Ngày 19/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh VGP/Hoàng Long. |
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết buổi tọa đàm này với trọng tâm là góp ý về phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào phát triển kinh tế.
Góp ý cho văn kiện của Đảng, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bởi chưa chú ý đúng mức đến vấn đề phát triển KHCN.
Để hạn chế nguy cơ tụt hậu, cần tập trung đầu tư cho KHCN, nhân lực chất lượng cao, phát triển chương trình khởi nghiệp quốc gia và coi đây như là một nhiệm vụ then chốt được nêu trong văn kiện. Trong mô hình tăng trưởng tới đây, ở định hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa cần nhấn mạnh hơn khía cạnh hiện đại hóa. Ngoài ra, cần có giải pháp để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đồng thời tận dụng thật tốt các cơ hội hội nhập quốc tế. Do đó, chúng ta phải có năng lực lớn và văn kiện phải chỉ ra được vấn đề này.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, KHCN ở nước ta đang dựa quá nhiều vào Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế hội nhập quốc tế. "Chúng ta mới chỉ chú ý đến hội nhập thương mại, đầu tư mà chưa quan tâm đến hội nhập KHCN, trong khi đây mới là động lực để chúng ta phát triển nhanh, bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình" - ông Tuấn nói.
Ý kiến của nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng cho rằng, không phải doanh nghiệp không mặn mà với công nghệ, ngược lại rất quan tâm. Nhưng doanh nghiệp chỉ quan tâm đến công nghệ thực sự tạo ra hiệu quả ngay, chứ không quan tâm đến công nghệ nguồn, bởi đầu tư công nghệ nguồn là việc của Nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà khoa học và các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp chưa mặn mà với KHCN và chưa tạo ra được thành quả có hàm lượng KHCN vì không có động lực.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng để hình thành chuỗi sản xuất giá trị cao, công nghệ phải là linh hồn. Hơn nữa, doanh nghiệp phải là trung tâm, doanh nhân là nhà tổ chức. Nhà nước đứng bên cạnh để hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà khoa học. Nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu trên bàn giấy, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp thì không thể hiệu quả. Do đó, phải thay đổi cách làm, phải để doanh nghiệp nghiên cứu và sáng tạo KHCN.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH&CN đã xác định KHCN Việt Nam đang hướng tới 3 nội dung đó là hướng tới thị trường, hướng đến doanh nghiệp và hướng đến hiệu quả.
KHCN phải hướng đến thị trường, tức là nghiên cứu những gì mà thị trường cần, phải lựa chọn được người làm tốt nhất cho dự án. Cùng với đó, phải thực hiện được nguyên tắc người làm nhiều hưởng nhiều, để nhà khoa học phải sống được bằng chất xám của mình. Những nhà khoa học đóng góp nhiều cho đất nước phải được hưởng quyền lợi nhiều hơn và ở đây không được có sự cào bằng.
KHCN phải hướng đến doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là cầu của thị trường KHCN và cũng là nguồn đầu tư chính cho lĩnh vực này. Ngân sách nhà nước không thể bảo đảm cho phát triển KHCN, do đó, cần phải huy động sự tham gia của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư cho KHCN.
Thừa nhận tình trạng doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng do thiếu thông tin, doanh nghiệp không biết các nhà khoa học trong nước đã tạo ra ứng dụng gì, có chất lượng hay không nên đành mua công nghệ của nước ngoài cho “chắc ăn”. Hơn nữa, do chưa nuôi dưỡng được nguồn thu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư cho KHCN. Doanh nghiệp cũng chưa hào hứng trong việc lập quỹ đầu tư cho khoa học công nghệ vì thủ tục quá nhiêu khê, phức tạp, cứng nhắc, không có lợi, không khuyến khích được doanh nghiệp...
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, càng hội nhập sâu, nhất là tham gia TPP thì càng phải đầu tư cho KHCN và phải thực sự coi đó là quốc sách. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm, hướng tới lợi ích lâu dài thay vì lợi ích trước mắt.
Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Kết luận tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, năng lực, trí tuệ Việt Nam luôn tỏa sáng qua mọi thời kỳ, những thành tựu KHCN mà các thế hệ nhà khoa học Việt Nam đã đạt được là rất quan trọng.
Từ những trăn trở của các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng khát vọng phát triển đất nước của mỗi người Việt Nam là vô cùng to lớn. Mọi sự sáng tạo, nghiên cứu đều với mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự đi lên của đất nước.
Qua tọa đàm cho thấy, để phát triển KHCN, cần phải đổi mới về thể chế, có cơ chế đầu tư đúng mức để gắn kết các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong phát triển KHCN.
“Chúng tôi trân trọng những ý kiến tâm huyết này để góp phần hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng nhằm đáp ứng mong mỏi của giới khoa học, doanh nghiệp và nhân dân”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo Chinhphu.vn