(ĐSPL)- Suốt mười hai năm học, có bao nhiêu ngày tới trường là bấy nhiêu lần cha mẹ phải thay phiên nhau cõng em. Thế nhưng, dù ngày mưa hay nắng, dù ốm, sốt thế nào em vẫn gắng gượng để tới trường, vì nghỉ học là mất kiến thức, là tiếc lắm...
Nghị lực phi thường trên tấm thân mềm nhão
Đó là câu chuyện cảm động của cô bé "xương thủy tinh" Nguyễn Thị Mai Phương, cựu học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Phương vừa trải qua kỳ thi đại học và em đã khiến cả phòng thi cũng như những người gặp em phải cảm động, khâm phục.
Nghe mẹ Phương, chị Nguyễn Kim Chung kể lại thì ngày mới sinh ra, Phương cũng như bao em bé bình thường khác, nặng 3,3kg và tiếng khóc rất to, rất vang. Ai cũng bảo, gái đầu lòng nghịch ngợm và chắc phải bướng bỉnh lắm vì "cháu giãy và đạp rất khỏe". Thế nhưng, chăm con tới tám tháng mà con vẫn không biết lẫy thì vợ chồng chị Chung lo lắm. Đưa con đi khám, các bác sỹ nói là cháu bị còi xương.
Tuy nhiên, đến một tuổi, Phương nằm một chỗ, không thể đi lại. Sợ con bị liệt, hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm cách chữa trị. Từ đông y đến tây y, hễ chữa trị một thời gian không thấy biến chuyển, thấy mách ở đâu có phương thuốc hay là anh chị lại đưa con tới để chữa trị. Có lần, thương cháu gái, bà ngoại đã đích thân cùng cháu lên tận Định Hóa, Thái Nguyên ở tám tháng liền để chữa bằng thuốc lá bó của thầy lang dân tộc. Nghe người ta đồn, thầy lang này bó thuốc lá "chuẩn lắm", toàn chữa cho người chậm phát triển hệ thần kinh vận động.
Cứ thế suốt bao năm ròng, bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu cố gắng và rất nhiều nước mắt đã rơi để mong Mai Phương trở thành đứa trẻ bình thường nhưng đều vô ích. Đến năm lên sáu tuổi, anh chị cho cháu đi kiểm tra thì được biết, con mình bị chứng chậm phát triển tâm thần vận động bẩm sinh. Tuy nhiên trên thực tế, Phương không hẳn là bị liệt mà vẫn ngọ nguậy được chân tay và vẫn có cảm giác nhưng các cơ trên người cứ chảy dần ra. Cầm tay, chân em, tất cả mềm oặt như người ốm lâu ngày sau cơn bạo bệnh. Mọi người vẫn gọi em là cô bé "xương thủy tinh" là vì như thế.
Mẹ Phương cho biết: "Mỗi khi nấu thức ăn cho con, tôi phải nấu nát hơn bình thường. Ngày bé, Phương khá xinh và bụ bẫm. Nhưng càng lớn thì chân tay càng mềm nhão khiến cơ thể không đứng vững được, Phương phải nằm nhiều hơn ngồi. Khi ngồi, cái đầu phải giữ cho thật thẳng. Hễ cái đầu không may ngửa về phía sau hay cúi gập về phía trước (khi mỏi quá) thì phải nhờ đến người bên cạnh nâng đầu dậy vì tay em không thể cử động mạnh được và xương cổ cũng không thể "bảo ban" cái đầu nghe lời". Vài năm gần đây, lưng Phương còn bị vẹo lệch hẳn về một bên do ngồi quá nhiều. Ngày bé đi học, để tránh bị đổ người, bố phải đích thân thiết kế riêng cho Phương một chiếc ghế có hai bên đai giữ chặt như chiếc ghế của những người cắt tóc. Có như thế thì tấm thân nhỏ bé, mềm oặt của em mới không bị đổ quẹo.
|
Mai Phương có được sự lạc quan và đam mê học hỏi mà nhiều người bình thường không có được. |
Dù vậy, Phương không bao giờ chịu thua kém bạn bè cùng trang lứa. Hễ làm được việc gì là em tự làm, không nhờ bố mẹ. Khi còn học cấp 1, cấp 2, Phương luôn đạt học sinh giỏi. Tuy nhiên, đến khi vào cấp 3, do sức khỏe yếu dần đi, đôi tay cứ mỗi ngày lại mềm thêm nên em viết chậm hơn các bạn và chỉ đạt học lực khá.
Người viết nhớ lại câu nói quen thuộc "trời không cho ai tất cả và cũng chẳng lấy của ai tất cả". Không may phải sống trong một cơ thể "xương thủy tinh" nhưng bù lại, Mai Phương khá lạc quan và ham học hỏi. Từ khi còn rất nhỏ, Phương đã thể hiện trí nhớ vô cùng tốt. Đến tuổi đi học, Phương cũng đòi bố mẹ được đến trường. Suốt 12 năm học, hầu như Phương chưa từng nghỉ một buổi học nào. Trừ những khi ốm nặng, còn hơi sốt nhẹ hay trong người không khỏe, Phương cũng cố tới trường vì lúc nào cũng sợ mất kiến thức. Hiểu tính con, trân trọng tinh thần ham học hỏi của con, vợ chồng chị Chung luôn phải sắp xếp công việc để đưa con đến trường đúng giờ, bất kể là ngày mưa hay ngày nắng.
