+Aa-
    Zalo

    Chiến thắng 30/4: Đòn điểm tử huyệt Buôn Mê thuột

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo cựu nhân viên CIA Pribbenow, chính quyền Sài Gòn không hề hay biết gì về chiến dịch Buôn Mê Thuột, một đòn hiểm đánh vào tử huyệt vô phương chống đỡ.

    Theo cựu nhân viên CIA Pribbenow, chính quyền Sài Gòn không hề hay biết gì về chiến dịch Buôn Mê Thuột, một đòn hiểm đánh vào tử huyệt vô phương chống đỡ. 
    QĐNDVN đã thực hiện một chiến dịch nghi binh vô cùng tinh xảo nhằm trực tiếp vào điểm mạnh nhất trong hệ thống tình báo của đối phương: Hệ thống thiết bị điện tử và thám không của miền Nam Việt Nam và đồng minh Mỹ.
    Chiến thắng 30/4: Đòn điểm huyệt Buôn Mê thuột

    Chiến thắng Buôn Mê Thuột

    Tại tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch Tổng tiến công, sóng vô tuyến đều im lặng tuyệt đối. Nhân viên tình báo của QĐNDVN gửi đi hàng trăm tín hiệu vô tuyến giả, tổ chức những đoàn xe tải di chuyển lộ liễu và tiến hành các hoạt động làm đường - những con đường ma - tất cả đều nhằm làm miền Nam Việt Nam tin rằng Sư đoàn số 10 và 320 của QĐNDVN đang tập trung về Pleiku và Kontum và hai thành phố ở phía bắc Tây Nguyên này là mục tiêu thật sự. Chiến dịch nghi binh hiệu quả đến nỗi các viên tướng quân đội miền nam Việt Nam đã bỏ qua một số báo cáo từ các điệp viên và lời khai của tù binh cho thấy QĐNDVN  đang sắp tấn công Buôn Mê Thuột.
    Đến cuối tháng 2, tất cả các đơn vị QĐNDVN đều đã sẵn sàng. Ngày 1/3, Sư đoàn 968 tấn công vài đồn nhỏ ở phía tây Pleiku. Ngày 4/3, chiến dịch của QĐNDVN bắt đầu với một cuộc tấn công của Sư đoàn 95A, phá tan vài đồn nhỏ của quân đội Sài Gòn canh đường 19 trên đèo Mang Yang, cắt đứt đường tiếp tế chính cho các lực lượng ở Tây Nguyên. Xa hơn ở phía đông, trên đường 19, Sư đoàn số 3 QĐNDVN tổ chức tấn công cắt đứt tuyến đường huyết mạch này và uy hiếp Sư đoàn số 22 của chính quyền Sài Gòn. Ngày tiếp theo, Trung đoàn số 25 của QĐNDVN cắt đường 21 - con đường duy nhất còn lại nối từ bờ biển vào Tây Nguyên, nối Buôn Mê Thuột và Nha Trang.
    Các lực lượng của chính quyền Sài Gòn ở Tây Nguyên bị cô lập và hoàn toàn phụ thuộc vào tiếp tế từ trên không. Tuy nhiên, phương tiện vận tải hàng không nghèo nàn của không quân hoàn toàn không thể đáp ứng với việc tiếp tế khẩn cấp ở quy mô này. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Chỉ huy của ông ta nhận ra rằng nếu Đường 19 và 21 không được mở lại sớm, các lực lượng quân đội ở Tây Nguyên sẽ nhanh chóng cạn kiệt lương thực, hết nhiên liệu và đạn dược. Ngày 8/3, Sư đoàn 320 của QĐNDVN tràn ngập một huyện lỵ trên đường 14 ở phía bắc Buôn Mê Thuột, cắt đường đi Pleiku và hoàn tất việc cô lập thành phố này. QĐNDVN đã sẵn sàng cho cuộc tấn công Buôn Mê Thuột, trong khi chính quyền Sài Gòn vẫn không đoán được thành phố này đã nằm trong tầm ngắm.
    Theo dõi các diễn biến từ Sài Gòn, Tổng thống Thiệu và Bộ Chỉ huy của ông không thể nào biết được đòn tiếp theo của QĐNDVN sẽ đánh vào đâu.
    Trong những ngày trước khi đánh Buôn Mê Thuột, QĐNDVN đã tổ chức một làn sóng các cuộc tấn công trên toàn miền nam Việt Nam. Ở phía bắc, vào ngày 5/3, công binh và du kích tấn công vùng hạ du Quảng Trị và Thừa Thiên và ngày 8/3, Sư đoàn 324 của QĐNDVN đánh mạnh vào tuyến phòng thủ chính của quân đội Sài Gòn  tây nam Huế. Về phía nam, ngày 7/3, QĐNDVN tiến hành một loạt vụ tấn công vào khu vực Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, mà đỉnh cao là chiếm một huyện lỵ chính ở phía tây bắc Sài Gòn.
    Tổng thống Thiệu và các tướng nghĩ nát óc. Rõ ràng là một cuộc tổng tiến công tổng lực của những người cộng sản diễn ra đến nơi rồi, nhưng đâu là mục tiêu chính? Đâu là nơi nguy hiểm nhất? Với Thiệu và các tướng, câu trả lời đã hiển nhiên: Sài Gòn. Kế hoạch nghi binh của QĐNDVN đã diễn ra một cách hoàn hảo.
    Ngày 9/3, Sư đoàn 10 của QĐNDVN, với hai trung đoàn bộ binh (số 26 và 66) và được yểm trợ chỉ với hai khẩu lựu pháo 105mm, 50 viên đạn, tấn công và đánh chiếm Đức Lập cùng toàn bộ các vị trí phòng thủ ở đó trong vòng 24 tiếng. Quân đội của chính quyền Sài Gòn  mất ở đây tổng cộng ba tiểu đoàn, 14 khẩu pháo và 20 xe tăng. Sau khi củng cố chiến thắng, Sư đoàn 10 tiến theo hướng bắc, lên Buôn Mê Thuột.
