ngân hàng trung ương Syria đã tăng tỷ giá hối đoái chính thức từ 3,015 lên 4,522 vào ngày 2/1 trong nỗ lực lôi kéo mọi người sử dụng tỷ giá hối đoái chính thức thay cho giao dịch trên thị trường chợ đen. 

    Trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu, chính phủ Syria cũng đã phải tăng giá đối với xăng và dầu diesel. Theo bảng giá chính thức, 20 lít xăng giờ ở Syria đắt gần bằng cả tháng lương trung bình của một lao động nội địa, tương đương 150.000 bảng Syria (bằng 25 USD theo tỷ giá chợ đen). Theo đó, nhiều người lao động đã phải nghỉ việc vì không đủ tiền đổ xăng.

    Trong khi tiền lương không đủ để trang trải trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay, nhiều người Syria khác phải làm 2-3 công việc cùng lúc và sống dựa vào các khoản viện trợ nhân đạo, theo ông Joseph Daher, nhà nghiên cứu người Thụy Sĩ gốc Syria và là giáo sư tại Viện Đại học Châu Âu ở Florence (Italy).

    Ông Geir Pedersen, đặc phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc (U.N) tại Syria, ngày 21/12/2022 đã báo cáo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình ở Syria. Ông Pedersen nói rằng "nhu cầu và cuộc sống của người dân tại Syria đã chạm đáy kể từ khi nội chiến bắt đầu cách đây gần 12 năm".

    Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở một số khu vực do chính phủ kiểm soát, đặc biệt là ở các thị trấn Sweida và Daraa ở miền Nam đất nước. Ở Sweida hồi tháng trước, một người biểu tình và một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng sau khi một cuộc biểu tình chuyển hướng trở thành bạo lực. 

    Cánh nhà phân tích cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng kinh tế ở Syria tiếp tục trở nên trầm trọng, có thể sẽ có thêm nhiều cuộc biểu tình phản đối hơn. Dù vậy, các nhà phân tích cũng bác bỏ nguy cơ xảy ra một cuộc nổi dậy chống chính phủ.

    Ông Joseph Daher dự đoán Syria sẽ tiếp tục với sự trợ giúp của viện trợ và kiều hối từ nước ngoài. Theo ông Daher, những người Syria tham gia một cuộc khảo sát trong khuôn khổ một nghiên cứu sắp được công bố cho biết họ nhận được trung bình 100-200 USD một tháng từ người thân ở nước ngoài.

    Nhà nghiên cứu người Thụy Sĩ nhận xét: "Mọi người đang cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải tìm cách tiếp tục sống sót. Và không có giải pháp thay thế chính trị nào có thể chuyển sự thất vọng về kinh tế xã hội này thành một vấn đề chính trị".

    Nguyên nhân khủng hoảng

    Do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt và nạn tham nhũng tràn lan, nền kinh tế Syria đã trải qua một loạt cú sốc kể từ năm 2019, bắt đầu từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính Lebanon vào cùng năm.

    Nasser Saidi, cựu bộ trưởng kinh tế Lebanon, chỉ ra: "Syria và Lebanon có đường biên giới rộng lớn và cả hai nền kinh tế này đang ngày càng dựa vào tiền mặt". 

    Theo ông Saidi, điều này khiến thị trường Syria và Lebanon có nhiều điểm tương đồng. Do đó, sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ và việc cắt bỏ các khoản trợ cấp ở Lebanon đã dẫn đến sự mất giá của đồng tiền và khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Syria. 

    Syria cũng chịu tổn thương trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Ukraine. Những sự kiện này khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao và hướng sự quan tâm cũng như nguồn lực của Moscow, một đồng minh của Damascus, sang các vấn đề khác.

    Các nhà phân tích cho biết, yếu tố quan trọng nhất là sự chậm lại gần đây trong các chuyến hàng vận chuyển dầu từ Iran, vốn là nguồn nhiên liệu chính của Damascus kể từ những năm đầu của cuộc xung đột.

    Trước chiến sự, Syria là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng giờ đây, các mỏ dầu lớn nhất của họ, ở phía Đông đất nước, do các nhóm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát. Bởi vậy, Damascus phải đi nhập khẩu dầu.

    Jihad Yazigi, một nhà kinh tế học và là tổng biên tập của tờ Syria Report, lưu ý rằng Damascus đang mua dầu từ Iran dưới hình thức tín dụng, nhưng "khi họ bán dầu ra thị trường, họ bán lấy tiền mặt". Vì vậy, vấn đề về nguồn cung dầu cũng làm giảm nguồn cung tiền mặt của chính phủ.

    Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Bassam Toamah, phát biểu trên truyền hình nhà nước vào tháng 11/2022, nói rằng tình trạng thiếu nhiên liệu là do lệnh trừng phạt của phương Tây và sự chậm trễ kéo dài trong việc cung cấp dầu. 

    Minh Hạnh 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/cuoc-khung-hoang-kinh-te-o-syria-tinh-hinh-con-te-hon-thoi-noi-chien-a451678.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan