Ma túy đã biến anh Trần Quang Học (SN 1975, tại tổ 1, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) thành kẻ trộm cắp, côn đồ, thường xuyên ăn cơm tù. Chỉ đến lần ngồi tù thứ năm, không thể về chịu tang mẹ, bị người đời ghẻ lạnh, anh Học mới nhận ra sai lầm...
Thức tỉnh sau sự ra đi của mẹ
Phải rất khó khăn chúng tôi mới thuyết phục được anh Trần Quang Học (SN 1975, tại tổ 1, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) trải lòng về hành trình làm lại cuộc đời từ quá khứ lầm lỗi của mình. “Quá khứ tội lỗi, nhiều người muốn giấu nhẹm đi, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc mình nên thẳng thắn đối diện với sự thật, bởi tôi không còn là thằng Học của ngày xưa nữa”, anh nói.
Nét mặt trầm buồn, anh Học bắt đầu kể lại câu chuyện đời mình. Anh Học sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã phải bươn chải kiếm sống. Ngoài giờ đến trường, với bộ quần áo lếch thếch, cậu bé Học đi khắp nơi nhặt từng chiếc chai, lọ về bán. Bạn bè khi thấy bộ dạng ấy của Học thường buông lời trêu ghẹo, có khi còn lột hết quần áo của anh. Mỗi lần như thế khiến Học ngày càng trở nên lầm lì. Năm lớp 11 anh tự ý bỏ học, nghe theo bạn bè đi làm phụ xe trên tuyến Gia Lâm – Thái Nguyên để kiếm tiền. Thời gian này cũng là lúc anh sa chân vào con đường nghiện ngập.
“Dù ý thức được ma túy rất nguy hiểm, nhưng tôi không bỏ được. Năm 1994, bố tôi qua đời, khi đó, tôi đã khóc rất nhiều. Sau đó, tôi được gia đình đưa vào trại cai nghiện. Cai xong, tôi quyết tâm đi học trở lại và thi đỗ trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tôi cứ nghĩ, từ đây, mình có cơ hội làm lại cuộc đời, tuy nhiên, tôi không vượt qua được chính mình và một lần nữa trượt dài trong cái xấu”, anh Học chia sẻ.
Ma túy biến anh thành kẻ trộm cắp. Thậm chí, nhiều lần anh đánh người gây thương tích và phải vào tù. Trong vòng 10 năm từ năm 1994-2004 anh Học vào tù đến 5 lần với tổng cộng 6 năm anh phải ngồi sau song sắt trại giam.
Anh Học kể: “Năm 2003 là lần vào tù thứ năm, nguyên nhân do tôi và nhóm bạn đánh một gia đình gần nhà rồi bị bắt. Tôi bị kết án 1 năm tù giam, phải vào thụ án tại trại giam số 6 Nghệ An.
Ngồi trong trại giam, tôi nghĩ mình không thể trở về làm lại cuộc đời, vết nhơ này bao giờ mới gột sạch được. Năm 2004, mẹ tôi mắc bệnh nặng qua đời, không được về chịu tang mẹ và nhìn mặt mẹ lần cuối khiến tôi day dứt khôn nguôi... Tôi nhận ra, mình dường như đã mất tất cả, không chỉ bản án lương tâm giằng xé mà còn chịu sự hành hạ về thể xác do ma túy gây ra. Hàng đêm, tôi ngồi một mình trong bóng tối, nhớ mẹ, nhớ gia đình, tôi khao khát được trở về với cuộc sống của một người bình thường”.
Vượt qua bóng tối…
Năm 2005, anh Học được ra tù. “Sau 6 năm cải tạo trong tù, tôi vỡ ra được nhiều điều, chỉ cần mình biết đứng dậy và sửa chữa sai lầm thì có thể làm lại cuộc đời”, anh Học kể.
