+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình xuyên thế kỷ: Lời yêu ướp hương trong những lá thư tay viết vội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đâu đó giữa dòng đời vội vã, ta chợt ấm lòng khi thấy cái siết tay thật chặt của những đôi vợ chồng già. Đó là lý do chúng tôi kể về những chuyện tình xuyên thế kỷ.

    Giữa cuộc sống hối hả khi con người có rất nhiều điều phải bận tâm thì tình yêu cũng vì đó mà gấp gáp, vội vàng. Nhưng ở đâu đó giữa dòng đời vội vã, ta bất chợt ấm lòng khi thấy cái siết tay thật chặt của những đôi vợ chồng già. Và đó chính là lý do mà PV báo ĐS&PL kể cho độc giả về những chuyện tình xuyên thế kỷ.

    Yêu nhau trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, sau khi kết hôn, ông Nguyễn Như Uyên (81 tuổi) và bà Đỗ Thị Thu (71 tuổi) không có nhiều thời gian bên nhau. Những tháng năm dài đằng đẵng kẻ hậu phương- người tiền tuyến, họ đã nhắn gửi lời yêu thương qua nhiều cánh thư tay viết vội...

    “Đám cưới chỉ có chút bánh kẹo”

    Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Như Uyên vào một buổi chiều cuối tháng Chín, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp, cũng như sự hiếu khách của vợ chồng ông. Dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Như Uyên còn rất nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, nụ cười tươi luôn hiện trên môi. Khi PV ngỏ ý muốn được lắng nghe câu chuyện tình yêu của ông bà thời trẻ, bà nhìn ông ngượng ngùng: “Chuyện tình của ông bà đơn giản lắm”.

    Ông Uyên và bà Thu thời trẻ.

    Nhâm nhi chén trà, ông Uyên kể: “Năm 1959, chúng tôi đang học cấp 3, thời kỳ cả nước chiến đấu chống quân xâm lược, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chúng tôi cũng hăm hở gia nhập đội thanh niên xung phong đi làm đường chiến lược. Có thời điểm Mỹ ném bom miền Bắc rất ác liệt, người dân thành phố phải đi sơ tán ở lại chỉ còn đội ngũ thanh niên xung phong, những người lính và lực lượng y tế. Ngày ấy, tôi làm nhiệm vụ ở Hải Phòng, khi Mỹ ném bom ác liệt, tôi và các đồng đội phải vào hầm trú ẩn của lực lượng y tế. Tại đây, tôi gặp Thu – vợ tôi bây giờ. Hình ảnh cô y tá hiền lành, ngây thơ trong sáng đã khiến tôi muốn làm quen ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

    Sau lần đầu ấn tượng đó, ông Uyên và bà Thu có nhiều cơ hội gặp nhau, trao đổi công việc. Cứ thế, tình cảm giữa họ dần phát triển thành tình yêu và được gia đình hai bên ủng hộ. Gia đình ông Uyên còn thúc giục hai người nhanh chóng kết hôn, vì khi đó, ông đã 37 tuổi, còn bà Thu bước sang tuổi 27.

    “Năm 1974, chúng tôi kết hôn, đám cưới chỉ có chút bánh kẹo, bao thuốc lá để mời anh em, bạn bè”, ông Uyên nhớ lại.

    Tiếp lời ông Uyên, bà Thu cho biết thêm: “Kết hôn xong, chúng tôi rơi vào hoàn cảnh không có chỗ ở. Thấy thương đôi vợ chồng trẻ, tập thể đã nhường cho vợ chồng tôi một gian nhà kho chừng 4m2 ở tạm. Dù chật chội nhưng lại ấm áp vô cùng bởi được ở bên người mình yêu thương”.

    Khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, ông Uyên được cử sang Nga học tập trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 1975 đến năm 1980. Dù không muốn xa nhau, nhưng vì nhiệm vụ cấp trên giao phó, ông Uyên đành xa người vợ hiền để lên đường học tập. Hành trang ông mang theo nhiều nhất có lẽ là tình thương và nỗi nhớ.

    Bà Thu trải lòng: “Ngày chồng đi học chúng tôi vẫn chưa có con. Khi chồng được nghỉ phép thì tôi mới có tin vui. Thời gian thai nghén, không có chồng bên cạnh đôi lúc tôi cảm thấy rất tủi thân, dù thế, tôi tự nhủ phải cố vượt qua tất cả để chồng yên tâm học tập, công tác”.

    Lá thư ông Uyên viết cho vợ khi đi học tập ở Nga.

    Thời ấy, phương tiện liên lạc chẳng đa dạng như bây giờ. Để giữ lửa yêu thương, ông bà thường xuyên trò chuyện với nhau bằng những lá thư.

    Ông Uyên nhớ lại: “Từ khi tôi lên đường sang nước bạn học tập đến khi về nước, phương tiện liên lạc duy nhất của hai vợ chồng là những lá thư. Biết vợ mang thai nhưng không có chồng ở bên động viên, chăm sóc, tôi thương vợ nhiều lắm. Chỉ biết động viên vợ vững tin, cố gắng giữ gìn sức khỏe để mẹ tròn con vuông cho tôi an tâm học hành, phấn đấu”.

    Vừa nói chuyện với PV, ông Uyên vừa lục lại trong chiếc hộp cũ kỹ của mình những lá thư ông gửi cho vợ. Tất cả được ông cất giữ cẩn thận như một minh chứng của tình yêu sắt son, thủy chung.

