+Aa-
    Zalo

    Con gà vàng và những câu chuyện lạ quanh gốc thị 700 năm tuổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Một lão làng sống gần cây thị cổ 700 năm tuổi này thường xuyên mơ thấy một con gà vàng kiếm ăn quanh gốc cây, mỗi bước đi phát sáng cả một vùng...

    (ĐSPL) - Một lão làng sống gần cây thị cổ 700 năm tuổi này thường xuyên mơ thấy một con gà vàng kiếm ăn quanh gốc cây, mỗi bước đi phát sáng cả một vùng, nhưng tuyệt nhiên không ai bắt được nó. Rồi người tìm về với gốc thị ngày một nhiều, người cầu con trai có con trai, người cầu tìm trâu bò lạc thì trâu bò tự về… 

    “Gốc thị sử tích”

    Cây thị này tọa lạc trong khuôn viên vườn của gia đình bà Trần Thị Nhuận (73 tuổi), ở xóm 13, xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hàng trăm năm nay. Tự bao giờ nó đã gắn liền với cái tên “Cây thị ăn thề” hay “Gốc thị sử tích”.

    Theo quan sát, gốc thị cao 45m, đường kính gốc cây 11m, thân to, lớp da bên ngoài chi chít những hốc, khối u thịt, đường gân sần sùi. Đặc biệt, ở ruột thân cây khoét rỗng tự nhiên, tạo thành cái hốc lớn, cao 4 - 5m có thể vào trú ẩn được.

    Tán mở rộng, xum xuê nên cây có thể tỏa bóng xuống cả một vùng đất rộng. Đứng đầu làng cũng có thể nhìn thấy ngọn cây, nên ở vị trí nào, đi đến đâu, khi hỏi về cây thị, người dân ở đây đều chỉ tay được.

    Trải qua hơn 700 trăm, gốc thị vẫn sừng sững hiên ngang vươn cao và xanh tốt, cành lá xum xuê vươn cao che bóng mát quanh năm.

    Giải thích về cái tên gắn liền với cây thị cổ thụ này, ông Nguyễn Văn Thiệu (80 tuổi), một nhà giáo nghỉ hưu, nhiều năm liền nghiên cứu, quan tâm đến gốc thị cho biết: Từ khi tôi sinh ra đã thấy gốc thị ở đó rồi, tò mò tôi có hỏi cha thì cha cũng bảo vậy. Vừa rồi có một đoàn nghiên cứu về lấy mẫu cây và kết luận, cây thị này có tuổi đời trên 700 năm.

    Sở dĩ người ta lưu truyền cái tên gọi đó là vì theo sử sách ghi chép lại: Tương truyền rằng chính nơi đây vào những năm 1425, khi Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn tại Thanh Hóa gặp khó khăn, đã chuyển vào lập căn cứ ở thành Lục Niên, trên núi Thiên Nhẫn (giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An ngày nay).

    Nghe danh ông Nguyễn Tuấn Thiện, thủ lĩnh đội quân Cốc Sơn lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc Minh xâm lược, Lê Lợi đã đích thân tìm đến kết nghĩa anh em và mời hợp quân với nghĩa quân Lam Sơn. Sau đó, cả hai người cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này. Những câu thơ "Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ" vẫn còn được lưu truyền trong nhân dân.

    Khoảng năm 1424, trong một lần bị giặc Minh truy đuổi ráo riết, Lê Lợi đã chui vào ẩn nấp ở trong hốc của gốc cây thị này. Khi giặc Minh đuổi đến đây thì trời đã tối, liền cho đàn chó săn đi tìm. Cứ đến gốc thị là chúng sủa vang, Lê Lợi ngồi trong nép mình lo sợ. Đoán chắc, kẻ thù đang ẩn nấp ở đó, binh lính đã dùng gươm giáo xỉa liên tục vào cây, Lê Lợi phải lấy vạt áo khéo lau những mũi giáo đâm chạm vào mình. Đang hồi nguy cấp thì bất ngờ một con cáo trắng từ bên trong hốc cây thị chạy ra ngoài, làm đàn chó săn và binh lính rượt đuổi theo, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn.

