Ngày 17/3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã xác nhận đình chỉ vô thời hạn kế hoạch gửi xe thăm dò ExoMars lên Sao Hỏa. Đây là kế hoạch thăm dò Sao Hỏa được ESA phối hợp cùng Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos).
"Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc trước những thương vong về người và hậu quả bi thảm của chiến dịch ở Ukraine. Dù thừa nhận tác động đối với hoạt động khám phá không gian, quyết định của ESA hoàn toàn phù hợp với các lệnh trừng phạt mà các Quốc gia Thành viên áp đặt đối với Nga", ESA cho biết trong một tuyên bố.
Ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, cho biết trên Telegram rằng "Đây là một quyết định rất cay đắng" với tất cả những người đam mê không gian khi phải đình chỉ sứ mệnh khám phá Sao Hỏa giữa Nga - châu Âu. Ông nói thêm rằng Nga sẽ "tự mình tiến hành cuộc thăm dò này".
Do di chuyển theo quỹ đạo quanh Mặt Trời, các nhà khoa học chỉ có thể phóng xe thăm dò từ Trái Đất lên Sao Hỏa một lần mỗi 2 năm. Thời điểm kế tiếp để ESA có thể phóng xe thăm dò lên Sao Hỏa là năm 2024. Trước đó, kế hoạch đưa ExoMars lên Sao Hỏa đã bị trì hoãn một lần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như yêu cầu kiểm tra tàu vũ trụ.
Ngoài ra, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng cho biết tất cả các sứ mệnh khác sử dụng tên lửa Soyuz của Nga của họ cũng bị đình chỉ. Cụ thể, hai vệ tinh cho hệ thống GPS Galileo của châu Âu, sứ mệnh phóng kính viễn vọng không gian Euclid và vệ tinh quan sát EarthCARE của châu Âu - Nhật Bản hiện bị đình chỉ không thời hạn.
Dù đình chỉ sứ mệnh Sao Hỏa, EAS cho biết chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Mục đích chính hiện nay là tiếp tục hoạt động an toàn của ISS, trong đó bao gồm cả việc duy trì an toàn cho các phi hành gia. Hiện có 4 phi hành gia NASA, 2 nhà du hành vũ trụ Nga và 1 của châu Âu đang sinh sống và làm việc trên ISS.
Linh Chi(T/h)