(ĐSPL) - Đàn ông thường giao cho vợ quyền “tay hòm chìa khóa” bởi niềm tin người bạn đời sẽ biết thu vén, lo liệu gia đình. Thế nhưng, nhiều ông chồng ngỡ ngàng nhận ra “hòm” nhà mình trống rỗng vì chiếc chìa khóa tài chính đã được mở ra và phục vụ cho thú vui mua sắm của các bà vợ tiêu hoang.
Khi vợ tiêu hoang
Anh Trần Văn Minh (Hà Nội) vốn có tiếng là “ngoan” khi tháng nào cũng mang hết lương nộp vợ. Anh muốn dành dụm tiền bạc để mua căn nhà chứ không thể sống trong căn nhà đi thuê mãi được. Anh cũng không hỏi han, dặn dò vợ nhiều vì anh tin cuối năm sẽ dành được một khoản kha khá. Nhưng đến khi cần tiền anh nhận được câu trả lời từ vợ là trang trải vào chi tiêu gia đình hết rồi.
Lúc này, anh mới nhận ra những bộ cánh đắt tiền, sang trọng của vợ được sử dụng từ “đồng vốn” của anh. Những món ăn hoành tráng hay những đồ chơi xa xỉ của con, những khoản đối nội, đối ngoại như một người giàu có thực thụ… cũng được gọi là phí chi tiêu gia đình.
Anh Lâm thì lại có “đầu ra” khác cho những khoản đóng góp của mình. Vợ anh làm vị trí văn phòng với mức thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi các đồng nghiệp của vợ đều ăn chơi sành điệu. Chị cũng đua đòi spa, chăm sóc da mặt, làm móng, mua quần áo hàng hiệu, cắt tóc ở những beauty salon đắt tiền nên dĩ nhiên mức lương của chị chẳng đủ, phải lấn sang khoản “nộp” của chồng cho bằng chị bằng em.
Anh Lâm cũng ái ngại với cách chi tiêu như thế của vợ vì không phù hợp với hoàn cảnh gia đình nhà mình và cũng bởi những đồng tiền anh làm ra đều từ mồ hôi nước mắt và phải khá nhọc nhằn mới có được. Anh đã nhẹ nhàng nói với chị nhưng cái lý của vợ anh là: “Chẳng lẽ anh thấy vợ mình trông luộm thuộm và nhem nhuốc? Em làm thế cũng chỉ muốn đẹp mặt cho anh”.
Còn anh Hoàng thì vợ vốn xuất thân là dòng dõi tiểu thư khuê các, quen được cưng chiều, quen tiêu tiền từ người khác, nên dù biết anh nghèo, chị vẫn chọn lấy anh chỉ vì tình yêu, nhưng sau hôn nhân chị vẫn không bỏ được thói quen tiêu pha như công chúa trong khi không còn những khoản cung cấp từ bố mẹ nữa.
Thói quen ăn nhà hàng cao cấp vào cuối tuần cũng được chị tiếp tục áp dụng ở gia đình nhỏ của mình. Không những thế, chị còn thường xuyên đặt vé máy bay đi du lịch vào những ngày nghỉ. Nhiều khi anh Hoàng cũng muốn nhắc nhở vợ chi tiêu cho hợp lý nhưng cũng ngại, sợ vợ chồng lục đục vì những chuyện tế nhị như thế.
Hai vợ chồng đồng lương cũng chẳng nhiều nhặn gì nhưng anh vẫn cố gắng để có khoản tiết kiệm và còn có cái để dùng tới khi cần nhưng bao nhiêu đưa cho vợ cũng không đủ, chị vẫn cằn nhằn anh không làm bằng chồng người khác, trong khi chị vẫn ăn diện ngất trời mà quỹ gia đình thì luôn rỗng.
Chồng phải giữ “tay hòm chìa khóa”
Một người vợ không biết thu vén, tiêu tiền hoang phí khiến các ông chồng không có cảm giác yên tâm. Mâu thuẫn và căng thẳng phát sinh vì một người xây, một người phá, không xây dựng được một chính sách tài chính hợp lý làm vừa lòng cho cả hai bên.
Sau mấy năm trời gom góp mà vẫn phải ở trong ngôi nhà thuê xập xệ, anh Minh đã quyết định gửi số tiền lương của mình về cho mẹ đẻ cầm hộ để gom tiền mua nhà, còn tiền lương của chị vợ sẽ chi tiêu cho gia đình.
Vợ anh nổi khùng mấy tháng trời nhưng do không có nhiều tiền như trước nữa nên cũng đành ngậm ngùi. Còn với anh Lâm, sau vụ con ốm nhập viện cả tuần, vợ chồng anh chị đã xảy ra mâu thuẫn lớn bởi đến cả tiền chi trả viện phí cho con còn thiếu. Không thể chịu đựng thêm nữa, anh quyết định “tay hòm chìa khóa” mặc kệ mang tiếng “chồng ki bo”.
Theo đó, anh sẽ quản lý chi tiêu trong gia đình, từ tiền học của con, đồ ăn trong nhà hay mua sắm đồ đạc. Ban đầu chị vợ không đồng ý và đe dọa sẽ ly hôn nhưng sau khi nghe chồng vạch ra những khó khăn nếu không biết tiết kiệm cho tương lai thì chị mới ớ người ra, không nói được gì.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Ánh Tuyết thuộc trung tâm tư vấn Linh Tâm, tài chính cũng đóng góp lớn trong việc có đảm bảo hạnh phúc gia đình, vì thế một mức sống bấp bênh, không có khoản tiết kiệm, gia đình luôn trong trạng thái thiếu thốn thì thật khó làm cho gia đình hạnh phúc.
Vấn đề là các bà vợ phải biết “liệu cơm gắp mắm”, đừng đua đòi theo bạn bè mà vung tay quá trán. Mọi mâu thuẫn về chi tiêu tài chính đều nên được giải quyết sớm, hai vợ chồng nên cùng bàn bạc để có những quyết định về chính sách tài chính chung trong gia đình, đừng e ngại để đưa đến những mâu thuẫn không đáng có về chuyện chi tiêu tiền bạc.
Thậm chí nếu vợ không làm tốt vai trò này, cũng không nên câu nệ nhất thiết người quản lý tiền bạc phải là vợ, người chồng làm tốt hơn nên đứng ra nắm giữ lấy chiếc chìa khóa tài chính để gia đình không rơi vào trạng thái khủng hoảng về tiền bạc và cũng là cách để giữ gìn hạnh phúc gia đình mình.
Bài đã đăng trên chuyên trang Hôn nhân & Pháp luật của báo Đời sống & Pháp luật
NGỌC NGA
Xem thêm video Bí quyết trường thọ của cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam