(ĐSPL) - Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đoạn: Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), Tế văn hầu Nguyễn Trãi phải tội, có người con gái bị bắt vào quan, sung vào hàng nữ nhạc.
Người con gái ấy tư sắc tuyệt đẹp, tuổi đã 17, 18 mà không biết nói. Đến nay theo bạn vào cung hầu yến, vì câm nên chỉ ngồi gõ phách. Khi vua bước lên ngự tọa, người con gái bỗng cầm phách hát. Tiếng hát du dương, dư âm dường như quấn quanh trên rường, như khúc hát Quân thiên (điệu hát trên đế đình). Vua lấy làm lạ hỏi, thì người con gái nói năng giống hệt người Ngọc nữ trên chỗ Thượng đế. Vua liền thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc hoàng hậu (tr. 233).
|
Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. |
Người con gái ấy được sử chép tên Hằng hoặc Huyên, được ông Nguyễn Đức Trung nuôi từ nhỏ và coi như con đẻ. Gia đình ông Nguyễn Đức Trung là một dòng họ có thế mạnh trong cung cấm. Năm Quang Thuận thứ nhất (1406), bà cùng cha nuôi là ông Đức Trung đi cầu đảo ở am Từ Công, núi Phật Tích, tối về mơ thấy thượng đế bế một đứa trẻ đem cho. Sang năm sau, bà sinh được một hoàng tử, sau này là vua Lê Hiến Tông. Tuy nhiên, mối tình vương giả của bà với vua Thánh Tông không được bao lâu. Chỉ biết rằng, về sau bà bị vua ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi đem lòng thù ghét nhà vua.
Vua Thánh Tông mắc bệnh phù thũng, Trường Lạc hoàng hậu thì bị giam lâu ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm đem thuốc độc trong tay sờ vào chỗ lở, bệnh vua lại nặng thêm. Một thời gian sau thì Thánh Tông mất, vua Hiến Tông lên ngôi, tôn bà làm Thái hậu, cho bà ở điện Trường Lạc và phụng dưỡng rất chu đáo. Năm thứ bảy (1504), vua Hiến Tông mất, vua Túc Tông lên ngôi, tôn Thái hậu lên làm Thái hoàng Thái hậu. Vua Túc Tông mất, không có con nối ngôi, nội thần là Nguyễn Nhữ Vi và Kính phi họ Nguyễn muốn lập vua Uy Mục. Thái hậu cho rằng đó là con của người tì thiếp, không thể nối ngôi đại thống được, nhân đó đòi lập Lã Côi Vương. Tuy nhiên, Nhữ Vi vờ theo lệnh, lừa Thái hậu đi đón Lã Côi Vương rồi lập Uy Mục ra làm vua khiến Thái hậu rất phiền lòng.
Ngày 22 tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) vua Uy Mục sai người hầu ngầm giết hại Thái hậu.
Luật nay: Hoàng thân quốc thích phạm luật cũng phải chịu tội như dân
Nếu đúng Trường Lạc hoàng hậu là con gái của Nguyễn Trãi thì bà quả là người phụ nữ có số phận bi thảm nhất trong suốt mấy ngàn năm triều đại phong kiến Việt Nam. Trải qua bao truân chuyên, dòng họ bị tru di, bản thân trở thành kiếp nô tì từ khi còn quá nhỏ. Lớn lên được vua yêu thương rồi lại bị hắt hủi tới mức oán hận tìm cách giết chồng. Trở thành mẹ vua rồi sau này lại bị chính cháu nội sai người giết. Tuy cảm thương cho số phận của bà nhưng chiếu theo quy định của pháp luật ngày nay, bà vẫn phải xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi giết người.
Theo đó, dù biết rõ chồng đang bị lở loét nhưng bà vẫn cố tình bỏ thuốc độc vào tay rồi sờ lên chỗ lở loét của chồng, khiến bệnh tình của ông càng thêm nặng, sau đó thì mất. Về nhận thức, bà này biết rõ hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của chồng nhưng vẫn cố ý thực hiện. Nếu chứng minh được vua Thánh Tông chết vì bị ngấm thuốc độc (không phải vì bệnh), thì Trường Lạc hoàng hậu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 93 BLHS. Mức hình phạt cao nhất theo khoản này là tử hình.
Việc sai người ngầm giết chết Trường Lạc Thái hoàng Thái hậu của vua Lê Uy Mục cũng cần bị xử lý. Ở đây, chỉ vì tức giận Trường Lạc Thái hoàng Thái hậu không muốn lập mình làm vua mà Uy Mục đã sai người giết bà để trả thù. Hành vi này có đầy đủ dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại Điều 93 với tình tiết tăng nặng định khung là giết người vì động cơ đê hèn (điểm q).
Hình phạt đối với tội danh này là từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-nguoi-con-gai-con-sot-lai-cua-nguyen-trai-a43306.html