Bị xâm hại tình dục nhiều lần từ khi còn nhỏ, có khoảng thời gian phải sống trong nỗi sợ hãi, nhưng rồi, những người phụ nữ khuyết tật này đã vượt lên số phận. Họ dám công khai bí mật để tìm lại niềm tin, nguồn sống. Với họ, chỉ có như vậy mới có thể biến đau thương thành hạnh phúc và nhận được sự chia sẻ của cộng đồng.
Biến đau thương thành sức mạnh
Vốn khuyết tật, lại bị xâm hại tình dục nhiều lần nhưng cô gái Nguyễn Thị Thơm (SN 1990, cựu sinh viên học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM ) đã dũng cảm công khai quá khứ đầy bi thương của mình với mọi người. Không những thế, Thơm còn tham gia nhiều chương trình giao lưu, chia sẻ với sinh viên, người khuyết tật.
Cô gái kém may mắn này quan niệm, dù thế nào cũng không ngại vươn lên, Thơm đã chứng minh cho mọi người thấy nghị lực sống phi thường của mình. Bởi thế, cô đã nhận lại được tình yêu thương của những người xung quanh và người mà cô thương yêu. Người đàn ông mà cô yêu vẫn chấp nhận quá khứ, nắm tay cô bước về tương lai.
Thơm luôn rạng rỡ, tự tin dù quá khứ đã từng bị xâm hại tình dục. |
Điều đặc biệt, sau khi công khai quá khứ của mình, Thơm đã lập một trang web riêng, là nơi để cô chia sẻ, trao đổi tâm tư nguyện vọng với những người khuyết tật, người có hoàn cảnh éo le. Trang web của Thơm đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Thông qua những dòng chia sẻ, cô muốn nhắn nhủ tới những người khuyết tật rằng: “Hãy tin vào bản thân, hãy tự mình làm kinh tế để người khác nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ”. Chưa dừng lại ở đó, cô còn lập quỹ hỗ trợ cho những bà mẹ đơn thân khuyết tật nuôi con, những phụ nữ tâm thần và xây dựng cho họ một mái ấm.
Trò chuyện với PV, Thơm chia sẻ: “Khi tròn 12 tuổi, tôi bị xâm hại ngay trong ngôi nhà của mình. Người xâm hại tôi chính là người làm công cho gia đình. Vì bố mẹ tin tưởng, nên tôi không dám nói với ai. Tôi đã ôm nỗi đau, nỗi sợ hãi một mình trong thời gian dài.
Năm 18 tuổi, tôi lại bị một ông già định giở trò đồi bại. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến việc nhảy sông tự vẫn, kết thúc những ngày đau khổ. Chưa dừng lại ở đó, tôi tiếp tục lọt vào tầm ngắm của những gã đàn ông khác, có lẽ họ nghĩ, những người có khiếm khuyết như tôi dễ bị bắt nạt. Nhưng, tôi đã tự mình đứng dậy, trốn thoát khỏi bàn tay xấu xa của họ”.
Sau nhiều lần phải chống cự nạn xâm hại tình dục, Thơm đã can đảm viết một bức thư dài, chứa đầy nước mắt và sự căm phẫn kể cho cô giáo - người bạn thân của Thơm nghe. Trong thư, Thơm không ngần ngại kể lại những hành động bỉ ổi, những lời nói dụ dỗ và cả những tiếng la hét khi cô rơi vào bàn tay kẻ xấu.
Thơm nói, cô chia sẻ câu chuyện của mình khi cô cảm thấy tự tin, thoải mái nhất và trong tâm thế của một người đã biến đau thương thành sức mạnh. Cô muốn lấy câu chuyện của bản thân để làm một minh chứng sống cho những người khiếm khuyết, đừng vì yếu đuối mà trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xấu.
Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (tên thường gọi là Sandy), cũng đã chia sẻ một sự thật trần trụi trong quá khứ mà mình từng gặp phải đó là bị người thân xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi.
Chị Bích Ngọc nghẹn ngào: “Suốt 20 năm liền, gần như ít có đêm nào tôi ngủ ngon giấc, bởi tôi luôn mơ thấy ác mộng. Nhiều người hỏi tại sao hồi nhỏ khi bị xâm hại không nói ngay với gia đình nhưng khổ nỗi, nào ai quan tâm đến tôi?”.
