Thông tin trên do ông Đỗ Xuân Vinh, Phó chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết.
Sau khi có thông tin ngư dân cày nát biển để khai thác banh lông, sở này đã có chỉ đạo lấy mẫu banh lông gửi giám định để xác định họ, loài.
"Sở sẽ chờ ý kiến phân tích của ngành chức năng, xem banh lông là con gì, đặc tính như thế nào, có giá trị kinh tế không, khai thác có làm ảnh hưởng môi trường sinh sống của các sinh vật biển không.... Ngoài tìm hiểu các thông tin về loài này, các ngành chức năng Kiên Giang cũng cần có biện pháp cảnh báo, bảo vệ bà con ngư dân", ông Vinh cho biết.
Tìm hiểu giá trị kinh tế của con banh lông |
Cùng với đó, theo chỉ đạo của ông Vinh, Sở này đã ký văn bản chỉ đạo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng thanh tra sở kiểm tra, báo cáo về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua con banh lông trên địa bàn tỉnh này.
"Những quy định về khai thác banh lông sẽ được rà soát nghiêm túc, trong trường hợp khai thác không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo quy định", ông Vinh nhấn mạnh.
Cày nát đáy biển
Cũng như những vụ mua bán khác, con banh lông vốn là loài không có giá trị kinh tế bỗng nhiên gần đây lại được thương lái Trung Quốc săn lùng với giá cao ngất ngưởng.
Không lý giải được thương lái Trung Quốc mua banh lông làm gì, nhưng mức chào giá đến 800.000 đồng/kg khiến ngư dân miền Tây sốt ruột đổ tiền triệu khai thác.
Tuy nhiên, sau khi ngư dân ồ ạt khai thác thì gần đây, thương lái lại ngừng thu mua, khiến giá rớt mạnh, đặt ra nghi vấn về “kịch bản” chào giá cao - dân gom ồ ạt - ngừng thu mua tái diễn.
Nhiều người dân An Thới cho biết, chưa từng ăn con banh lông lần nào, cũng như không biết chế biến làm sao để ăn. Nhưng do nhiều thương lái Trung Quốc đến thu gom với giá cao nên các tàu đua nhau chuyển sang đánh bắt loại hải sản này.
Ông Hồ Kim Bá, một ngư dân kỳ cựu tại An Thới cho rằng, có lẽ các họng cào banh lông dùng gai sắt bới tung đáy biển làm đục nước nên mực trồi lên trên mới đánh bắt trúng dữ hơn bình thường. Trong khi đó nhiều loại cá trở nên khan hiếm vì mất chỗ cư ngụ, sinh sản.
TS Nguyễn Văn Long, Viện Hải dương học tại Nha Trang cũng nhận định, việc cào xới đáy biển như vậy thì chắc chắn toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy bùn dưới biển sẽ bị phá hủy.
“Chưa kể bùn bị khuấy lên sẽ theo các dòng hải lưu trôi tấp vào các rạn san hô làm biến dạng môi trường sinh thái của hàng ngàn loài sinh vật biển khác”, TS Long khẳng định.
Theo TS Nguyễn Văn Long, banh lông thuộc họ hải sâm, có giá trị dinh dưỡng rất cao. So với hải sâm, banh lông có hệ cơ dày hơn, cứng hơn nên giá trị càng cao.
TS Nguyễn Văn Long bày tỏ lo ngại rằng, việc chậm đánh giá tác động môi trường biển của việc cào banh lông, để đáy biển bị xới tung sẽ gây hậu quả rất khó lường về môi trường, việc phục hồi hệ sinh thái đáy biển sẽ rất khó khăn.
Cho tới nay, xác định banh lông là con gì, có giá trị kinh tế không, đặc tính ra sao... vẫn là những câu hỏi đang được UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo làm rõ.