    Đó là những tích sử được ghi lại trong gia phả dòng họ Nguyễn – chủ nhân của cây thị cổ này. Từ đó, cứ đến ngày 26/3 hàng năm, con cháu họ Nguyễn xa gần lại tụ tập về đây làm lễ giỗ cáo, tưởng nhớ đến con cáo đã giúp Lê Lợi.

    Ngày 15/7/2001, con cháu trong dòng tộc họ Nguyễn và nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng một ngôi miếu thờ nhỏ, ngay phía trước gốc cây thị, rồi khắc nổi trên tấm bia “Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ/ Thệ Phát Sơ Thù Minh Thị Hạ/ Quyết Tâm Bất Dịch, Trợ Hòa Đao”. Và hàng năm, cứ vào ngày 17 tháng giêng âm lịch, trước ngày giỗ của Nguyễn Tuấn Thiện (vào ngày 18), người dân ở đây lại tề tựu về dưới gốc cây thị này thắp hương, hoa, dâng thị, làm lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình, sức khỏe, công việc, mùa màng... mọi sự đều được tốt lành.

    Trải qua bao nhiêu thăng trầm, sự tàn phá khốc liệt của thời gian, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây thị vẫn xanh tốt, cành lá sum suê, sừng sững giữa đất trời. Và cứ đến độ tháng 4, cây lại trổ hoa đơm quả, tháng 7 rợp một trời quả thị chín. Cây thị này còn có một điểm đặc biệt khác các cây thị bình thường, là nó có tới 3 loại quả trên một cây: quả tròn to, rồi quả dài và còn cả quả bẹp. Nhưng dù là loại gì thì đến mùa thu hoạch, quả vẫn chín mọng, lan tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp xóm làng.

    Con gà vàng và những tích lạ xung quanh cây thị cổ

    Thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau sống bên cây thị, cứ thế rủ rỉ truyền cho nhau nghe bao tích lạ về gốc cây này.

    Tương truyền, ông Nguyễn Văn Lương – một người dân sống lão làng ở gần gốc thị, nhiều lần nằm ngủ cứ mơ thấy ở gốc cây sử tích này có một con gà vàng nhảy ra kiếm ăn xung quanh, nhưng không ai có thể bắt được nó. Khi nó di chuyển, phát sáng cả một vùng quê. Lúc còn sống, ông Lương có lần nói: Nếu giấc mơ đó đến một lần thì có lẽ ông thấy chuyện đó là linh tinh, đằng này nó cứ tái hiện đi tái hiện lại trong nhiều giấc ngủ của ông, khiến đôi lúc ông không biết chuyện đó thực hư thế nào.

     Năm 2015, đền thờ “Gốc thị sử tích” đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

    Chị Nguyễn Thị Hương (48 tuổi) có nhà ngay dưới gốc thị, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà chính chị là người xác thực.

    Năm ấy chị Hương mới về xã Sơn Phúc làm dâu, ngó lên thấy có cành thị vừa gãy, chị vội nhặt về nấu cơm. Lạ thay, loay hoay mãi mà củi vẫn không cháy. Mẹ chồng chị hoảng hốt khi nghe con dâu bảo đây là cành thị. Bà tất tả đội nón lên gốc cây thắp hương xin. Bước chân vừa đến nhà, bà đã nghe con dâu mừng rỡ thông báo: "Củi cháy rồi mẹ ạ".

    Còn anh Uông Trung Hòa (55 tuổi, con trai của chủ nhà có cây thị trong vườn) cho hay, năm ngoái, một gia đình sống cạnh cây thị đem máy xúc, máy cưa vào cải tạo vườn sát cạnh cây thị nhưng làm thế nào cũng không nổ được, mà cứ đưa ra xa vườn và gốc thị, thì máy nào vẫn nổ bình thường. Biết đã phạm đến tâm linh, nên chủ nhà liền cầm hương sang thắp xin, hương vừa tàn dưới gốc cây thì bên nhà đã nghe tiếng máy nổ vang.

