Theo Cục Đường sắt, từ ngày 4 đến 7/5 liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn tàu trật bánh.
Vụ thứ nhất là tàu khách số hiệu SE1 bị trật bánh 2 toa xe chở khách lúc 11h ngày 4/5 tại phía nam ga Huế (km688+500, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM thuộc phường Phương Đức, TP Huế). Vụ tai nạn đã gây tắc đường sắt chính tuyến 303 phút.
Vụ thứ hai là đoàn tàu khách số hiệu SE8 bị trật bánh 1 toa xe chở khách lúc 11h55 ngày 7/5 tại km358+396 đường sắt Hà Nội - TP.HCM đoạn giữa hai ga Thanh Luyện - Hòa Duyệt, thuộc xã Hương Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Vụ tai nạn đã gây tắc đường sắt chính tuyến 218 phút.
Nguyên nhân, thiệt hại của hai vụ tàu trật bánh đang được cơ quan chức năng điều tra, thống kê.
Cục Đường sắt nhận định hai vụ tai nạn giao thông đường sắt tuy không có thiệt hại về người nhưng đã gây ách tắc giao thông nhiều giờ, thiệt hại tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội và chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng.
Vì vậy, Cục Đường sắt đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện ngay các biện pháp để đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp cao điểm vận tải du lịch hè 2023.
Các công ty cổ phần đường sắt và công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt chủ động phối hợp, đề xuất với sở GTVT, UBND, ban ATGT các huyện và các cơ quan chức năng cắm đầy đủ biển báo "chú ý tàu hỏa" tại các lối đi tự mở (LĐTM); tổ chức rào đóng, thu hẹp, xóa bỏ các LĐTM nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đường sắt.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ các điều kiện an toàn kỹ thuật của hệ thống đường bộ tại các đường ngang có gác thuộc phạm vi quản lý của đơn vị như: Hệ thống cọc tiêu, biển báo, tầm nhìn, sự hoạt động của các thiết bị cảnh báo tự động; Bổ sung đầy đủ gồ và gờ giảm tốc tại các đường ngang đảm bảo theo qui định.
Tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong việc chấp hành quy trình tác nghiệp kỹ thuật; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT đường sắt. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm để xảy ra tai nạn chạy tàu do chủ quan gây ra. Hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn, sự cố xảy ra do chủ quan.
Đối với các công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, Ratraco, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, quy định của chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua.
Cùng đó, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga; đảm bảo chất lượng phương tiện đường sắt trước khi vận dụng, nâng cao trách nhiệm trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa hai kỳ kiểm tra theo quy định. Kiên quyết không đưa các phương tiện đầu máy, toa xe không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào vận dụng, khai thác.
Việt Hương (T/h)