Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn thông tin từ Đơn vị Điều phối hỗ trợ (ACU) cho biết, số bệnh nhân tử vong do dịch tả ở khu vực nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Chính phủ Syria tính đến ngày 11/12 là 47 người, gồm 30 người ở khu vực Đông Bắc và 17 người ở Tây và Tây Bắc nước này.
Trong khi đó, số người mắc bệnh tả trong khu vực kiểm soát đã lên tới 1.609, trong đó có 49 trường hợp tử vong.
Tiến sỹ Adnan Talib - điều phối viên của Mạng Cảnh báo sớm và Phản ứng với Dịch bệnh (EWERN) - xác nhận số ca nghi mắc bệnh tả ở miền Bắc và Tây Bắc Syria là 22.763 người.
EWERN đang phối hợp chặt chẽ với Nhóm công tác về Dịch tả và Bệnh tiêu chảy của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để khắc phục các vấn đề hiện nay.
Đây là đợt bùng phát dịch tả lớn lần đầu tiên tại Syria kể từ năm 2009.
Bệnh tả do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn tại những khu vực thiếu hệ thống thoát nước thải hoặc không có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Theo Liên Hợp Quốc, gần 2/3 số nhà máy xử lý nước, 50% các trạm bơm và 1/3 số tháp nước tại Syria đã bị phá hủy trong cuộc xung đột kéo dài dai dẳng hơn một thập kỷ qua.
Nguồn gốc của đợt bùng phát dịch mới nhất được cho là liên quan đến sông Euphrates đang bị ô nhiễm trong khi trữ lượng nước giảm do hạn hán, nhiệt độ gia tăng càng làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm. LHQ cho biết trên 5 triệu người trong tổng số 18 triệu dân tại Syria vẫn sử dụng nước uống và nước sinh hoạt lấy từ sông Euphrates.
Hiện WHO đang ứng phó với dịch tả bùng phát ở 29 quốc gia, trong đó có Haiti, quốc gia đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh tả, hơn 14.000 ca nghi mắc và 280 ca tử vong.
Theo trưởng nhóm công tác về Dịch tả và Bệnh tiêu chảy của WHO - Tiến sỹ Philippe Barboza, trước đây dịch tả đã bùng phát mạnh ở một số quốc gia, nhưng chưa bao giờ các đợt dịch tả bùng phát cùng lúc ở nhiều nước như hiện nay.
Năm nay, có thêm một yếu tố làm gia tăng dịch tả đó là tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt chưa từng có và lốc xoáy ở một số quốc gia trên thế giới.
Cũng theo ông Barboza, kho dự trữ vaccine phòng bệnh tả toàn cầu mà cơ quan này phụ trách quản lý đang dần cạn kiệt và giảm xuống mức thấp nghiêm trọng.
Một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng thiếu vaccine phòng bệnh tả là do một nhà máy sản xuất vaccine của Ấn Độ ngừng sản xuất. Thiếu vaccine đã khiến WHO tạm thời đình chỉ chiến lược tiêm chủng tiêu chuẩn 2 mũi hồi tháng 10.
Mộc Miên (T/h)