    Khi chúng tôi đến đây, tuy mới mưa xong nhưng đã có một vài cậu bé đến xin gia chủ được chơi đùa dưới gốc cây. Dặn dò mấy cháu bé không được làm bậy hay nói tục tĩu, rồi anh Hòa kể: "Phải dặn vậy, vì mới năm ngoái thôi, có cháu con nhà xóm dưới lên đây trèo cây hái quả thị, nói tục mấy câu rồi tự nhiên ngã xuống đất, gãy tay. Gia đình vừa đưa đi bệnh viện, vừa cử người lên thắp hương khấn xin".

    Chỉ về phía mái che nơi thắp hương, anh Hòa cho biết thêm: Đây là quà tặng của một anh tên Tuấn, người ở Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Năm ấy theo một người quen đến thắp hương nơi gốc thị, anh Tuấn cúi đầu khấn xin một đứa con trai. Lạ kỳ thay, trở về nhà được thời gian, anh vui mừng đón nhận tin vợ mang bầu, đợi 4 tháng đi siêu âm thì quả là con trai thật. Cảm tạ trước sự linh thiêng của gốc thị, anh Tuấn và gia đình xin được đứng ra lợp mái che vững chãi cho nơi thờ cúng, như một phần cảm ơn.

    Những câu chuyện đời thường ấy cứ bồi đắp dần vào kho tâm linh về gốc cây cổ này, khiến sự linh thiêng của nó càng vang xa. Để rồi vào những ngày lễ lớn, người từ khắp các tỉnh lại đổ về đây thắp hương, cúng xin. Những ngày giỗ chạp, rằm… người dân xung quanh lại cầm thẻ hương ngược vào vườn nhà bà Nhuận. Gốc thị ăn thề này tự khi nào đã gắn với một phần đời sống tâm linh của người dân Sơn Phúc, như một sự cứu cánh cho những lo lắng đời thường của họ.

    Chỉ cần nhà có việc hay đơn giản như mất con bò, con trâu, họ cũng chạy đến đây thắp hương cúng xin. Dẫu không ai nói với ai, nhưng người dân quê nghèo này vẫn luôn coi gốc thị như một “bảo bối” bảo vệ họ, bảo vệ mảnh đất họ đang an cư lạc nghiệp. Giờ đây, cây thị không chỉ là “báu vật sống gia truyền” vô giá, là niềm tự hào của riêng dòng tộc họ Nguyễn nữa, mà còn là của toàn thể nhân dân vùng sơn cước Hương Sơn.

    Không biết thực hư những câu chuyện đó thế nào, nhưng mấy năm nay, đã có rất nhiều đoàn khách từ Hà Nội, TP HCM, Nghệ An... về đây tìm hiểu, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây thị. Đối với mỗi người dân Sơn Phúc, cây thị cổ này là một trong những di sản văn hóa của xã. Chính vì vậy, người dân nơi đây vẫn mong ước sẽ được nhà nước cho nghiên cứu và công nhận là cây di sản, di tích lịch sử để bảo tồn, giữ gìn cho thế hệ cháu con đời sau… 

    Điều 4. Tiêu chí Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam

    Cây được xét công nhận là Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí sau:

    1. Cây có từ 50 năm trở lên;

    2. Cây có đường kính tại điểm 1,3 mét tính từ mặt đất từ 50cm trở lên;

    3. Cây gắn với công tích của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước hoặc gắn với các sự kiện lịch sử cách mạng như: nơi treo cờ Đảng; địa điểm liên lạc của du kích; nơi cất dấu truyền đơn; nơi đặt đài quan sát của bộ đội, du kích… hoặc do lãnh tụ Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm;

    4. Cây có chủ sở hữu hoặc quản lý rõ ràng, không có tranh chấp.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-ga-vang-va-nhung-cau-chuyen-la-quanh-goc-thi-700-nam-tuoi-a178856.html
    Sự kiện: Chuyện lạ
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan