Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu về lịch sử Biển Đông, có những nghiên cứu góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, gắn liền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bức xúc trước việc ngư dân của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục bị các tàu của Trung Quốc đe dọa, truy đuổi, không cho đánh bắt cá ngay ở ngư trường truyền thống và bằng vốn kiến thức Hán học, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã bắt đầu nghiên cứu thêm về lịch sử biển Đông thông qua thư tịch cổ.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. |
Những nghiên cứu của ông đã được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí khoa học cho thấy, chính sử của Trung Quốc đã khẳng định lãnh thổ của họ không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thậm chí với chuyến đi biển của thái giám Trịnh Hòa vào thế kỷ thứ 15, Trung Quốc đã mặc nhiên thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thưa ông, thời gian gần đây, phía Trung Quốc đang cố ra sức chứng minh rằng người Trung Quốc đã phát hiện và chiếm hữu các đảo Nam Sa và Tây Sa, tức là Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam từ thời Hán. Vậy với tư cách là một nhà nghiên cứu thư tịch cổ, ông có cho rằng phía Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai sự thật lịch sử?
Nếu Trung Quốc đã thừa nhận và lập chủ quyền thì họ phải ghi những việc đó vào những bộ chính sử, những bộ địa phương chí, tức là những cơ quan nhà nước có tổ chức làm công việc biên soạn theo dõi những vùng đất do họ quản lý. Thế nhưng khi tôi xem những bộ sách như vậy thì không thấy ghi những điều như các tuyên bố gần đây của chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc thì luôn nói rằng cơ sở để họ khẳng định chủ quyền trên biển Đông là vùng nước lịch sử và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy qua các thư tịch cổ, điểm tận của Trung Quốc là ở đâu. Hoàng Sa và Trường Sa đã bao giờ nằm trong cương vực của Trung Quốc chưa thưa ông?
24 bộ sử Trung Quốc chỉ ghi đến cực nam của đảo Hải Nam, tức đó là vùng đất Trung Quốc thực sự quản lý trong suốt các triều đại phong kiến. Những bộ địa phương chí là những bộ sách chi tiết hơn chính sử vì nó được biên chép bởi những quan lại địa phương.
Chẳng hạn như bộ địa chí của tỉnh Hải Nam ngày nay thì hồi xưa gọi là Quỳnh Châu Phủ Chí. Đó là những bộ sách mà thể hiện rõ nhất việc mà nhà nước có thật sự đặt cái nền tảng chính quyền hay là quản lý, kiểm soát vùng đó hay không. Ngoài hai nguồn tư liệu là chính sử và địa phương chí, còn một nguồn nữa là những địa đồ. Địa đồ Trung Quốc cũng được soạn vẽ rất sớm.
Từ đời Tống đã có những địa đồ ghi lại, vẽ lại, thể hiện lại cương vực Trung Quốc khá hoàn chỉnh, thì giới hạn cũng đến cực Nam của đảo Hải Nam. Hoàng Sa và Trường Sa trong sách Trung Quốc được thể hiện bằng những tên khác và xuất hiện với một tính chất là người Trung Quốc tìm hiểu về địa lý thế giới. Mặc dù do Trung Quốc vẽ nhưng đó là họ nghiên cứu các khu vực ngoài Trung Quốc.
Ông đã nghiên cứu những bản đồ của thái giám Trịnh Hòa vẽ có liên quan đến Việt Nam hay không?
Đó là một loại bản đồ vẽ những tuyến đường biển từ Trung Quốc đi về các nước Đông Nam Á và đi qua đến phía đông của châu Phi. Bản đồ đó không thể dựa vào để nói rằng những nơi Trịnh Hòa đi qua là xác lập chủ quyền vì nó giống như những hải đồ thể hiện những hành trình đi biển mà người ta nhìn thấy.