Cựu nhân viên CIA Pribbenow phân tích lối đánh sáng tạo thần tốc của quân dân Việt Nam trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Qua tài liệu tham khảo “Cuộc tổng tiến công cuối cùng của miền Bắc: Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai” của tác giả Merle L. Pribbenow đăng trên tạp chí Parameters (1999 – 2000), độc giả có thể biết thêm về một góc nhìn và cách đánh giá của một “người trong cuộc” ở bên kia chiến tuyến về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
|
Merle L. Pribbenow là nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Đông Dương, có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam. |
Merle L. Pribbenow là nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Đông Dương, có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có 5 năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến ngày 29/4/1975. Kể từ khi về hưu (năm 1995), ông đã viết 3 bài nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Việt Nam và dịch một cuốn sách của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tiếng Anh, xuất bản tháng 5/2002 tại Mỹ.
1. Gieo mầm Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Theo tác giả Pribbenow, những hạt mầm của Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã được gieo từ hai hội nghị quân sự cấp cao tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 và tháng 4/1974 để đánh giá tình hình chiến sự. Hai hội nghị này đi đến kết luận rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã giành lại thế chủ động ở miền Nam.
Sau Hiệp định ngừng bắn ký tại Paris tháng giêng năm 1973, QĐNDVN đã mở rộng đáng kể đường Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch chuyên chở hậu cần tới miền Nam. Do tuyến đường Hồ Chí Minh không còn bị không quân Mỹ oanh kích, QĐNDVN đã có thể vận chuyển khối lượng khổng lồ trang thiết bị và hàng tiếp tế vào Nam. Chỉ riêng trong năm 1973, đã có 80.000 tấn hàng quân sự được vận chuyển, trong đó có 27.000 tấn vũ khí, 6.000 tấn chế phẩm xăng dầu, và 40.000 tấn gạo. 100.000 binh sĩ của QĐNDVN đã hành quân dọc đường Hồ Chí Minh vào Nam trong suốt năm 1973 và 80.000 người khác lên đường Nam tiến trong nửa đầu năm 1974. Sức mạnh của QĐNDVN ở chiến trường miền Nam giờ đây ở mức hùng hậu nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh: 400.000 lính chính quy.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một buổi làm việc với Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.
|
Sau hai hội nghị tháng 3 và tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN hoàn thành dự thảo “Đề cương sơ bộ về một kế hoạch giành chiến thắng trong chiến tranh ở miền Nam” trong tháng 5/1974. Nghiên cứu này được gửi tới Tổng Tư lệnh QĐNDVN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để phê duyệt. Ngày 18/1/1974, sau khi đánh giá cẩn thận đề cương này, Tướng Giáp ra lệnh cho Tướng Hoàng Văn Thái chuẩn bị kế hoạch chiến dịch chính thức nhằm vào việc giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam muộn nhất trong năm 1976. Quan điểm chung của Tướng Giáp là một cuộc tấn công hai giai đoạn, bao gồm một đợt công kích lớn của quân chủ lực vào Tây Nguyên, sau đó là một cuộc tấn công toàn lực nhằm vào lực lượng bảo vệ Sài Gòn.
Kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng tham mưu vẫn khá thận trọng, vì vẫn đang phải đương đầu với một số vấn đề, nhất là tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí hạng nặng và đạn dược. Thêm nữa, QĐNDVN vẫn phải cảnh giác với sự can thiệp có thể có từ nước ngoài. Trong các chỉ thị ban đầu của Tướng Giáp, có yêu cầu QĐNDVN phải chuẩn bị cho khả năng cuộc tổng tiến công có thể khiêu khích Mỹ ném bom trở lại vào miền Bắc hoặc thậm chí tiến vào Vịnh Bắc Bộ.
Sự thiếu hụt về tăng thiết giáp và trọng pháo - điều kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ của chính quyền Sài Gòn - đè nặng lên tâm trí những nhà hoạch định chiến lược của Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, những người đã lập nên bản kế hoạch để trình Bộ Chính trị vào tháng 10/1974. Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt ở danh mục “vũ khí tấn công” (xe tăng và pháo), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973.
Vấn đề gay go nhất là tình trạng thiếu đạn cho xe tăng và trọng pháo. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và đạn tăng của QĐNDVN tổng cộng chỉ có 100.000 viên.
Vì những vấn đề này, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đã ra lệnh tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra. Kế hoạch 1975-76 chỉ cho phép dùng hơn 10\% kho đạn tăng - pháo còn lại của QĐNDVN trong cả chiến dịch 1975. 45\% được phân phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-thang-304-ke-hoach-ban-dau-a31182.html