Rạng sáng 18/4, quân cảng Cát Lái nhộn nhịp hơn khi nhiều kiều bào ta từ gần 20 quốc gia về đây chuẩn bị cho chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 kéo dài 10 ngày do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức.
Không khó để nhận ra vẻ hồ hởi lộ rõ trên khuôn mặt những người xa xứ trước hải trình đầy ý nghĩa tới nơi tuyến đầu của Tổ quốc trên đại dương. Những cái bắt tay thân mật, những tiếng hô vang "Trường Sa!" đầy tự hào cất lên từ sâu thẳm những trái tim yêu nước như một giai điệu quân hành thôi thúc đã nhanh chóng gắn kết những người con mang dòng máu Việt trở về từ khắp năm châu ngay trước giờ tàu HQ - 571 rời bến.
Nhìn từ trên cao, đảo Sơn Ca giống như một con tàu hướng ra đại dương. Ảnh: K.D |
Anh Đặng Thế Sáng, một kiều bào đang sinh sống tại Berlin (Đức) cho biết: "Tôi cảm thấy rất vui vì đây là lần đầu tiên được thăm Trường Sa - một mong ước không chỉ của cá nhân tôi mà còn của cả gia đình tôi từ rất lâu rồi. Tôi đã lập ra rất nhiều kế hoạch cho chuyến đi này. Điều mà tôi hy vọng nhất là ghi được thật nhiều hình ảnh của quân và dân ta đang sinh sống, làm việc trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc để gửi tới cộng đồng người Việt ở Đức nói riêng và trên thế giới nói chung giúp đồng bào hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của quân và dân ta trên quần đảo Trường Sa”.
Còn đạo diễn Hải Phong, Việt kiều ở Mỹ nói: "Tôi thấy rất vui khi được về Việt Nam tham dự chương trình này. Đứng ở cảng Cát Lái, trước tàu HQ 571, tôi cảm thấy rất xúc động vì đây là chuyến đi lịch sử trong cuộc đời mình. Và tôi sẽ đem tất cả cảm nhận đó về Mỹ để nói với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại rằng: Việt Nam của chúng ta là một đất nước vô cùng tươi đẹp!".
Ngay trong đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên trong hải trình kéo dài 10 ngày với Đoàn văn công quân khu 9 và cán bộ chiến sĩ trên tàu HQ 571, tình cảm dạt dào của kiều bào ta đối với biển đảo quê hương đã được thể hiện một cách mãnh liệt và đầy chất chứa qua nhiều bài thơ, bài hát. Đáng nói là, có rất nhiều bài hát, vần thơ đã được sáng tác một cách ngẫu hứng thể hiện tấm lòng của những người con lâu ngày trở về đất mẹ và nỗi khát khao được chia sẻ tình cảm với vùng biên cương nơi đầu sóng ngọn gió. Trên sân khấu "dã chiến" ngay tại boong tàu, không ít trái tim đã nghẹn ngào, khi nghe "tứ ca" Nguyễn Huy Thắng, Đặng Thế Sáng (Việt kiều Đức), David Nguyễn (Việt kiều Mỹ) và Phạm Ngọc Anh (Việt kiều Lào) cùng hòa nhịp trong bài hát "Trường Sa, Hoàng Sa ơi, chúng con đã về đây". Tác phẩm chan chứa tình cảm này do Nguyễn Huy Thắng và David Nguyễn thức trắng đêm sáng tác rồi cùng anh em trong phòng say sưa tập luyện để kịp biểu diễn thay cho tiếng lòng của hàng triệu người Việt xa Tổ quốc. Hoặc bài hát mới tinh "Đảo xa" với những ca từ rất đẹp của anh Thanh Hải (Việt kiều Ba Lan) đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương và niềm tự hào về non sông đất nước.
Kiều bào thăm trẻ em trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Q.C |
Đến sáng ngày thứ ba của hải trình, nhiều nỗi niềm, cảm xúc đã thực sự vỡ òa khi tàu HQ 571 cập bến Song Tử Tây - hòn đảo nằm ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa. Nhiều người không thể ngăn nổi dòng nước mắt trong lần đầu tiên được đặt chân lên vùng hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Nguyễn Sỹ Tuyên (Việt kiều tại Ukraine) xúc động: "Tôi hầu như cả đêm mất ngủ như đứa trẻ lần đầu tiên được đi xa. Có thể với đồng bào sống và làm việc ở trong nước Trường Sa rất gần gũi, còn với tôi, để có chuyến thăm Trường Sa thế này không phải dễ dàng. Dù thường xuyên theo dõi tình hình biển đảo của đất nước và xem rất nhiều tài liệu, phim ảnh về Trường Sa. Nhưng khi đặt chân lên đảo, tôi không thể kìm nén cảm xúc dâng trào, một cảm giác thiêng liêng vô cùng!".