    Rạng sáng 10/3, 12 trung đoàn QĐNDVN tổ chức tiến công bất ngờ mãnh liệt vào Buôn Mê Thuột. Sư đoàn công binh 198 và hai tiểu đoàn bộ binh đã bí mật lọt vào thành phố từ trước, sau đó tấn công hai sân bay của Buôn Mê Thuột, kho chứa hàng tiếp tế Mai Hắc Đế và đầu não của Sư đoàn số 23. Năm trung đoàn bộ binh (3 của Sư đoàn 316, Trung đoàn số 24 thuộc Sư đoàn 10 và các chiến binh lão luyện của Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn 325) tiến vào thành phố từ ba hướng, dẫn đường là xe tăng và xe thiết giáp của Trung đoàn thiết giáp số 273, và dưới một lưới lửa tạo bởi 78 súng hạng nặng của Trung đoàn pháo số 40 và 675.
    Trung đoàn phòng không  232 và 234 đi kèm các mũi tấn công, tạo ra một chiếc ô hỏa lực chắn máy bay rát đến mức các đợt tấn công bằng bom của không quân Sài Gòn  hầu như đều vô hiệu và gây hại cho chính quân đội họ ngang với cho đối phương. Sau 32 giờ giao tranh, các lực lượng QĐNDVN phá tan đầu não của Sư đoàn 23, bắt sống một sư đoàn phó.
    Tướng Dũng báo về Hà Nội rằng quân của ông đã thu được 12 khẩu pháo và 100 tấn đạn pháo ở Buôn Ma Thuột. Điều này đảm bảo với Bộ Tổng tham mưu rằng chiến dịch sẽ tiến triển mà không bị cản trở bởi nỗi lo thiếu đạn. Các nhà lãnh đạo ở Hà Nội ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của chiến thắng này. Trong suốt cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 11/3, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thảo luận về khả năng thời cơ chiến lược - thời điểm để tiến hành cuộc tổng tiến công cuối cùng - sắp đến.
    Hồi trống trận tiến công lúc đầu dường như nhằm vào Pleiku, sau là vào Sài Gòn và Huế, và bây giờ, thật bất ngờ, lại là cuộc tấn công Buôn Mê Thuột.
    Bối rối, tuyệt vọng, và hẳn là trong trạng thái sốc thực sự, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra hai quyết định trọng yếu vào ngày 10 và 11/3, đánh dấu chấm hết cho số phận của chính quyền Sài Gòn. Việc đầu tiên là Tổng thống Thiệu ra lệnh rút lập tức Sư đoàn Kỵ binh bay của Quân đoàn 1 về bảo vệ Sài Gòn. Hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 2 bắt đầu nghiêng ngả như một căn nhà xây bằng những lá bài.
    Tiếp theo, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh phản công lập tức để chiếm lại Buôn Ma Thuột “bằng mọi giá”. Do đường lên Buôn Mê Thuột đã bị cắt, Tư lệnh Quân đoàn II , tướng Phạm Văn Phú, buộc phải dùng trực thăng đưa hai trung đoàn còn lại trong Sư đoàn 23 ra trận , thả 5 tiểu đoàn vào một khu đất ở phía đông Buôn Mê Thuột trong thời gian từ ngày 12 tới 14/3 mà không có xe tăng và chỉ có sự yểm trợ giới hạn của pháo binh. Trung đoàn đã hạ cánh vào chính giữa “vùng chết” mà QĐNDVN giăng ra.
    Sư đoàn 10 của QĐNDVN, có xe tăng và pháo binh hùng mạnh yểm trợ, đã chờ sẵn. Trong một cuộc tấn công chớp nhoáng bốn ngày, Sư đoàn 10 tràn lên và đánh tan phần còn lại của Sư đoàn 23 và Chiến đoàn Biệt động quân số 21.
    Khi đường tiếp viện đã bị cắt và không còn hy vọng được cung ứng thêm hay cứu trợ, ngày 14/3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Pleiku xuống theo đường 7B ra biển là một hành động tuyệt vọng nhằm cứu vãn những gì còn lại của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Mệnh lệnh thì ngu xuẩn và kẻ thực hiện thì dốt nát, nhưng trong tình hình ấy  đó là điều có thể hiểu được.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-thang-304-don-diem-tu-huyet-buon-me-thuot-a31200.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Võ Nguyên Giáp: Nhân cách Việt Nam trong trái tim nhân loại

    Võ Nguyên Giáp: Nhân cách Việt Nam trong trái tim nhân loại

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người Anh Cả của Quân đội là niềm tự hào của lịch sử hiện đại Việt Nam. Con người và nhân cách cùng với những chiến công của ông đã được rất nhiều học giả, quan chức quân sự, kể cả những người đã từng là đối thủ vô cùng ngưỡng mộ.

    Chiến thắng 30/4: Kế hoạch ban đầu

    Chiến thắng 30/4: Kế hoạch ban đầu

    Cựu nhân viên CIA Merle L. Pribbenow phân tích lối đánh sáng tạo thần tốc của quân dân Việt Nam trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.