Không có quy định bắt buộc giáo viên trực Tết
Theo thông báo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Tết Nguyên đán từ thứ bảy, 25/1 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết chủ nhật, 2/2 (tức hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Đợt nghỉ kéo dài 9 ngày, gồm 5 ngày nghỉ Tết chính thức và 4 ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, lịch nghỉ lễ Tết theo quy định của Nhà nước. Hiện không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải trực Tết, trực hè. Nếu nhà trường có kế hoạch bố trí giáo viên tham gia trực Tết, trực hè, phải được giáo viên đồng ý, đồng thời người lao động được hưởng lương làm thêm giờ.
Cụ thể, căn cứ khoản 2 Điều 12, Luật viên chức 2010, giáo viên là viên chức khi làm thêm giờ được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Giáo viên trực Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được hưởng lương làm thêm thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
“Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.
Như vậy, những cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết (5 ngày Tết), ngoài tiền lương được nhận bình thường, những ngày trực Tết sẽ được tính ít nhất bằng 300% nữa.
Tuy nhiên, tùy điều kiện, hướng dẫn của mỗi địa phương có những khác nhau. Có địa phương hướng dẫn trực Tết sẽ được tính tiền làm thêm giờ, có nơi cho nghỉ bù, có nơi không cho hưởng chế độ tiền làm thêm giờ. Vì thế, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán vẫn thấy tình trạng một số giáo viên phản ánh góp tiền thuê người trực thay hoặc trực mà không có chế độ.
Đối với những địa phương cho chi chế độ làm thêm giờ trong dịp trực Tết Nguyên đán thì cách tính tiền làm thêm giờ của cán bộ, giáo viên như sau: hệ số (lương+phụ cấp chức vụ, đứng lớp, thâm niên) x lương cơ sở (2.340.000 đồng) : định mức ngày (22 ngày/8h) = tiền công mỗi giờ làm. Tiền số giờ làm thêm x 300% (tiền làm thêm giờ) = tiền làm thêm.
Do đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết Nguyên đán có hệ số lương cao thì số tiền trực Tết cũng cao lên. Chẳng hạn, tổng lương hàng tháng của cán bộ giáo viên dao động từ 13 triệu -19 triệu đồng thì tiền trực Tết mỗi ngày (8 giờ) rơi vào khoảng 1,7- 2,6 triệu đồng (chỉ riêng tiền làm thêm giờ).
Mỗi ngày trực Tết, sẽ có một cán bộ quản lý trực lãnh đạo và có thêm 1 giáo viên (thường là đứng đầu đoàn thể: công đoàn; đoàn thành niên; tổng phụ trách đội) hoặc 1 nhân viên trực với nhau. Những giáo viên đứng lớp, ít khi ban giám hiệu phân công trực vào ngày cao điểm.
Vậy nên, chuyện trực Tết Nguyên đán có người được hưởng chế độ tiền làm thêm giờ và có người cũng trực nhưng không hưởng tiền làm thêm giờ vì không phải trực trong 5 ngày được tính tiền làm thêm giờ.