Lần lượt trong hành trình kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã đến thăm 10 điểm đảo và 2 nhà giàn DK-1; được gặp, được cùng sống những phút giây dù ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa bên các chiến sĩ nơi hải đảo xa, chứng kiến những gian khó, hiểm nguy luôn rình rập trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mỗi người một suy nghĩ, một tâm tư; song, từ sâu thẳm tâm hồn đều cảm phục, tin tưởng trước tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, mà nhiều người tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi. Từ ánh mắt, nụ cười và lòng mến khách, các anh như muốn nói với chúng tôi và đất liền rằng, biển đảo quê hương như mái nhà thứ hai và những ngày ở nơi sóng gió nơi đảo xa là quãng thời gian đáng tự hào nhất trong cuộc đời binh nghiệp.
Bà Nguyễn Nguyệt Rạng đầy cảm xúc khi nói về Trường Sa. Ảnh: Q.C |
Cũng cần phải nói rằng, trong thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được không ít thông tin sai lệch, thậm chí có nguồn thông tin bịa đặt rằng, quần đảo Trường Sa và Biển Đông không còn nằm trong chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, với hải trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này, đồng bào ta ở nước ngoài đã tận mắt thấy rõ một sự thật. Đó là quyết tâm bám biển, bám đảo bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà Nguyễn Nguyệt Rạng (Việt kiều Mỹ), một thân hữu của đảng Việt Tân ngậm ngùi cho biết: "Tôi đã nhìn thấy sự thật, sự thật không như những gì tôi nghe thấy ở "bển". Trường Sa vẫn còn là của Việt Nam - những hòn đảo thanh bình đầy sự sống. Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ và người dân Việt Nam. Điều mà tôi cảm thấy xúc động nhất là các chiến sĩ đang ngày đêm đang canh gác biển đảo nơi đây. Họ là những thanh niên tuổi đời còn quá trẻ nhưng luôn phải đối diện với những hiểm nguy đe dọa từng giờ từng phút. Đó là sự thật không thể bóp méo khi ông Nguyễn Ngọc Lập, nguyên thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa, người trước đây từng tuyên bố chống Cộng đến cùng lại là người đội mũ gắn sao vàng và hô vang "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!". Trong khi đó, ông David Nguyễn hay còn gọi là Đức "đầu bạc" - con trai Đổng lý Văn phòng thời Việt Nam Cộng hòa và cũng là người có tư tưởng cực đoan, cho biết: "Đây là chuyến đi đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Trước đây tôi không thể nào tưởng tượng được có một ngày tôi lại được đứng giữa Biển Đông để hát một bài hát cùng sáng tác với một người từng là đối thủ phía bên kia chiến tuyến về Trường Sa, về biển đảo quê hương. Tôi biết rằng sau chuyến đi này, khi trở về Mỹ, tôi sẽ gặp nhiều sức ép từ những thành phần cực đoan luôn có cái nhìn không thiện cảm đối với Việt Nam. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định một điều rằng, không ai có thể ngăn cản tôi yêu quê hương đất nước. Đó là lý do vì sao tôi trở về Việt Nam để được đặt chân lên Trường Sa. Trước đây, tôi đã sai nhưng giờ tôi đã thay đổi. Tôi sẵn sàng đứng cùng hàng ngũ với các cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ biển trời quê hương tôi. Chính nghĩa lúc nào cũng là ngọn hải đăng soi đường. Khi về Mỹ tôi sẽ chia sẻ tất cả những gì tôi đã chứng kiến để phản bác lại những quan điểm sai trái về Biển Đông. Tôi kêu gọi những người bất đồng chính kiến hãy trở về quê hương để chứng kiến sự thật chứ đừng tuyên truyền sai trái nhằm bôi nhọ Tổ quốc của chính mình”.
Cùng nắm tay nhau hô vang Trường Sa, Hoàng Sa. Ảnh: Q.C |
Hồi còi dài báo hiệu đoàn tàu cập bến sau hải trình với nhiều cung bậc cảm xúc. Niềm vui lan tỏa cùng mong ước sẽ có thêm những chuyến tàu chở tình yêu thương từ đất liền tới Trường Sa như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã nói: "Chúng tôi mong muốn lại có những chuyến tàu đại đoàn kết dân tộc lớn hơn, tình nghĩa hơn, mạnh mẽ hơn tới huyện đảo Trường Sa để cùng các cán bộ, chiến sĩ chia sẻ vinh dự trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh hải thềm lục địa của Tổ quốc".