Thời gian ở trong trại giam, vì thấy anh Học khéo tay nên cán bộ trại giam đã giao cho anh việc quây chậu cảnh, đắp tượng. Bên cạnh đó, trong thời gian ở đây do có năng khiếu vẽ nên anh Học thường sáng tạo ra các hình xăm và xăm cho các bạn tù. Theo lời của anh Học, đây cũng chính là cơ sở ban đầu để anh theo đuổi nghề xăm hình.
Anh Học tỉ mỉ làm những hình xăm do khách yêu cầu. |
Những ngày đầu khi mới ra tù, để hòa nhập với cuộc sống đối với anh Học quả thực gian nan. Mở một cửa hàng xăm hình nhỏ, anh mong sẽ là bước đệm tốt đẹp để anh làm lại cuộc đời. Nhưng thời ấy mấy ai có điều kiện bỏ ra số tiền lớn để xăm và việc xăm hình cũng còn khá nhiều ánh mắt dị nghị, vậy nên khách hàng đến với anh rất ít. Hơn nữa, mọi người vẫn còn nhìn anh với nhiều định kiến nên họ e ngại, dè chừng. Không những vậy, một số giang hồ sau khi biết anh Học trở về và có cửa hàng nho nhỏ đã tìm đến để “hỏi thăm” khiến anh nhiều lần phải chạy trốn.
Cuộc sống khó khăn với những định kiến là vật cản lớn trên bước đường hoàn lương của anh Học, đã nhiều lúc anh thấy mệt mỏi. May mắn thay, thời điểm khó khăn nhất thì anh đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình, đó là chị Phạm Ngọc Dung (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) khi ấy đang bán vé số ở cổng bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Những ngày đầu sống chung cùng nhau dưới căn nhà xập xệ mà bố mẹ anh Học để lại, anh Học cùng chị Dung đã phải rất chật vật lo kinh tế để trang trải cuộc sống. “Mới ra tù, không có nhiều vốn, khó khăn lắm tôi mới vay mượn đủ tiền để mở cửa hàng xăm hình. Có thêm Dung ở bên, chúng tôi cùng nương vào nhau vượt qua mọi gian khó”, anh Học chia sẻ.
Dù không trải qua trường lớp đào tạo xăm hình bài bản, nhưng nhờ tính cẩn thận, tỉ mỉ nên tiệm xăm của anh ngày càng đông khách và lấy được sự uy tín của khách hàng.
Về phía gia đình nhỏ của mình, từ ngày có chị Dung làm bạn đồng hành trong cuộc sống, anh Học chỉ nghĩ đến việc kiếm thật nhiều tiền để nuôi vợ. Rồi đến khi chị Dung có tin vui anh lại càng chăm chỉ làm việc hơn. Ngày làm, đêm anh lại tranh thủ đi học để biết thêm nhiều mẫu hình xăm mới phục vụ khách. Khi tay nghề đã chắc, anh nhận học viên, trong số hơn 60 học viên của anh có những người đã từng có quá khứ đen tối giống anh.
Trần Quang Học hạnh phúc bên vợ. |
Với gia đình nhỏ, anh Học là một người đàn ông mẫu mực, luôn quan tâm chăm sóc yêu thương vợ con. Với anh, chính nhờ tình yêu của vợ mà anh có được ngày hôm nay. Anh luôn cảm thấy may mắn khi có vợ ở bên, làm hậu phương vững chắc giúp anh phát triển kinh tế và bên cạnh đó, anh còn học được cách tiết chế cảm xúc của mình, hòa nhã với khách hàng và không do dự nói với mọi người “tôi đã hoàn lương”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL ông Đoàn Huy Lai, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Trần Quang Học có một quá khứ đen, ai ở trong tổ cũng biết. Thế nhưng, Học đã làm lại được cuộc đời mình và nhất là từ khi có vợ, Học đã đoạn tuyệt được với đám bạn xấu. Hiện tại, Học vẫn là một người thợ xăm có tiếng, đã có được một căn nhà khang trang, cùng vợ và các con xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình”. |
Hoàng Bích - Mai Hằng