    Mở đầu mỗi lá thư đều là những lời yêu được viết nắn nót: “Em thương yêu của anh!”. Tiếp đó là nỗi nhớ thương khắc khoải của ông dành cho vợ và đứa con đầu lòng chưa một lần gặp mặt: “Nghĩ đến em, đến con mà lòng anh nao nao khó tả, lúc này em đang làm gì? Em có khỏe không? Chắc em cũng đang nghĩ đến anh phải không? Thời gian có lúc trôi nhanh nhưng sao có lúc trôi chậm vậy... Chắc sắp đến ngày em đẻ rồi phải không? Anh không biết em sẽ xoay xở làm sao, anh lo nhiều đấy...”. Hay: “Những ngày Chủ nhật anh chỉ muốn được ở gần em. Chúng ta còn phải khắc phục tới 4 năm nữa, tự nhiên anh thấy sao mà dài vậy! Em ơi! Anh muốn được ở gần em trong mọi lúc, anh muốn ôm hôn em nhiều lần, anh muốn được vuốt mái tóc mềm của em. Rồi đây, anh sẽ còn nhớ em nhiều hơn nữa...”.

    Những câu từ chất chứa tình cảm, yêu thương và nỗi nhớ thấm đẫm trong những trang thư chính là động lực giúp tình yêu của ông bà vượt qua được rào cản về khoảng cách địa lý.

    Niềm tin tuyệt đối vào đối phương

    “Thời đó, nếu không viết thư thì chúng tôi không có gì để liên lạc với nhau cả. Khi nhận được lá thư của vợ tôi vui lắm và bà ấy cũng vậy. Chính những lời yêu thương, động viên giúp chúng tôi có niềm tin tuyệt đối vào nhau”, ông Uyên nói thêm.

    Sau khi hoàn thành khóa học, ông Uyên trở về nước và công tác tại Hà Nội. Ngày được gặp vợ và con trai đầu lòng, ông vỡ òa cảm xúc: “Ngày tôi đi con còn trong bụng mẹ mà khi về con đã biết nói, biết cười. Nghĩ đến khoảng thời gian con thiếu vắng cha mà lòng tôi thắt lại. May mắn thay, vợ tôi thường kể cho con nghe về bố, nên khi gặp con không bỡ ngỡ, hay tỏ ra lạ lẫm”.

    Rồi ba người con của vợ chồng ông lần lượt ra đời. Tuy nhiên, người con trai cả của ông không may gặp tai nạn nên đã qua đời. Nhắc về chuyện nuôi dạy con cái, ông Uyên bộc bạch: “Trong gia đình, cả tôi và vợ đều đảm nhiệm việc nuôi dạy con cái. Vợ tôi khi ấy là bác sĩ, cả hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định, thế nhưng tôi không nuông chiều con, mà ngược lại luôn nói với con rằng, bố mẹ đi làm rất vất vả mới kiếm được đồng tiền, vì thế những đứa con của chúng tôi rất ngoan, biết thương bố mẹ, hiếu thảo, cô con gái út hiện đang học thạc sĩ tại nước Úc”.

    Ở tuổi xế chiều nhưng ông bà vẫn hạnh phúc nắm chặt tay nhau đi hết con đường.

    43 năm chung sống dưới một mái nhà, cùng nhau trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của cuộc sống, thế nhưng, tình yêu mà ông bà dành cho nhau vẫn luôn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Để làm được điều này, cả ông Uyên và bà Thu đều thực hiện một nguyên tắc bất di bất dịch đó là biết nể nhau, tôn trọng nhau, nếu có bực bội thì cả hai cùng nhẫn nhịn, không để xảy ra tình trạng căng thẳng kéo dài.

    “Tôi quan niệm thế này, một người tự mình sống cũng đã có nhiều mâu thuẫn huống chi sống 2 người trở lên thì mâu thuẫn càng nhiều hơn. Điều quan trọng là cả hai biết giải quyết mâu thuẫn đó, khi một trong hai người nổi nóng thì người kia phải biết nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn để người kia có thời gian suy ngẫm xem việc mình làm đúng hay sai để từ đó có hành động ứng xử phù hợp”, ông Uyên nói.

    Những người sống gần công viên Cầu Giấy (Hà Nội) đã quen với hình ảnh chiều chiều có đôi vợ chồng già cùng nhau đi dạo. Ông dìu bà, bà níu chặt tay ông, họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời tuổi trẻ. Mỗi câu chuyện mà ông bà kể cho con cháu đều bao hàm nhiều ý nghĩa, trong đó ý nghĩa cốt lõi chính là tình yêu phải được vun đắp, xây dựng từ hai phía thì mới lâu bền.

    Ông Uyên nhớ về chuyện tình yêu của mình.

    Họ không tự hào về chuyện tình của họ, mà ông Uyên, bà Thu chỉ cảm thấy mãn nguyện bởi đi gần hết chặng đường đời mà hai người vẫn nắm chặt tay nhau, tình yêu tuổi trẻ trở thành máu thịt, thành lẽ sống, để những tháng năm tuổi già họ thành tri kỉ, thành một phần quan trọng mà không một ai có thể thay thế được.

    (Còn nữa)

    Hoàng Bích

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-xuyen-the-ky-loi-yeu-uop-huong-trong-nhung-la-thu-tay-viet-voi-a203850.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan