+Aa-
    Zalo

    Cảm động phòng khám 0 đồng giữa lòng thủ đô

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại căn phòng đặc biệt,các bác sĩ đều đã có tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng ai cũng vui vẻ khám, cấp thuốc miễn phí cho người bệnh.

    Tại căn phòng đặc biệt,các bác sĩ đều đã có tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng ai cũng vui vẻ khám, cấp thuốc miễn phí cho người bệnh.

    Bà Trương Thị Hội Tố kiểm tra, phân loại thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Ảnh: Báo Nhân Dân

    Sáng sớm thứ 2 hàng tuần, bà Trương Thị Hội Tố (87 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) lại đi từ nhà ở đường Nguyễn Viết Xuân đến “phòng khám” miễn phí tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội).

    Phòng khám miễn phí cho người dân này được bà Tố cùng những người bạn cao tuổi lập ra đến nay đã tròn 27 năm, đã giúp đỡ và mang lại niềm vui, sức khoẻ cho hàng nghìn người.

    Bà Tố từng là Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Nam Ðịnh. Về hưu năm 1992, nhận được vô số lời mời đi làm của các phòng khám tư nhân, nhưng bà đều từ chối.

    Chia sẻ về ý tưởng mở phòng khám miễn phí, bà Tố trải lòng, xuất phát từ những lần bà đạp xe hàng chục cây số đến các vùng ngoại thành để khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần như vậy, bà có dịp đến gần các bệnh nhân hơn, cảm nhận được sự khốn khổ của những người khi mắc phải bệnh tật...cũng kể từ đó bà ao ước mở phòng khám từ thiện.

    Sau đó, bà đã bàn với bà Nguyễn Thị Sóc, cũng là cán bộ y tế về hưu mở một phòng khám cố định ở phường Giáp Bát. Thời gian đầu, khi chưa nhiều người biết đến, để có thuốc điều trị miễn phí cho người bệnh, bà phải tự bỏ tiền lương hưu ra mua.

    Cảm phục tấm lòng của hai bà, các bác sĩ về hưu khác cũng đến chung tay xây dựng, phòng khám nhờ thế được nhiều người biết đến hơn.

    Có thời điểm, phòng khám thiếu người trầm trọng, bà Tố chợt nhớ ra bác sĩ Nguyễn Văn Ðức, đồng nghiệp cũ của bà từng công tác tại Nam Ðịnh. Sau nhiều ngày hỏi han, tìm kiếm, biết ông Ðức đã lên Hà Nội sinh sống ở phường Giáp Bát, bà liền mời ông Ðức cùng tham gia.

    Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà Tố luôn có mặt đúng giờ ở phòng khám, bất chấp những khó khăn về thời tiết, mưa to, gió lớn, tuổi cao, chân đau vì thấp khớp. 

    Bà Tố tâm sự: “Dù thế nào tôi cũng phải đến đấy, vì không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu? Ra đây tôi thấy vui, khoẻ và có ích lắm, lúc nào không ra là thấy nhớ”.

    Là một bác sĩ, vợ một liệt sĩ, bà Tố luôn tâm huyết với các hoạt động xã hội. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của phòng khám miễn phí tại phường Giáp Bát, bà luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Hằng năm, bà đều trích lương hưu ủng hộ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của mình, bà Tố đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018.

    “Tôi và các đồng nghiệp ở đây lo rằng, một ngày kia, tất cả đều không cưỡng lại được số mệnh, phòng khám chưa có người kế cận, sợ sẽ phải đóng cửa. Lúc đó lấy ai giúp đỡ bệnh nhân nghèo? Thực sự rất day dứt. Chúng tôi chỉ mong muốn những bác sĩ về hưu rồi hãy ra đây tiếp bước chúng tôi để duy trì phòng khám”, bà Tố trăn trở.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-phong-kham-0-dong-giua-long-thu-do-a313314.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan