Nhiều năm họ chìm đắm trong làn khói trắng, ma túy đã lấy đi của họ tuổi thanh xuân, hạnh phúc, niềm tin của gia đình. Những tưởng cánh cửa tương lai đã đóng lại, nhưng khi nhìn thấy giọt nước mắt của mẹ, của vợ lặng lẽ trong đêm, họ đã tỉnh ngộ và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Tuổi trẻ lầm lỡ...
Bước qua những lầm lỡ trong quá khứ, anh Trần Lê Tuấn (SN 1979, Hà Nội) đã trở thành chuyên viên tâm lý, tư vấn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khác cai nghiện.
Anh Trần Lê Tuấn đã tự tin nói với mọi người: “Trước đây tôi là một con nghiện”. |
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, anh Tuấn trải lòng về tuổi trẻ với những ngày sống phụ thuộc vào “nàng tiên nâu”: “Ngay khi vừa học cấp 3 (hệ THPT- PV) tôi đã bị bạn bè rủ rê, lôi kéo sử dụng chất gây nghiện. Ngày đó tôi không hiểu gì về ma túy nên sự tò mò cộng với tâm lý muốn thể hiện mình của tuổi mới lớn khiến tôi dấn thân theo nhóm bạn xấu và nghiện lúc nào không hay.
Thời gian đầu, bố mẹ chưa biết, nên mỗi khi tôi xin tiền học, tiền mua quần áo vẫn cho đều, thậm chí còn cho thêm. Chỉ khi, thấy số tiền tôi xin ngày một nhiều lên, bố mẹ mới bắt đầu nghi ngờ, rồi tá hỏa đi tìm sự thật. Khi đó, tôi đã nghiện được 4 năm”.
Chứng kiến con trai trong cơn vật vã vì “đói thuốc”, bố mẹ đã đưa Tuấn tới trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, khi được ra khỏi trung tâm, trở về với cuộc sống, Tuấn lại tái nghiện. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, Tuấn mượn của bạn bè, người thân, mượn nhiều mà không có tiền trả khiến họ dần xa lánh anh, coi anh như một thứ dịch bệnh. Rồi Tuấn lang bạt khắp nơi để tìm thuốc. Cứ thế, anh ngày càng lún sâu vào vũng bùn lầy của “cơn lốc trắng”.
“Mẹ nhiều lần khóc lóc, van xin tôi từ bỏ ma túy, tôi cũng hàng chục lần quỳ gối trước bàn thờ tổ tiên thề sẽ cai nghiện, nhưng bất thành. Từ năm 2006 đến năm 2015, tôi ra vào không biết bao nhiêu trung tâm cai nghiện. Lần nào cũng vậy, cứ ra khỏi trung tâm, được vài tháng thì “ngựa quen đường cũ”, tôi cứ mặc nhiên để cho “nàng tiên nâu” đeo bám lấy cuộc đời mình.
Năm 2013, tôi có tình cảm với một cô gái, tôi giấu cô ấy chuyện nghiện ma túy. Nhưng “giấy không gói được lửa”, cô ấy phát hiện ra mọi chuyện sau khi chúng tôi kết hôn không lâu, cô ấy nói với tôi: “Tôi không muốn sống cùng thằng nghiện” và thế là chúng tôi ly hôn.
Đau khổ, tuyệt vọng vì mất đi hạnh phúc khiến tôi thức tỉnh và quyết tâm thoát nghiện. Gia đình đưa tôi đến trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho Người nghiện ma túy và lần này tôi đã hoàn toàn dứt khỏi “nàng tiên nâu”...”, anh Tuấn tâm sự.
Cũng giống như anh Tuấn, anh Nguyễn Hồng Nam (SN 1982, tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) lạc bước đến với ma túy từ năm 19 tuổi. Học xong cấp 3, anh Nam theo bố mẹ đi buôn bán. Nhà vốn giáp biên giới nên anh thường xuyên lái xe đi chơi xa cùng một số bạn bè.
Anh Nguyễn Hồng Nam thấy cuộc đời mình còn nhiều may mắn. |
Anh Nam kể: “Đi đường đèo rất nguy hiểm nên luôn phải giữ cho mình thật tỉnh táo, khi ấy bạn bè bảo tôi sử dụng thuốc phiện đen, một tuần hai lần thì mới chắc tay lái được. Thế là tôi “làm bạn” với chất gây nghiện từ đó, rồi thành kẻ nghiện ngập lúc nào không hay. Ba năm sau, khi không có loại thuốc đó là tôi vật vã, lên cơn. Tôi điên cuồng tìm, mua thuốc để thỏa mãn cơn nghiện của mình”.
Mỗi khi lên cơn vì thiếu thuốc, Nam ném hết đồ đạc trong gia đình. Bố mẹ anh mỗi lần nhìn con quằn quại vừa thương vừa giận. Sau nhiều lần thuyết phục của gia đình, cuối cùng anh Nam đồng ý tự cai nghiện. Thời điểm đó, cũi sắt, xích chân cũng khó khống chế được cơn nghiện. Cả gia đình anh lao đao, mẹ anh khóc cạn nước mắt vì tuyệt vọng.