Phương tâm sự: "Từ bé em sống trên đôi chân của bố và đôi bàn tay chăm sóc của mẹ, đi đâu cũng phải "mượn lưng" của bố mẹ làm chỗ dựa. Bởi vậy, em đã quen và chẳng hình dung ra một người khỏe mạnh bình thường sẽ có cảm giác như thế nào. Như thế, em thấy đỡ buồn hơn".
Theo lời mẹ Phương thì sự đam mê học tập của Phương đã giúp hai vợ chồng quên đi những muộn phiền. Trước đây, nhìn con không được may mắn như những người bình thường khác, chị thường khóc thầm khóc vụng vì thương con. Nhưng thấy con vẫn vui vẻ, hòa đồng và say mê học tập, gia đình chị lại có thêm niềm an ủi lớn. Phương nhiều lần thủ thỉ với mẹ: "Không hiểu sao, càng học con càng cảm thấy mình... dốt". Bởi thế, Phương tranh thủ thời gian lúc khỏe mạnh để học tập, trau dồi kiến thức.
|
Ước mơ của Phương là đỗ đại học và được học nữa, học mãi. Ảnh: Tuấn Mark. |
Ước mơ được tới giảng đường đại học
Biết hoàn cảnh của Phương, nhiều người sẽ nghĩ cô bé hay buồn, tủi thân và mặc cảm với đời. Nhưng ngồi với em, người bên cạnh sẽ cảm nhận được những tình cảm ấm áp kỳ lạ từ nụ cười và giọng nói dịu dàng. Từ sự lạc quan, yêu cuộc sống và tâm hồn trong sáng, người đối diện sẽ thấy khâm phục nghị lực và sự dũng cảm vượt lên số phận của em. Ngoài thời gian học, Phương rất mê đọc sách và tìm hiểu kiến thức văn hóa, xã hội. Ngay cả bố mẹ Phương cũng rất ngạc nhiên bởi kiến thức xã hội và trí nhớ tuyệt vời của cô con gái.
Được biết, để đến với kỳ thi đại học vừa qua, Phương và bố mẹ đã phải cố gắng rất nhiều. Do sức khỏe yếu nên hầu như em chỉ ôn thi ở nhà. Phương khiêm tốn nói có thể chắc được 60\% bài làm đúng, còn lại là may mắn. Anh Nguyễn Văn Dũng, bố của Phương thì lại khá tin tưởng con gái vì nhiều năm đi học làm bài kiểm tra và thi, hễ con tính được bao nhiêu điểm là kết quả sẽ y như thế. Anh cũng cho biết: Sức học của Phương thực tế có thể theo học những trường tốt hơn. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, để đảm bảo đưa đón con đến trường cho an toàn, anh chị đã chọn những trường gần nhà. Đến khi thi đại học, Học viện Bưu chính Viễn thông cũng là một sự lựa chọn như thế vì đây là trường đại học gần nhà nhất và lại rất may có khoa mà Mai Phương rất thích theo học: Ngành công nghệ đa phương tiện.
Được biết, Phương là thí sinh đặc biệt được nhà trường "lưu ý" để xét đặc cách vì bảng thành tích học tập khá tốt trong 12 năm học. Tuy nhiên, gia đình cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phía nhà trường. Còn riêng Phương, em sẽ rất vui nếu được xét tuyển thẳng, nhưng em sẽ hạnh phúc hơn nếu như có thể thi đỗ bằng chính lực học của mình. Bởi thế, Phương vẫn tham dự cả ba môn thi khối A1. Bố mẹ đã túc trực cùng con gái tới tận phòng thi. Có những ngày thi mệt về, đầu của Phương cứ ngoẹo hẳn sang một bên. Mẹ Phương tâm sự: "Bây giờ cõng Phương trên lưng, cái đầu Phương không còn thẳng được như người bình thường mà dựa hẳn vào lưng bố, mẹ. Tuy vậy, cõng con nhiều năm, thành "bài" cả rồi, tôi chưa bao giờ để cháu bị ngã hay bị đau".
Hỏi về chuyện tình cảm trong tương lai và những dự định, Phương thỏ thẻ: "Không biết có ai muốn làm bạn đời với em không?! Nhưng ước mơ lớn nhất của em bây giờ là được học đại học và sau này sẽ làm một kỹ sư công nghệ thông tin thật giỏi".
Tổng đài hỏi đáp của cả nhàDù không được chạy nhảy tung tăng như hai em, nhưng Phương lại rất ra dáng làm chị cả, luôn là chỗ dựa tinh thần cho mẹ và em. Chị Chung tự hào cho biết: "Phương có trí nhớ rất tốt. ở nhà, mọi người thường xuyên phải hỏi cháu về các kiến thức xã hội. Nhiều lúc tôi có cảm giác như cháu là tổng đài 1080 của cả nhà".
Không bỏ một trận bóng đá nào trong kỳ World Cup, Phương còn có niềm đam mê đặc biệt với môn thể thao vua đến mức, từ đầu mùa World Cup, em chưa bỏ qua một trận đấu nào trong khi bố mẹ chỉ thức xem được một hiệp của trận sớm nhất rồi đi ngủ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-gai-xuong-thuy-tinh-den-truong-bang-doi-chan-cha-me-a41538.html