(ĐSPL) - “Ngày nghén, thèm gì anh cũng mua cho tôi nhưng chẳng bao giờ anh mua thêm phần cho mình.
Tôi chẳng nhìn được mặt anh tròn dẹt như thế nào nhưng tôi biết anh là người đàn ông tốt nhất với tôi trên đời”, chị Lê Thị Tường Vy (bị mù từ khi 2 tuổi, hiện trú tại con hẻm trên đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) nói về người chồng không may mắn bị mù giống như mình.
Nên duyên vì chung phận
Người đời có câu “nồi nào úp vung nấy” kể cũng chẳng sai khi nói về vợ chồng anh Bùi Hữu Minh và chị Lê Thị Tường Vy (hiện cùng trú tại con hẻm trên đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM). Anh chị gặp nhau, quen nhau rồi nên duyên vợ chồng trong buổi sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Từ ngày nên duyên với nhau, vợ chồng chị khiến cho biết bao nhiêu cặp vợ chồng và những người xung quanh nể phục vì tình yêu, sự quan tâm, săn sóc mà anh chị dành cho nhau.
Biết được câu chuyện tình cảm của vợ chồng chị, trong một chuyến công tác, chúng tôi tìm về thăm. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Minh (51 tuổi) được xây bằng gạch thô, cũ kỹ, ẩm thấp nhưng không khí trong nhà lúc nào cũng ấm áp. Trước khi lấy nhau, anh Minh bán bánh, chị Vy bán tăm, còn sau khi lấy nhau, vợ chồng anh chuyển sang bán nem, bán kẹo. Kể về những ngày đầu mới gặp mặt, anh Minh tâm sự: “Vợ chồng cũng là cái duyên phận nên không nói trước được. Vợ chồng tôi cũng vậy, tôi có nào ngờ có ngày có được làm vợ, làm chồng, cuộc sống thay đổi nhiều như bây giờ.
Ngày ấy chúng tôi gặp nhau trong buổi sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Qua vài lần, thấy đồng cảm, tôi ngỏ lời: “Em ơi, yêu ai cũng vậy, hay là em yêu anh đi. Mình góp gạo thổi cơm chung thành vợ, thành chồng nhé”. Sau hồi suy nghĩ, vợ tôi cũng gật đầu đồng ý và đáp: “Về thì về, em đồng ý”. Vậy thôi, thế là chúng tôi dọn về ở với nhau. Đám cưới của chúng tôi đơn giản lắm, chỉ có mâm cơm trong hai gia đình, chẳng có quần áo mới, cũng chẳng có son phấn, mâm cao cỗ đầy. Chúng tôi cũng biết được hoàn cảnh của mình nên không đòi hỏi gì nhiều hơn từ gia đình hai phía. Có lẽ cũng vì vậy mà giờ tôi vẫn thương vợ không được xúng xính váy áo như người ta”.
Cuộc sống hai vợ chồng anh Minh cứ tiếp diễn cùng những xe hàng bán rong. Mấy tháng sau khi cưới thì chị Vy mang bầu. “Biết tin tôi có bầu, anh vui lắm. Nhưng vì tôi nghén nặng nên thời ấy anh vất vả nhiều lắm. Trên đường vợ chồng đi bán, cứ được một đoạn là tôi mỏi chân ngồi nghỉ. Qua khúc đường có quán cơm, ngửi mùi cá tanh là tôi ói. Anh phải dìu tôi. Lúc đi bán, ai cho gì anh cũng không ăn mà gói lại để dành cho vợ”, chị Vy nhớ lại. Có bầu lúc nào cũng thèm ăn, khi thì một cái bánh bao, một quả ổi, một miếng chả lụa, anh đều mua cho riêng chị. “Vì ít tiền nên chẳng khi nào mua thêm phần cho mình. Dù không biết mặt mũi chồng tròn dẹt thế nào nhưng trong lòng tôi, anh Minh là người đàn ông tốt nhất” chị Vy thổ lộ.
Chị Vy sinh non. “Đưa vợ tới bệnh viện mà tôi như ngồi trên đống lửa. Lo không biết con mình sinh ra có được lành lặn không”, anh Minh nhớ lại. Hạnh phúc vỡ òa khi bác sĩ thông báo: “Mẹ tròn con vuông, bé trai nặng hai ký lô bảy năm chục”. Gia đình nhỏ đã đón thêm hai thành viên mới. Cả tháng đầu mẹ chị phải dạy tỉ mỉ từ việc nấu nước nóng pha sữa, thay tã, tắm cho bé. “Lúc đầu em lóng ngóng, vụng về lắm, nhưng hai, ba tháng sau quen rồi cũng làm được”, chị Vy kể. Anh Minh thì phụ với vợ chăm con. Dù nghèo nhưng anh chị không bao giờ to tiếng hay cãi vã.
