(ĐSPL) – Ít ai nghĩ rằng, một cô gái không thể tự đi đứng, sinh hoạt như người bình thường lại có thể trở thành giám đốc và mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người khuyết tật.
Cô gái "xương thủy tinh" trở thành Giám đốc trung tâm dạy nghề.
Quyết tâm và khát khao cháy bỏng
Nguyễn Thị Thu Thương mắc căn bệnh "xương thủy tinh" từ khi mới chào đời. Việc đi lại, sinh hoạt của Thương đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Song ít ai ngờ rằng, một cô gái khiếm khuyết như Thương lại có thể kiếm tiền nuôi người khác, không những thế cô còn đang là giám đốc của một trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật.
Các học viên đang làm việc tại trung tâm. |
Ngày 16/3, Thu Thương khai trương Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương tại thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trên mảnh đất 300m2 của cha mẹ, cô gái "xương thủy tinh" đã xây dựng được một căn nhà hai tầng cao ráo. Đây vừa là nơi sản xuất, đào tạo, vừa là nơi ăn ở của gia đình Thương và các học viên đang theo học
Thu Thương đang ân cần chỉ dạy cho học viên của mình. |
Để xây dựng được Trung tâm này, Thương phải gom góp, tiết kiệm tiền suốt 10 năm, cùng với sự giúp đỡ của cha mẹ và các nhà hảo tâm. Những ngày đầu, trung tâm mới chỉ có 8-9 người, đến nay số học viên đã tăng lên 13 người. Những người theo học tại đây đến từ các tỉnh như Lạng sơn, Tuyên quang, Nam Định... mỗi người có một hoàn cảnh, một khiếm khuyết khác nhau nhưng tất cả đều có một mong muốn, khát khao cháy bỏng là được sống, được làm việc như bao người bình thường khác.
Thu Thương chia sẻ: “Tôi quyết tâm làm được một việc gì đó để đem lại một cuộc sống mới cho các bạn khuyết tật, để họ có thể tự tin hơn và không phải phụ thuộc vào người khác”.
Ngoài trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương, Thu Thương còn là chủ của Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương HandMade.
Giấc mơ thành hiện thực
Khi cô gái "xương thủy tinh" đưa ra ý định muốn xây dựng một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Việt (mẹ của Thương) hết sức lo lắng. Bà lo sợ vì Thương còn chưa thể tự lo cho chính mình mà lại muốn làm chỗ dựa cho người khác thì không biết thế nào.
Sản phẩm của trung tâm rất phong phú và đặc sắc. |
Sau một thời gian dài băn khoăn, năm 2013, sau sự kiện Nick Vujicic về Việt Nam, Thương và gia đình đã nhận được nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, từ đó bà Việt mới bớt lo lắng và đồng ý cho Thương mở trung tâm dạy nghề tại quê nhà.
Mẹ cô gái "xương thủy tinh" cho biết: "Dù tôi không sinh ra các con nhưng hiện tại tôi lại có hơn 10 con ríu rít gọi tôi là u, điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào!".
Hiện tại, mặt hàng sản xuất chính của trung tâm là tranh giấy cuộn, hỏi lý do tại sao lại chọn mặt hàng này, Thương cho hay: "Do đây là công việc phù hợp với người khuyết tật, một bức tranh được ghép lại từ nhiều mảnh giấy cuộn cũng giống như sự chung tay giúp đỡ và tình cảm mà cộng đồng dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn".
Những sản phẩm đẹp được làm ra bởi những người khuyết tật. |
Bằng tình cảm và sự hồn nhiên, yêu đời của mình, Thu Thương đã xây dựng được một trung tâm tràn ngập niềm vui. Ngày nào tiếng cười nói vui vẻ cũng vang lên trong ngôi nhà chung này.
Toàn cảnh trung tâm - Ngôi nhà chung của những người khuyết tật. |
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, học viên Đàm Thị Hiền (Lạng Sơn) chia sẻ cảm xúc của mình: "Em rất vui khi ở đây, em cảm thấy công việc này phù hợp với sức khỏe của mình, từ đó em thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn và em cũng tự tin hơn".
Khách đến mua sản phẩm tại trung tâm chủ yếu là các công ty, các doanh nghiệp và cá nhân muốn xuất khẩu tranh giấy cuộn ra nước ngoài. Ngày càng có nhiều người biết đến Thương, biết đến trung tâm này, không chỉ vì nơi đây làm ra những sản phẩm đẹp mà còn vì chúng được tạo ra từ đôi tay của những con người đầy nghị lực, vượt lên số phận để sống có ý nghĩa hơn.
Mạnh Nguyễn – Duy Dương