Liên quan đến vấn đề CSGT có được “ẩn” trong ô tô để bắn tốc độ hay không, báo Người Lao Động dẫn thông tin từ luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn) cho hay, theo Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA, trang phục, phương tiện, cũng như thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng CSGT được quy định như dưới đây:
Đối với trang phục: Khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, CSGT sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Nếu như kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn thì CSGT phải mặc áo phản quang.
Nếu kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng như hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện vi phạm, bộ phận CSGT này cần phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo như quy định của pháp luật.
Đối với phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, ở trạm CSGT, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho tổ CSGT, do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng nhằm phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Theo thông tin trên VTC News, cần lưu ý rằng việc mặc trang phục cảnh sát hoặc trang phục thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẽ do Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an huyện trở lên quyết định. Bên cạnh đó, phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Dựa trên các quy định nêu trên, CSGT chỉ được mặc trang phục thường phục khi sử dụng phương tiện và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nếu đã được sự cho phép từ Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an huyện, đồng thời thông tin này phải được ghi rõ trong kế hoạch.
Nhìn chung, CSGT có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như công khai và kết hợp công khai với hoá trang mật phục theo quy định của Bộ Công an. Như vậy, CSGT vẫn có thể được quyền hóa trang, đứng núp, ngồi trên ô tô để bắn tốc độ xe ô tô.