Với 7 tiền án, tiền sự và đang bị cơ quan điều tra khởi tố, cho tại ngoại về hành vi trộm cắp tài sản, cụ ông 70 tuổi Hà Trọng Bình vẫn chứng nào tật ấy, "nổi máu" tiếp tục phạm tội.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 8/3, Công an quận Đống Đa cho biết, đơn vị này vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Hà Trọng Bình (70 tuổi, trú tại Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi trộm cắp tài sản.
Theo cơ quan công an, Hà Trọng Bình “sở hữu” 7 tiền án, tiền sự về tội “Trộm cắp tài sản”. Trước khi gây án lần này, Bình đang bị công an quận Đống Đa khởi tố, cho tại ngoại về hành vi trộm cắp tài sản xảy ra trước đó, đang chờ tòa xử.
Đối tượng Bình tại Công an phường Quang Trung. (Ảnh: báo Dân trí) |
Cùng đưa tin, báo An ninh thủ đô cho biết, theo điều tra, khoảng 8h ngày 04/3/2017, đối tượng Hà Trọng Bình đi bộ vào ngõ 2 phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Khi đi đến số nhà 51, Bình nhìn thấy có một chiếc xe đạp điện dựng ở trước cửa, nhãn hiệu PEGEOT, màu vàng đồng, của bà Đỗ Thị Lan (Sn 1941; HKTT: Số 53A Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bánh xe phía sau bị khóa lại bằng khóa dây.
Thấy ngõ vắng người qua lại, Bình đã nảy sinh ý định trộm cắp chiếc xe đạp trên. Đến khoảng 9h00 cùng ngày, Bình quan sát xung quanh không thấy ai đã nhanh chóng dắt bộ chiếc xe đạp trên ra đầu ngõ.
Vừa ra tới đầu ngõ Bình bị một người dân sống trong ngõ phát hiện, gọi cho chủ xe và Công an phường Quang Trung đã đến kiểm tra và bắt giữ đối tượng cùng tang vật.
Vụ việc sau đó được bàn giao cho Đội điều tra Tổng hợp CAQ Đống Đa tiếp tục điều tra làm rõ.
Qua giám định, chiếc xe đạp Bình trộm cắp trị giá 20 triệu đồng. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Bình về hành vi trộm cắp tài sản.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(tổng hợp)