Giữa tháng 10/2024, một người đàn ông sống tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, thu hút sự quan tâm khi đăng tải một đoạn clip trên mạng xã hội. Theo đó, trên tài khoản Douyin có tên @huodarensheng, người đàn ông đã đăng clip ghi lại cảnh con gái 6 tuổi khóc do bị bắt nạt ở trường, cô bé bị đánh đến mức bị thương ở miệng.
Trong video, cô bé bày tỏ mong muốn nghỉ học sau khi bị một nhóm bạn cùng lớp dồn vào chân tường. Kết quả khám tại bệnh viện xác nhận bé bị mất một chiếc răng cửa. Dù con gái rất khủng hoảng sau sự việc vừa xảy ra, nhưng người đàn ông khẳng định ngay trong clip rằng anh sẽ không yêu cầu nhà trường phải ra hình phạt nghiêm khắc đối với nhóm học sinh đã đánh con gái anh.
Trước thái độ bình tĩnh lạ lùng của người cha, không ít cư dân mạng tỏ ra giận dữ, cho rằng người cha này đã không biết bảo vệ con gái mình.
Sau đó, người cha xóa video trên. Ngày 16/10, anh đăng tải một video khác, tuyên bố nhà trường và các phòng ban liên quan đã nhanh chóng giải quyết sự việc, đồng thời lưu ý rằng 7 học sinh bắt nạt đã cùng cha mẹ xin lỗi con gái anh.
Vị phụ huynh này nói, anh không đổ lỗi cho nhà trường vì cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm chủ yếu cho việc giáo dục con cái mình; anh cũng quyết định không yêu cầu cha mẹ 7 học sinh kia bồi thường.
Lý giải về quyết định lạ lùng của mình, người cha cho biết quan điểm của anh khi xử lý các sự việc là "thêm bạn, bớt thù". Những đứa trẻ liên quan tới sự việc này đều còn rất nhỏ, việc đòi hỏi phải có hình phạt nghiêm khắc với các học sinh, hay đòi phụ huynh phải bồi thường, sẽ đẩy mọi việc đi quá xa.
Anh cũng không định chuyển trường hay chuyển lớp cho con, bởi trẻ nhỏ quên mọi chuyện rất nhanh, thậm chí, những đứa trẻ có thể sẽ làm lành với nhau nhanh chóng sau khi xảy ra cãi cọ, xô xát.
Người cha nói thêm, luật pháp không quy định trẻ em từ 7 - 8 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, nên cho dù có làm lớn chuyện này cũng vô nghĩa. Ở Trung Quốc, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định là 16 tuổi, trẻ vị thành niên trên 12 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội nghiêm trọng như cố ý giết người hoặc gây thương tích, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Hiện cả nhà trường và chính quyền địa phương đều chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ việc trên. Người cha vẫn có ý định cho con gái mình tiếp tục học ở trường và lớp cũ.
Trong một clip đăng ngày 17/10, anh hỏi con gái có còn muốn nghỉ học, chuyển trường hay chuyển lớp không. Cô bé khẳng định rằng không muốn, bởi đã thích đi học, mọi chuyện ở lớp cũng đã trở nên vui vẻ hơn.
Trước câu chuyện mà người cha này chia sẻ, không ít cư dân mạng cho rằng anh quá bình thản, như thể một người xa lạ đối với chính con gái ruột của mình. Nhiều người không ủng hộ cách người cha xử lý sự việc bởi anh tỏ ra quá dễ dãi, gần như không có động thái nào để bảo vệ con gái sau những gì đã xảy ra: “Anh đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha và không bảo vệ con gái mình”; "Thật tội nghiệp cho một cô bé có người cha không đứng về phía mình. Những kẻ bắt nạt sẽ chỉ nhắm vào cô bé nhiều hơn nếu không phải chịu hậu quả"...
Nhiều người còn lo rằng việc không có hình phạt nghiêm khắc dành cho những học sinh gây ra bạo lực học đường sẽ khiến mọi việc trở nên trầm trọng hơn, thậm chí, bé gái có thể trở thành mục tiêu thường xuyên bị nhắm tới.
Dù vậy, cũng có không ít người cho rằng cách hành xử rộng lượng và ôn hòa của người đàn ông này sẽ khiến các vị phụ huynh khác "tâm phục, khẩu phục", họ sẽ về dạy con kỹ càng hơn. Ngoài ra, 7 học sinh phạm lỗi cũng sẽ cảm nhận được lòng nhân từ của người đàn ông này, các em sẽ muốn sửa đổi bản thân và đặc biệt sẽ không gây sự với con gái của anh thêm nữa.
Một nghiên cứu do sinh viên Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải thực hiện đã nêu bật tình trạng thiếu hụt số liệu thống kê chính thức về bạo lực học đường ở Trung Quốc.
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Tây Nam cho thấy, hơn một nửa số học sinh ở các vùng nông thôn từng bị bắt nạt. Nhiều nạn nhân lên mạng chia sẻ rằng đến nay họ vẫn còn tổn thương; lòng tự trọng thấp là một trong những hậu quả của việc chịu đựng những trải nghiệm như vậy.
Nhiều tài liệu chỉ ra rằng, nạn nhân có xu hướng yêu cầu bồi thường cho những tổn thương về thể xác khi đấu tranh để giành lại công lý và vượt qua nỗi đau tinh thần do bạo lực học đường gây ra.