(ĐSPL) - Tại nghị trường Quốc hội có ý kiến cho rằng, trước khi về hưu, lãnh đạo một số đơn vị thường làm "chuyến tàu vét" bổ nhiệm cán bộ hàng loạt, thậm chí những người được đưa vào vị trí cao hơn còn chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, kể cả với những người đã nghỉ hưu, vẫn phải xử lý công bằng, tránh tình trạng cán bộ sắp về hưu "dồn một mẻ" rồi "hạ cánh an toàn".
Trước luồng ý kiến cho rằng, việc các quan chức tại vị "giữ gôn" bằng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu "con ông cháu cha", "dây mơ rễ má"..., chẳng khác gì hình thành một hình thức tham nhũng mới, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho rằng, vấn đề tham nhũng cần phải suy nghĩ bởi vấn đề chạy chức, quyền, chạy biên chế, việc làm vẫn là thực trạng nhức nhối.
Theo ông Nam, cần phải thực hiện thi công chức một cách quyết liệt, cả ở những vị trí cao nhất, loại trừ công thức sắp xếp cán bộ kế cận theo tiêu chí: Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ. "Vấn đề liên quan đến quan chức cao cấp cần nhanh chóng công khai cho nhân dân biết. Như vụ nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bổ nhiệm hàng loạt vị trí trước khi về hưu hiện vẫn chưa có báo cáo. Chỉ cần một vụ như vậy, nhân dân sẽ không tin", ông Nam nói.
Theo quan điểm của ông Nam, nếu chỉ công khai từ "vai trở xuống", nhân dân sẽ không tin, vị thế càng cao càng phải làm rõ.
Để ngăn chặn hiện tượng này, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH (nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ) Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, khi thấy có đơn tố cáo hoặc có những tố giác về việc đó, có thể chưa có cơ sở nhưng các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành, của Bộ Nội vụ phải vào cuộc ngay để xác minh. Những cơ quan này cần căn cứ vào những quy định của pháp luật để xác định xem có sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ hay không.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. |
Theo Đại biểu Cương, việc bổ nhiệm cán bộ phải theo đúng nguyên tắc, trên cơ sở quy hoạch và trên cơ sở nhu cầu số lượng, trình độ cán bộ vì những cái này có quy trình, quy định cả. "Nếu qua kiểm tra không đúng thì phải xử lý ngay. Lâu nay chưa có ai bị xử lý về việc đó cả, điều đó rất là đáng tiếc. ít nhất, anh cũng phải xác định vài vụ để xử lý thật nghiêm khắc, nó sẽ có tính răn đe tốt hơn", Đại biểu Cương nói.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: "Tôi đã nhiều lần nói, nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo, quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án".
Cũng trao đổi với PV, ĐBQH Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn: "Tôi đã nhiều lần nói, nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo, quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án. Đó chính là phòng ngừa. Chừng nào không phòng ngừa thì vẫn còn xảy ra, vì ai cũng nghĩ rằng, chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm "chuyến tàu vét" trước khi hạ cánh. Đó là tâm lý chung".
Ông Tiến cho rằng: "Nếu chúng ta không có quy định, sẽ có kẽ hở và hiện tượng này (bổ nhiệm nhân sự hàng loạt trước khi về hưu) vẫn tái diễn".