Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và tỉnh Bình Định (27,7km), tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp gần 14.500 tỷ đồng.
Ngày 30/7, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về tiến độ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực để hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến chính, ổn định tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, hiện nay dự án vẫn còn các vướng mắc do việc di dời hạ tầng ra khỏi mặt bằng đã quy hoạch cho dự án còn chậm. Cụ thể, trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hiện còn 26 vị trí đang vướng công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, trạm phát sóng, dây cáp viễn thông và hệ thống nước sạch); trong đó, huyện Tư Nghĩa 13 vị trí, Nghĩa Hành 8 vị trí, Mộ Đức 1 và thị xã Đức Phổ 4 vị trí.
Đối với công tác di dời hạ tầng trong phạm vi quy hoạch dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi đạt 90% khối lượng. Cụ thể, dự án đã hoàn thành công tác di dời toàn bộ 8 tuyến đường dây cao thế 220kV và 110kV và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 2. Đã di dời 133/135 vị trí cột đường dây trung thế, 299/456 vị trí cột đường dây hạ thế, 1/2 trạm BTS, 210/274 vị trí cột viễn thông, 2/5 vị trí nước sạch.
"Hiện tại còn một số công trình công cộng di dời chậm là do một số vị trí di dời có tính chất phức tạp, như cáp ngầm cắt ngang nhà ở của người dân; một số vị trí di dời nằm trong phạm vi diện tích điều chỉnh, bổ sung cọc mốc giải phóng mặt bằng, nên chưa thể tổ chức thi công di dời", đại diện Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh.
Cũng theo Tập đoàn Đèo Cả, hiện nay toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua huyện Tư Nghĩa có 8/13 vị trí, huyện Nghĩa Hành có 7/8 vị trí, TX.Đức Phổ có 5 vị trí còn vướng mắc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.
Để phục vụ thi công, nhà thầu đã huy động phương tiện, máy móc cùng nhiều nhân công đến công trường nhưng vẫn chưa biết khi nào trạm BTS được di dời để tiến hành thi công hoàn thiện nền đường trên tuyến.
Dọc theo đoạn tuyến qua Km7 vẫn còn nhiều đường dây điện dân sinh và dây 0,4kV tồn tại. Đại diện nhà thầu cho biết do đường dây điện còn chưa được di dời nên quá trình thi công đã quán triệt các đơn vị vận chuyển vật liệu, thi công trên công trình phải hết sức thận trọng, tránh va chạm dễ phát sinh chập điện gây nguy hiểm cho cán bộ, công nhân trên công trường.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn chưa đến 2 tháng là bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, khi đó rất khó khăn thi công phần đắp đất nền đường.
Điều kiện tiên quyết đến tiến độ của dự án là phải hoàn thành phần nền đường và các công trình thoát nước, đảm bảo thoát lũ trong mùa mưa. Hiện việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường điện trung thế, hạ thế, đường dây viễn thông còn chậm, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn trong thương lượng chi phí đền bù mỏ vật liệu và đường tiếp cận khai thác; người dân ngăn cản việc lu nền đường đoạn Km39+210 thuộc Thôn Phước Lợi, xã Phổ Nhơn; cản trở thi công khi nhà thầu tăng xe, tăng ca vận chuyển vật liệu phục vụ dự án (đường vào mỏ cát Thuận Hòa, xã Đức Hiệp, Mộ Đức; mỏ đất Dốc Cộ và mỏ đất Dốc Cao, Tổ dân phố Thanh Lâm, Phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ.
Đồng thời, nhiều đoạn tuyến từ các mỏ vật liệu về công trường trên cung đường địa phương nhỏ, hạn chế tải trọng nên khối lượng vật liệu đắp chưa đạt so với kế hoạch đặt ra.
Về vấn đề này, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho biết, do dự án mới tiếp cận được mặt bằng, nên có nhiều vị trí chưa đảm bảo đủ thời gian để thực hiện thi công di dời, nhất là các vị trí cáp ngầm cắt ngang qua vị trí nhà ở của hộ dân.
Đồng thời, có một số vị trí di dời nằm trong phạm vi diện tích điều chỉnh, bổ sung cọc giải phóng mặt bằng, nhất là các vị trí mở rộng ranh giới đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nên chưa thể tổ chức triển khai thi công.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương cấp xã tập trung, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các vị trí công trình công cộng còn lại để triển khai thi công hoàn thành công tác di dời theo kế hoạch đề ra.