+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình ly kỳ, đẫm lệ của mỹ nhân nức tiếng Sài thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bạch công tử Phước Georges là người hào hoa phong nhã chuyên thu hút gái bởi tướng mạo trắng trẻo, đẹp trai và ăn nói có duyên, cùng với tiền bạc xài như nước, khá nổi tiếng mà bất cứ cô gái nào thời ấy cũng muốn nhào vô với anh ta.

    (ĐSPL) - Bạch công tử Phước Georges là người hào hoa phong nhã chuyên thu hút gái bởi tướng mạo trắng trẻo, đẹp trai và ăn nói có duyên, cùng với tiền bạc xài như nước, khá nổi tiếng mà bất cứ cô gái nào thời ấy cũng muốn nhào vô với anh ta.

    Vào đầu tháng 12/1999, tôi có lẽ là người hiếm hoi được gặp và trò chuyện khá nhiều với cô Sáu Ngọc Sương, khi ấy cô đã trên 80 tuổi, sống cuộc sống bệnh tật già nua tại nhà an dưỡng nghệ sĩ ở quận 8, để được nghe cô Sáu kể về chuyện tình giữa mình với Bạch công tử và cũng nhân đó cô kể thêm một chuyện tình khác khá ly kỳ, đẫm lệ chung quanh cuộc đời của Tư Phước và cô.

    Người chết thay cho Bạch công tử
    Ảnh minh họa.

    Tấm danh thiếp định mệnh

    Khi ấy cô dặn tôi rất kỹ rằng có thể công bố chuyện tình giữa cô và Bạch công tử ra khi cô còn sống, nhưng còn chuyện tình đẫm lệ mà cô kể thêm liên quan đến một người khác thì xin hãy giữ kín và chỉ có thể kể ra khi nào cô nhắm mắt lìa đời… Hỏi lý do tại sao thì ngày ấy cô Sáu Ngọc Sương đã bảo rằng: "Chỉ vì cô không muốn đọc lại nó trên báo khi mình còn sống, để rồi không cầm được nước mắt. Tôi đã tôn trọng cô Sáu cho nên hôm nay nhân hơn mười năm cô nhắm mắt lìa đời, tôi mới ghi lại câu chuyện tình do chính miệng cô kể sau đây...

    Đây là nguyên văn lời kể của cô Sáu Ngọc Sương mà tôi vẫn còn ghi ở sổ tay trong cuộc phỏng vấn: "Ngày ấy tôi mới 17 tuổi và cũng vừa rời quê nhà ở một vùng hẻo lánh của tỉnh Phan Rang để vào Sài Gòn, đi theo tiếng gọi của hấp lực ánh đèn sân khấu. Ngày đó tôi là một cô gái quê chỉ có sự liều lĩnh chớ không hề có bất cứ cái gì khác, vậy mà cũng dám cả gan tới đất Sài Gòn hoa lệ, kể cũng liều thiệt!". Khi ấy tôi đã mạo muội nói với cô rằng: "Cô Sáu quên là cô còn có một thứ mà thời ấy nó đã làm cho con tim của anh chàng hào hoa lãng tử Bạch công tử đã phải lụy, đó là sắc đẹp hay sao?".

    Cô Sáu Ngọc Sương xác nhận điều đó bằng nụ cười héo hắt kèm tiếng thở dài: "Bởi vậy mới chết!". Tôi hỏi tại sao cô dùng chữ "bởi vậy mới chết" thì cô Sáu Ngọc Sương đã nói rõ thêm rằng: Bởi chính cái sắc đẹp trời cho của một bông hoa quê mùa, chân chất đó đã khiến cho con tim của Bạch công tử phải loạn nhịp, để rồi vồ lấy cô giống như con mãnh thú vồ món mồi ngon là con nai tơ trong một đêm trăng non vừa lú, để rồi đưa đẩy cuộc đời cô vào một cuộc phiêu lưu vô định. Mà chẳng riêng gì cô đã bị cuốn vào cuộc phiêu lưu ấy, ác nghiệt thay nó lại kéo theo một trái tim non tội nghiệp khác cũng bị cuốn hút vào, để rồi có một kết cục bi thảm!

