Người dân có thể dễ dàng dùng tay bẻ gãy cành cây ra từng đoạn do bị chết khô, tất cả những cây này được trồng trên dải phân cách rộng khoảng 40cm của cầu Thanh Trì.
[mecloud]cwEwsSFbOM[/mecloud]
Sau hàng loạt cây xanh trên đoạn đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) bị chết khô, PV tiếp tục phát hiện nhiều cây xanh trên cầu Thanh Trì bị vàng lá, rụng, có hiện tượng chết.
Hàng loạt cây xanh trên cầu Thanh Trì có hiện tượng vàng lá, chết khô. |
Sáng ngày 28/10, PV báo Người Đưa Tin có mặt tại cầu Thanh Trì (Hà Nội) để ghi nhận. Hàng trăm cây xanh được trồng trên dải phân cách nằm giữa cầu Thanh Trì đang có hiện tượng chết khô, kéo dài từ đầu cầu phía Hoàng Mai đến bên kia sông Hồng (quận Long Biên). Có những đoạn cây chết nằm sát nhau, kéo dài đến hàng trăm mét.
Cây xanh bị chết khô nắm sát nhau. |
Theo quan sát, những cây xanh này đều đang có hiện tượng vàng lá, khô, rụng xuống đường chết. Nhiều đoạn có đến hàng trăm cây chết khô liên tiếp, có đoạn chỉ lác đác 3 – 5 cây. Những cây khác cũng đang có hiện tượng héo lá, chết. Cây xanh chết nhiều nhất là ở đoạn giữa cầu, thân cây bị khô rụng hết lá, trơ ra phần thân và cành.
Những cành cây khô bị rụng hết lá, người dân có thể dễ dàng dùng tay bẻ rời ra từng đoạn. Tất cả những cây xanh này được trồng trên dải phân cách rộng khoảng 40 cm. Chúng tôi dùng tay thử bới phía dưới gốc cây thì thấy trên bề mặt toàn cát khô.
Nhiều cây bị rụng hết lá, cành khô khốc. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, anh Nguyễn Huy (tài xế đi qua cầu Thanh Trì) cho biết: “Hiện tượng cây chết trên cầu Thanh Trì xuất hiện từ lâu, nhưng cây chết nhiều nhất khoảng 1 tuần nay. Tôi không hiểu nguyên nhân cây chết vì đâu, bằng mắt thường có thể thấy nền đất bị khô, cộng thêm thời tiết khô hanh có thể là nguyên nhân.
Nhưng, chúng ta không thể đổ lỗi cho thời tiết bị khô hanh dẫn đến tình trạng cây chết khô. Một phần cũng là do đơn vị quản lý chăm sóc cây chưa được tốt mới dẫn đến tình trạng này. Đơn vị quản lý cần phải có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc cây”.
Được biết, cầu Thanh Trì được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, vốn đầu tư 5.700 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là BQL dự án Thăng Long.
Trước đó, PV báo Người Đưa Tin cũng phản ánh hiện tượng cây mới trồng chết khô hàng loạt trên đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm (thuộc địa bàn huyện Thanh Trì và các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân). Điều đáng nói, Ban QLDA Thăng Long cũng chính là đơn vị làm chủ đầu tư và cơ quan này tự triển khai việc trồng cây trên tuyến này.
Liên quan đến sự việc trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Sở Xây dựng đã đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) – chủ đầu tư dự án đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm – khắc phục ngay hiện tượng cây chết khô trên tuyến đường này; nghiêm khắc kiểm điểm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót.
Với việc phát hiện cây xanh chết khô trên cầu Thanh Trì, dư luận đặt câu hỏi, liệu BQL dự án Thăng Long đã làm tròn trách nhiệm trong sự việc trồng, chăm sóc và quản lý cây?
THẾ ANH