Trốn trung tâm bảo trợ để về với con
Cuộc sống vợ chồng anh Minh – chị Vy có lẽ cứ diễn ra đều đều như vậy nếu không có sự cố anh bị hiểu lầm. Đó là một ngày anh ra ngoài bán hàng, trên taycầm hộp kẹo định đem về cho vợ con thì bị người của trung tâm bảo trợ xã hội nghi là ăn xin nên đưa về trung tâm chăm sóc. Biết tin, chị Vy vội gửi con, lên đón chồng về nhưng lúc này chị không có tiền để bảo lãnh cho chồng. Chị nhờ gia đình bên chồng giúp đỡ nhưng chẳng hiểu sao lúc này bố chồng chị tỏ ra lạnh nhạt với chị, nói chị không có tiền, không nuôi được con thì để gia đình bên chồng nuôi, từ giờ đừng đến tìm anh Minh nữa. Nghe bố chồng nói vậy, lòng chị đau như xát muối.
Cũng từ hôm đó, anh Minh bị gia đình bắt ở lại trong trung tâm mà không cho về nhà. Anh Minh còn bị gia đình mắng: “Biết được có ngày hôm nay thì phải lấy người mắt sáng để nó phục vụ mình chứ ai lại đi lấy người chẳng nhìn thấy gì như mình”. Anh Minh nghe gia đình nói vậy mà đau đớn, anh lại càng thương vợ, nhớ con, anh Minh trốn về với chị. Anh Minh vẫn nhớ như in đường về nhà. Nhưng, qua 3 năm, đường sá thay đổi nhiều nên anh phải mất hơn 8 giờ mới về được đến nhà. Về đến nhà, anh gọi “Vy ơi, Vy ơi”… Nghe tiếng chồng, chị Vy nín lặng rồi nấc nghẹn. Vợ chồng gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, khóc ngừng mãi không thôi. Gặp nhau, chị đưa tấm áo mà 3 năm anh vắng nhà chị vẫn lấy ra gối đầu cho đỡ nhớ. Anh kể về thời gian xa gia đình anh như phát điên, tìm đủ mọi cách từ khóc lóc, van xin, thậm chí trốn chạy,…
Nghe vợ chồng anh Minh kể đến đây, chúng tôi thấy nghẹn ngào, có gì đó cay cay ở sống mũi.Chúng tôi trộm nghĩ, có lẽ từ đây, không có gì có thể cản được tình yêu của anh chị. Trời đã về muộn, cả nhà chị Vy chuẩn bị ăn cơm, chị Vy đi lấy cá kho, hai đứa con của anh chị là Mẫn và Bắp đi lấy chén bát. Trong bữa cơm, họ toàn nói chuyện vui. Chị Vy ôm con heo đất đưa anh Minh nhét mớ tiền nhàu rồi nói: “Vài tháng nữa bố mẹ sẽ đập heo mua cho Bắp một bộ đồ mới và một bộ sách giáo khoa để xin đi học lại. Năm sau nếu tiết kiệm đủ sẽ cho Mẫn đi học nghề sửa chữa máy tính…”. Anh chị còn tính xa: “Năm sau vợi chồng mình cố gắng sắm xe nước bán ngay ở đầu ngõ”.
Chuyện tình yêu của anh chị tưởng chừng như mới vừa hôm qua nhưng thấm thoát đã trải qua 20 năm. Người con lớn của anh chị Mẫn đã 20 tuổi. “Gia đình hoàn cảnh nên hết lớp 7, Mẫn thôi học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nói thế nào cũng không chịu đi học nữa”. Hỏi lý do Mẫn bảo: “Lần đó trời mưa lớn lắm, nhà em dột khắp, mẹ ôm thằng Bắp dỗ nó ngủ nhưng nó không chịu khóc đòi ba suốt. Em chạy ra đầu đường đợi thì thấy ba ướt sũng, môi tím tái. Lúc ấy em khóc dữ lắm nhưng cố nén khóc không ra tiếng”, Mẫn nghẹn ngào. Cũng từ giây phút ấy, Mẫn quyết định nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi em, cuộc sống của anh chị cũng đỡ vất vả hơn nhưng vẫn còn nhiều chuyện chật vật. Tuy nhiên, trong ngôi nhà đó, hàng xóm chưa bao giờ thấy họ tắt nụ cười và niềm tin, hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.
Tạm biệt gia đình anh Minh – chị Vy ra về, chúng tôi hy vọng mọi suy tính của gia đình anh chị đều suôn sẻ, để anh chị sẽ không phải đi lang thang bán dạo khắp nơi như bây giờ.
VĂN AN
Bài đã được đăng trên Báo Hôn nhân pháp luật – một chuyên trang của Báo Đời sống và Pháp luật.
Xem thêm video Xót xa câu chuyện cô gái mang thai bị người yêu ruồng rẫy