    Nghe cô Sáu Ngọc Sương nói như vậy thì tôi động tánh tò mò, đã cố hỏi thêm và tuy không muốn kể ra nhưng cuối cùng cô Sáu cũng đành phải kể. Hôm nay tôi mạo muội ghi lại câu chuyện ấy với lời xin lỗi chân thành vong linh người phụ nữ đã một thời làm rung động trái tim của Bạch công tử.

    Câu chuyện bắt đầu bằng chính câu nói mộc mạc, tự nhiên của cô Sáu ngày xưa. Vào tháng 12/1999... "Tội nghiệp cho chàng Đơn quá... anh ấy thật ra trước khi tôi lưu lạc tới Sài Gòn thì chưa hề quen nhau. Bởi anh ta người cũng giống như cái tên, vốn là một thanh niên tuổi 18, sống đơn độc, côi cút, nghèo khổ. Chính tôi là người đã đặt cho anh ta cái tên là Đơn, cho thấy anh ta cô đơn, côi cút".

    Theo lời kể của cô Sáu Ngọc Sương thì khi cô vào Sài Gòn trong lúc còn đang bơ vơ tìm cách sống, thậm chí cô đã nghĩ tới việc đi ở đợ cho nhà giàu để kiếm miếng ăn thì tình cờ một hôm có một anh chàng với khuôn mặt dễ thương nhưng ăn mặc khá giản dị, chân mang dép sandale quần tây xanh, áo sơ mi cụt tay ngắn ngả màu cháo lòng, mà thời ấy thường thấy các cậu học sinh trung học hay mặc. Anh ta xuất hiện đột ngột trước cổng ga xe lửa Sài Gòn. "Trong lúc hôm đó tôi đang đi bộ lang thang định kiếm người nhờ dẫn cho lên tàu lửa, để trở về Phan Rang, bởi đã vô Sài Gòn hơn một tuần rồi mà tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Đặc biệt là vẫn chưa tìm được nơi hợp với ý định ban đầu khi tôi rời khỏi quê ra đây, thì bỗng anh chàng đó bước tới trước mặt tôi đưa vội một tấm giấy nhỏ, mà khi ấy tôi biết đó là tấm danh thiếp rồi nói nhanh rằng có người gửi cho tôi".

    Và chàng thanh niên cô độc

    "Chưa đợi tôi đọc tờ danh thiếp thì anh ta đã bẽn lẽn bỏ đi nhanh, và nếu hôm đó tôi không bạo dạn gọi giật ngược anh ta lại thì có lẽ đời tôi đã đi vào một ngõ khác. Khi nghe tôi gọi hai tiếng "anh ơi" thì anh ta vụt ngừng lại rồi hỏi một tiếng cộc lốc: Gì? Tôi đúng ra không hỏi thêm bởi vì thấy anh ta hoàn toàn xa lạ, mà nói thiệt chữ nghĩa của tui không đầy lá mít cho nên tôi đâu dám đọc cái tấm danh thiếp đang cầm trên tay, khi vừa chữ ta lẫn lộn chữ Tây, cho nên khi gọi "anh ơi" rồi thì tôi cũng lặng im không nói được thêm lời nào. Cũng may là anh chàng đã bước trở lại rồi nói thêm: "Cứ coi trong danh thiếp đó mà tới để gặp người ta!".

    Anh chàng ấy bỗng nhìn sững vào tôi rồi cặp mắt như muốn đứng tròng! Cô Sáu Ngọc Sương bồi hồi kể lại và kết luận: "Có lẽ như lần đầu tiên anh ta nhìn thấy một bông hoa hương sắc trước mặt mình, cho nên đã ngẩn ngơ một lúc khá lâu...". Cô Sáu Ngọc Sương lặp lại lời nói rồi kết luận lần nữa: "Đời có những phút giây như vậy nó mới thành chuyện!". Rồi ngay phút đó cô đã bẽn lẽn nhờ anh chàng chưa biết tên đó chỉ cho cách để gặp người có tên trong danh thiếp và người đó là ai? Chính anh ta đã nói cho cô Sáu biết người có tên trong danh thiếp đó là Phước Georges, tức là Bạch công tử!

