Diễn viên Nguyễn Hoàng qua đời ở tuổi 50 sau 2 năm chống chọi với căn bệnh tai biến mạch máu não. Vậy căn bệnh này có nguy hiểm không, có cách nào phòng ngừa được bệnh?
Mới đây, thông tin nam diễn viên Nguyễn Hoàng qua đời sau 2 năm chống chọi với căn bạo bệnh tai biến khiến nhiều người ngỡ ngàng. Theo đó,vào hồi 22h20 ngày 17/11 nam diễn viên qua đời ở tuổi 50.
Được biết, tháng 11/2015, diễn viên Nguyễn Hoàng vào cấp cứu tại bệnh viện 115 vì cơn tai biến mạch máu não nặng. Bác sĩ chẩn đoán anh bị phù não.
Sau đó, anh nhiều lần vào ra bệnh viện vì căn bệnh này. Tháng 10/2016, chị gái và em trai quyết định đưa Nguyễn Hoàng về quê ở Long An để tiện điều trị và chăm sóc vì sức khoẻ có phần ổn hơn. Vợ và con trai của anh ở lại TP.HCM.
Tháng 4/2017, sức khoẻ của Nguyễn Hoàng ngày càng yếu dần. Chỉ trong 2 tháng, gia đình đã đưa nam diễn viên cấp cứu tại 2 bệnh viện ở TP.HCM vì chứng vôi hóa và viêm phổi dẫn đến suy hô hấp. Sau khi được bác sĩ cấp cứu kịp thời, anh qua khỏi cơn nguy kịch nhưng không có dấu hiệu phục hồi. Ít lâu sau, Nguyễn Hoàng được người thân đưa về quê nhà ở Long An để chữa trị tiếp.
Từ đó đến nay, Nguyễn Hoàng chỉ nằm bất động, thường xuyên nhắm mắt và thở thoi thóp. Mỗi ngày, anh được bơm sữa hai lần qua ống.
Căn bệnh khiến nam diễn viên gục ngã khá nguy hiểm, bệnh tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ.
Nhà báo Thanh Hiệp chia sẻ thông tin nam diễn viên Nguyễn Hoàng qua đời sau 2 năm chống chọi với căn bệnh tai biến. |
Bệnh tai biến mạch máu não có nguy hiển không?
Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: Thực chất, đột quỵ và tai biến mạch máu não là tên gọi của cùng một bệnh. Đây là 2 cụm từ để chỉ tình trạng bệnh lý cấp tính gây ra bởi sự thiếu máu đột ngột của toàn bộ hay một phần não bộ. Khi thiếu máu ở vùng này, màng ôxy và chất dinh dưỡng nuôi não sẽ không đến được các tế bào não, khiến cho các tế bào não sẽ chết đi. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tri thức, vận động và cảm giác của những vùng cơ thể do phần não bị tổn thương chi phối, khiến một bộ phận cơ thể bị tê, yếu, liệt nửa người hoặc hôn mê và có thể tử vong do máu tràn vào não thất với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não).
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não tử vong trong vòng 1 tháng, gần 10% số bệnh nhân còn lại tử vong trong vòng 1 năm; khoảng 10% phục hồi không di chứng; 30% có thể tự đi lại phục vụ bản thân; 25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt và gần 25% phải nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác. Trong số những người may mắn thoát khỏi “lưới hái tử thần” thì phải đối mặt với nhiều di chứng của bệnh tai biến mạch máu não là các rối loạn chức năng kèm theo như:
Rối loạn về ngôn ngữ: nói ngọng, nói khó, miệng méo.
Rối loạn thị giác: mắt mờ, thị giác sụt giảm.
Rối loạn cảm giác: tê bì hoặc mất cảm giác nửa người hoặc toàn thân.
Rối loạn nhận thức: suy giảm trí nhớ, không nhận biết được không gian, thời gian, người thân hay chính bản thân mình.
Rối loạn cơ tròn: tiểu tiện không tự chủ.
Sau đó là các biến chứng lâu dài do liệt nửa người gây ra như (loét do tì đè, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, teo cơ, co rút cơ…) ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, có thể khiến cho bệnh nhân tàn tật suốt đời nếu không được phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não đúng cách. Chưa kể chi phí điều trị và nguy cơ tái phát bệnh là rất cao. Điều đó làm gia tăng gánh nặng lên người bệnh, gia đình và toàn xã hội.
Nam diễn viên Nguyễn Hoàng tiều tuỵ sau 2 năm chống chọi với căn bệnh tai biến mạch máu não. |
Làm thế nào để phát hiện bệnh tai biến mạch máu não?
Một số triệu chứng đột quỵ não thường gặp là: mắt nhìn mờ, nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt hay có cảm giác nặng tay chân, hoặc yếu đột ngột ở nửa người, nửa mặt, nói khó, đau đầu dữ dội hoặc chóng mặt, mất thăng bằng… thì nên khẩn trương gọi xe cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Trong lúc chờ xe cấp cứu, người nhà bênh nhân cần cấp cứu đột quỵ não như sau:
Đầu tiên là tránh cho bệnh nhân bị té ngã, vì té ngã có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Nên để nạn nhân nằm nghiêng qua một bên, cho ói hết thức ăn, móc hết đàm nhớt trong họng để người bệnh dễ thở.
Lưu ý, người nhà không tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp nếu không có chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là không nên cạo gió, cắt lể…
Với những trường hợp nặng, cơ sở y tế ở xa thì việc chuyển người bệnh cũng cần phải cân nhắc. Tốt nhất là nên gọi xe cứu thương.
Các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ hạn chế được tử vong hay di chứng liệt nặng, tàn phế do đột quỵ não gây nên.
Cách phòng tránh tai biến mạch máu não?
Do diễn biến nhanh, nguy cơ gây tử vong cao nên việc chủ động phòng chống đột quỵ tai biến từ sớm là rất quan trọng. Để phòng bệnh, bạn nên:
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ tai biến như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì… và điều trị triệt để theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thay đổi lối sống tích cực: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh (ăn nhiều trái cây, rau, cá, ngũ cốc, phẩm sữa ít chất béo, tránh những thức ăn quá mặn, quá ngọt, nhiều chất béo; vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe…); tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; luôn giữ tinh thần vui tươi, thoải mái, đồng thời hạn chế rượu bia và loại bỏ thuốc lá.
Chủ động chăm sóc não, bảo vệ tế bào thần kinh và mạch máu: Đây được xem là phương pháp bền vững dự phòng nguy cơ đột quỵ não xảy ra.
Mỹ An (T/h)