Trải qua quãng thời gian đau khổ đó, chị Ngọc vẫn giữ một khát khao học tập, chị đã tìm kiếm được một số học bổng để ra nước ngoài học tập ngắn hạn. Từ đó, chị ngày càng trưởng thành hơn, đến khi đủ cứng cáp, chị quyết định chia sẻ câu chuyện đời mình.
Vượt qua giông bão
Cách đây không lâu, chị Ngọc ra mắt cuốn tự truyện “Cát hay là Ngọc”, đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm giấu kín chị quyết định chia sẻ về những tháng ngày bị xâm hại tình dục. Khi câu chuyện cuộc đời chị được công bố và truyền thông nhắc tới rầm rộ, nhiều người trong đó có người thân của chị mới giật mình, không nghĩ được người con gái ấy đã phải sống trong nỗi sợ hãi, dằn vặt suốt 20 năm liền.
Cuốn sách “Cát hay là Ngọc” đã nhận được nhiều sự ủng hộ cũng như lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Với Bích Ngọc, như vậy là một sự thành công lớn. Thêm vào đó, cho đến thời điểm hiện tại gia đình đã thấu hiểu chị, đó có lẽ là niềm vui lớn nhất đối với người con gái từng chịu nhiều bi kịch trong cuộc đời.
Chị Ngọc kể: “Hiện tại, tôi đang dạy tiếng Anh cho học sinh, sinh viên. Không những thế, tôi còn tham gia nhiều dự án giáo dục cho sinh viên. Mỗi buổi, tôi đều truyền cho học sinh kỹ năng sống và giao tiếp”.
Có lẽ, đã có rất nhiều cô gái từng bị xâm hại tình dục nhưng không dám nói và vượt qua sự sợ hãi đó. Nhưng Thơm và chị Ngọc đã hành động hoàn toàn khác.
Thơm bày tỏ: “Ban đầu tôi cũng lo lắng, sợ mọi người nhìn mình bằng con mắt khác. Nhưng, nếu giữ mãi những điều đó trong lòng thì nó giống như một khối u, đến một ngày sẽ bóp chết mình. Vì thế, tôi quyết phải cắt bỏ khối u đấy bằng cách viết một lá thư cho cô giáo. Sau khi nhận được sự đồng cảm, tôi đã tự tin kể câu chuyện của mình.
Tuy nhiên, có người lại cho rằng tôi đang bịa đặt, nhằm mục đích cá nhân. Ngay cả cô ruột cũng không tin, khiến tôi đau lòng vô cùng. Tại sao, người mình yêu thương, tin tưởng lại nghi ngờ? Có lẽ, đây cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người không dám nói ra sự thật”.
Dù thế, Thơm vẫn tin rằng, có những người sẽ hiểu và thông cảm cho mình. Vì thế, khi được mọi người hỏi đến, cô không ngần ngại kể lại. Khi mọi người nghe được những lời tâm sự của Thơm, ai cũng khóc. Giọt nước mắt ấy không phải của sự thương hại, mà họ dành cho cô sự ngưỡng mộ.
“Thậm chí, nhiều người đã thốt lên: “Sao một cô gái tật nguyền lại có thể làm được điều ấy”. Vì lý do gì ư? Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nói ra mới có thể sống vì tương lai được.
Tôi tham gia chương trình “Tôi đẹp bạn cũng thế”, giao lưu cùng sinh viên để trải lòng mình, nói với họ những kỹ năng về việc chống xâm hại tình dục. Ngoài ra, tôi muốn gửi tới thông điệp: “Người khuyết tật tố cáo họ bị xâm hại tình dục thì hãy tin họ”. Kết thúc câu chuyện là những tràng pháo tay của khán giả, tôi biết mình đã có được niềm tin của mọi người”, Thơm chia sẻ.
Ngay sau đó, cuộc sống của Thơm cũng có nhiều thay đổi. Nhưng không phải những cái nhìn kỳ thị, xem thường mà là sự ngưỡng mộ, đồng cảm. Những buổi nói chuyện của cô đã giúp nhiều bạn trẻ khác mở lòng, hòa nhập được với cộng đồng.
“Tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều. Có người đã viết lên trang cá nhân của tôi rằng: “Thật cảm động khi thấy những khó khăn của em Nguyễn Thị Thơm và em đã vượt qua để vui sống và làm những điều thật tốt đẹp cho cộng đồng những người khuyết tật...”, Thơm cười nói.
Mai Thu