    Cô Sáu Ngọc Sương ngừng lại khá lâu rồi mới kể tiếp câu chuyện trong ngày hôm đó: "Anh chàng đó đã đưa tôi tới một gánh hát chứ không phải đưa đi gặp người có tên trong danh thiếp là Phước Georges tức Bạch công tử khiến tôi hoang mang, lo lắng sợ mình bị gạt. Nhưng khi thấy nơi anh ta đưa tôi tới là một gánh hát thì tôi lại mừng rỡ vô cùng, vì mục đích của tôi khi rời Phan Rang vào Sài Gòn là để đi tìm gánh hát, nơi tôi nghĩ là mình có thể dung thân được. Đó là gánh hát cải lương Trần Đắc mà tôi từng nghe tiếng khi còn ở quê. Người tiếp tôi đã nói thẳng ra rằng chính người có tên trong tờ danh thiếp mà tôi đang cầm đã gợi ý cho ông ta mời tôi về đây! Tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi tôi và anh chàng Bạch công tử ấy đâu hề quen biết gì nhau sao anh ta lại giới thiệu tôi tới đây?

    Sau đó chính anh chàng thanh niên lạ mà tôi chưa biết tên ấy đã cho tôi biết rằng, anh ta là người chạy vặt cho Bạch công tử. Sáng nay lúc đang ngồi uống cà phê ở nhà hàng Grivral ngoài đường Catinat thì Bạch công tử đã nhìn thấy một cô gái nhà quê khá xinh xắn đi bộ lang thang qua cửa kiếng của nhà hàng cho nên quá tò mò, mới biểu cậu trai đang theo hầu mình bám theo cô gái và tìm cách làm quen với cô ta. Thật ra cung cách làm quen với gái kiểu đó không phải là cách của Bạch công tử mà đúng ra là của Hắc công tử, tức công tử Bạc Liêu. Về chuyện này thì tác giả xin ngừng lại mở ngoặc một chút để nói về tính cách của hai nhân vật nổi đình nổi đám của Sài Gòn xưa là Bạch công tử với Hắc công tử.

    Vậy mà chuyện tình của Bạch công tử với cô Sáu Ngọc Sương đã hình thành sâu đậm bắt đầu như vậy. Khi ấy chàng trai phục vụ cho Bạch công tử xưng mình là Nguyễn Văn Tèo thì cô Sáu Ngọc Sương đã vừa cười vừa nói vui: "Cái tên Tèo nghe nó nghèo quá sao anh không đổi tên khác. Vậy anh có muốn đổi tên không em sẽ đổi cho anh cái tên đúng với anh hơn đó là tên Đơn. Đơn tức là cô đơn mà nghe dễ kêu hơn là tên Tèo, anh chịu nghe?...”.So

    Như mọi người biết Bạch công tử Phước Georges là người hào hoa phong nhã chuyên thu hút gái bởi tướng mạo trắng trẻo, đẹp trai và ăn nói có duyên, cùng với tiền bạc xài như nước, khá nổi tiếng mà bất cứ cô gái nào thời ấy cũng muốn nhào vô với anh ta. Mà hầu hết phụ nữ quen với Tư Phước đều là gái đẹp cỡ như Ba Trà, Tư Nhị hay những người có bóng sắc lộng lẫy, chớ anh ta ít khi quen với những bông hoa đồng nội theo kiểu Sáu Ngọc Sương thời ấy. Mà cách cua các bông hoa đồng nội là của Hắc công tử Ba Qui, tức công tử Bạc Liêu. Phong cách của Ba Qui công tử Bạc Liêu là khoái sưu tầm hàng lạ, hàng độc là các cô gái con nhà nghèo, tức là các thôn nữ làm trong điền sản gia đình anh ta ở Bạc Liêu rồi sau đó đem về "bóc tem".

    Nhà văn NGƯỜI KHĂN TRẮNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-ly-ky-dam-le-cua-my-nhan-nuc-tieng-sai-thanh-a22523.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan