(ĐSPL) - Quy trình bổ nhiệm cán bộ của ta tiếng là chặt chẽ, được làm qua rất nhiều bước nhưng xem ra "con voi vẫn chui lọt lỗ kim". Những quyết định bổ nhiệm đầy vụ lợi, sự cả nể, rồi những cái "tặc lưỡi" của tập thể đã vô hình trung tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực, chạy chọt.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Bỉnh, Giảng viên cao cấp khoa Triết học - Học viện Chính trị Khu vực 1 (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Duy vật lịch sử, khoa Triết học - Học viện Chính trị Quân sự) để đem đến cái nhìn sâu sắc hơn về hiện tượng này.
Ông Lê Bỉnh. |
Bổ nhiệm "ồ ạt" vì... tư lợi
Ngoài lùm xùm liên quan đến việc bổ nhiệm 60 cán bộ trước khi về hưu của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, dư luận không khỏi lo ngại tình trạng trên cũng xảy ra ở ngành này, ngành kia. PGS nghĩ sao về hiện tượng, lãnh đạo trước khi "hạ cánh" đã ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ và có dấu hiệu không minh bạch?
Vừa rồi Thanh tra Chính phủ cũng đã xác nhận nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu có ký quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ năng lực. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, nhiều cán bộ được bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện và đã phải xử lý bằng cách cho đi đào tạo; hiện nay vẫn đang trong quá trình rà soát, phân công lại. Thế nên, việc bổ nhiệm sai quy trình của cán bộ tiền nhiệm sẽ để lại nhiều hậu quả với đội ngũ lãnh đạo kế cận. Đó là chưa kể những cán bộ không đủ năng lực sẽ làm méo mó nền công vụ nước nhà, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của chế độ công quyền.
Trước đây, những người trước khi về hưu cũng có trường hợp bổ nhiệm cán bộ. Nhưng những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm này là cần thiết, khách quan, dân chủ nên không có dư âm gì. Gần đây cùng xu thế "chạy chức", "chạy quyền", lợi dụng sơ hở pháp luật đã xuất hiện tư tưởng tư lợi trong vấn đề đề bạt cán bộ, nên một số lãnh đạo trước khi về tranh thủ bổ nhiệm nhiều cán bộ sai quy định. Trong việc của ông Truyền, các cơ quan chức năng cần phải khẩn trương vào cuộc xác minh rõ có "chạy chức", "chạy quyền" hay không? Nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm, không có "vùng cấm" cho bất kỳ cán bộ nào cả.
Việc các quan chức tại vị liên tục "nhét" con cháu mình vào những vị trí quan trọng để khi về hưu có thể "hạ cánh an toàn" được ví như một hình thức "tham nhũng tương lai" và thể hiện lối tư duy "giữ gôn", PGS nghĩ sao về nhận định này?
Theo tôi, khái niệm "giữ gôn" hay "tham nhũng tương lai" cần phải bàn thêm, nhưng với những quan chức trước khi về hưu vẫn bổ nhiệm những cán bộ không đúng tiêu chuẩn là lạm dụng quyền lực. Mà cái cốt lõi, lạm dụng quyền lực cũng chính là một hình thức tham nhũng. Anh không gương mẫu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ theo nhu cầu thực tiễn, mà anh cứ bổ nhiệm sai, vì "cái gì đó", ồ ạt... đa số là vì vụ lợi thôi. Nếu không vì vụ lợi, anh chẳng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt để làm gì. Đặc biệt, việc bổ nhiệm những người có "dây mơ rễ má" khiến dư luận càng nghi ngờ.
Những nghi vấn về việc "chạy chức", "chạy quyền", chi tiền để được bổ nhiệm cũng từ đó mà ra. Câu chuyện của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bổ nhiệm mấy chục cán bộ trước khi về hưu cũng khiến dư luận đặt câu hỏi. Không thể cứ bổ nhiệm xong rồi "hạ cánh an toàn" được. Điều đó cũng cho thấy, có một số trường hợp lạm dụng chức quyền, tranh thủ thời gian để chụp giật cơ hội tham nhũng. Thực tế đặt ra yêu cầu cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với những người đứng đầu có quyền hạn trong bổ nhiệm đề bạt cán bộ, làm sao để họ muốn lạm dụng quyền lực (mà thực chất là tham nhũng) cũng không lạm dụng được.
"Bốn ệ" và trách nhiệm người đứng đầu
Vậy việc bổ nhiệm sai, bổ nhiệm thừa cán bộ là do cơ chế chính sách của ta chưa chặt hay do khâu tổ chức thực hiện, thưa PGS?
Việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt không đủ tiêu chuẩn cho thấy, thực tế hiện nay phát sinh khái niệm "nợ tiêu chuẩn". Điều đó là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định bổ nhiệm cán bộ của Đảng ta. Theo đúng quy định, tiêu chí bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải rõ ràng, minh bạch, đúng tiêu chuẩn chứ không cán bộ nào được "nợ tiêu chuẩn". Về nguyên tắc, khi không đạt tiêu chuẩn thì không bổ nhiệm. Việc cho "nợ tiêu chuẩn" là do cán bộ quan chức lạm dụng quyền lực, tự ý cho nợ để rồi lại nảy sinh tình trạng bổ sung tiêu chuẩn bằng việc chạy chọt, đút lót. Như vậy là do khâu tổ chức thực hiện sai chứ không phải chủ trương chính sách sai.
PGS nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay theo tiêu chí "bốn ệ" (hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ) dẫn đến tình trạng cán bộ ngồi nhầm chỗ, không đảm bảo được công việc?
Điều đó thật đáng suy ngẫm. Tất nhiên, đó chỉ là dư luận xã hội. Một vấn đề mà xã hội, cử tri lo ngại và nhiều ĐBQH đã phản ánh là việc bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ; tuyển dụng công chức, viên chức biểu hiện nhiều tiêu cực. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc ngày càng lộ diện rõ hơn. Nếu như bộ ngành nào, địa phương nào cũng bổ nhiệm cán bộ theo tiêu chí ưu tiên "bốn ệ" như dư luận xã hội đã đề cập thì đội ngũ cán bộ làm được việc, có năng lực, đủ tâm, đủ tầm sẽ bị thui chột. Do đó phải có giải pháp đồng bộ, trước hết, chăm lo xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Để ngăn ngừa việc lạm dụng quyền hạn, ký quyết định bổ nhiệm cán bộ thiếu khách quan, sai quy định như vậy cần những cơ chế giám sát gì, thưa PGS?
Việc phân cấp, phân quyền đã được thực hiện khá tốt trong những năm gần đây, tuy vậy, đối với công tác bổ nhiệm, ngoài đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm, phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng. Tất cả phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Nếu làm tốt, nhất quán, chắc chắn sẽ phòng chống được tiêu cực trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cũng như thi tuyển công chức, viên chức. Phải thực sự thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu; đặc biệt cần khắc phục thói độc đoán chuyên quyền, gia trưởng của người đứng đầu.
Trân trọng cảm ơn PGS!