Gian nan hành trình thoát nghiện
Chân rớm máu, cơ thể ngày càng gầy gò ốm yếu không còn sức đi tìm thuốc, rồi tiếng khóc, tiếng thở dài của đấng sinh thành khiến anh Nam thấy mình không thể cứ trượt dài trong những cơn nghiện. Nhờ quyết tâm và những lời động viên, chăm sóc của gia đình, anh Nam đã cắt được cơn nghiện.
Sau 17 tháng không thấy những cơn vật vã quay lại, anh và gia đình rơi nước mắt vì hạnh phúc, anh Nam kể: “Khi cắt cơn nghiện, tôi học và làm quản lý khách sạn của gia đình. Rồi tôi có tình cảm đặc biệt với cô lễ tân trong khách sạn. Biết tôi từng nghiện ma túy, nhưng cô ấy chỉ nghĩ đơn thuần rằng “bệnh” ấy sẽ không bao giờ tái phát nữa. Rồi chúng tôi làm đám cưới. Hai năm sau đó tôi hoàn toàn thoát khỏi ma túy. Nhưng khi đưa vợ đi sinh đứa con đầu lòng, tôi gặp lại bạn cũ, vậy là tái nghiện và lại thành con nghiện”.
Nói đến đây, Nam bỗng lặng người, anh bảo nếu không có vợ chắc cuộc đời anh đã không được như ngày hôm nay. Để cai nghiện cho người tái nghiện là hành trình gian nan hơn nhiều so với lần cai nghiện đầu. Những ngày tự giam mình trong cũi sắt để cắt cơn, anh Nam luôn có vợ bên cạnh, chăm sóc chu đáo, tiếp thêm sức mạnh, đồng hành cùng chồng. Rồi chính vợ anh là người đã tìm đến trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy, đăng ký cho anh cai nghiện.
Tuy nhiên, ở Trung tâm được vài hôm anh lại tìm cách trốn về nhà. Khi đó, gia đình gần như buông bỏ, vợ anh ôm con mếu máo: “Nếu anh không bỏ được ma túy thì không thể làm người được”, Nam như giật mình tỉnh giấc. Anh lấy điện thoại gọi điện cho Giám đốc trung tâm và muốn được thử thách thêm lần nữa. Hơn 3 tháng sau, anh Nam cắt được cơn nghiện, anh bản lĩnh hơn, không còn sợ hãi mỗi khi nghĩ đến ma túy.
“Có lúc vợ tôi vì giận quá nên đã làm đơn ra tòa, nhưng vì thương con, thương chồng nên lại thôi, vợ luôn đồng hành cùng tôi mọi lúc mọi nơi. Tôi hiểu ra, ma túy đã gây ra không ít tổn thương và tước đi của tôi quá nhiều thứ. Từ đó, tôi quyết tâm trở thành người tốt, có ích cho xã hội bằng cách mang tiếng nói của mình đi giúp đỡ những người đang lầm đường lạc lối. Ngoài làm việc ở trung tâm, tôi cùng vợ mở công ty vận tải, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi dần lấy lại được niềm tin yêu của gia đình, bạn bè. Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng bản thân, tôi thi vào đại học”, anh Nam kể.
Còn đối với anh Trần Lê Tuấn, sau nhiều năm học tập, nghiên cứu tài liệu, cộng với sự trải nghiệm của bản thân, giờ đây anh đã trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý cho người nghiện tại một trung tâm cai nghiện.
Anh cũng không ngần ngại đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, đến những trung tâm cai nghiện để nói với họ rằng: “Tôi đã từng là một thằng nghiện, gia đình tôi đã phải đau đớn, khổ sở vì ma túy, nhưng nhờ sự quyết tâm, tôi đã làm lại cuộc đời. Tôi chỉ mong, những người nghiện sau khi trở về sẽ được gia đình, xã hội đón nhận và cho họ “vốn niềm tin” để bước đến tương lai tươi sáng”.
Dừng lại câu chuyện về một thời tuổi trẻ lầm lỡ, anh Nam, anh Tuấn hồ hởi kể về công việc, những hoạt động họ đã và đang làm để góp phần kéo những người nghiện ra khỏi sự ám ảnh của ma túy. Hơn ai hết, họ hiểu, để thoát ra khỏi “vũng bùn” nghiện ngập là điều không dễ dàng, cần có sự động viên, giúp đỡ, tạo cơ hội của cả cộng đồng...
Niềm tin sẽ tạo nên tất cả Trao đổi với PV, bà Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy cho biết: “Cả Nam và Tuấn là những người đã một thời lầm lỡ, thậm chí họ lún sâu vào các tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi hiểu ra được giá trị của cuộc sống, họ đã cố gắng học, tìm hiểu sâu hơn những kiến thức về sự hủy diệt của ma túy. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, giờ đây họ đã trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý cho người nghiện, giúp rất nhiều bạn trẻ thoát nghiện và làm lại cuộc đời”. |
Mai Hằng - Hoàng Bích