+Aa-
    Zalo

    Cảm động cậu bé không tay học giỏi biết tự đạp xe đến trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Khác với những đứa trẻ bình thường, Hạnh vừa bú mẹ vừa đưa chân lên kẹp vào vú bên kia, rồi khi tập bò, Hạnh trườn như một con sâu đo.

    (ĐSPL) – Đến ấp 2, xã Gia Canh, Định Quán - Đồng Nai hỏi học sinh Hồ Hữu Hạnh không ai không biết. Người dân nơi đây vẫn nhắc đến em với sự cảm phục và một tình yêu thương nồng ấm.

    Cảm động mơ ước giản đơn của cậu bé

    Chị Bùi Thị Hợp mẹ của bé Hạnh rơm rớm nước mắt khi kể về quá trình mang thai em. Cả ba lần siêu âm thai chị đều nhận được kết luận là “thai nhi không bình thường”, mà không giải thích gì thêm. Gần một tháng sau khi sinh chị Hợp vẫn không hề biết con mình không có tay, mọi sinh hoạt của chị và bé đã có bà ngoại và chồng chị - anh Hồ Hữu Thân lo.

    Cho đến một hôm chồng chị đi vắng, một mình chị Hợp loay hoay thay tã cho con, kéo tấm vải quấn trên người con, chị giật mình hét lên một tiếng rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, chị như người mất hồn, chị không tin vào mắt mình, lúc này chị mới nhớ lại khuôn mặt biến sắc của vị bác sĩ siêu âm và những tiếng sụt sịt của chồng trong bệnh viện mà lúc đó chị cứ nghĩ anh bị cảm. Chị đã khóc rất nhiều, chị thương mình, thương cho đứa con tội nghiệp.

    Chị Hợp nghẹn ngào nói về ý nghĩa tên con, chị đặt tên con là Hạnh vì chị thấy cháu bất hạnh quá. Khác với những đứa trẻ bình thường, Hạnh vừa bú mẹ vừa đưa chân lên kẹp vào vú bên kia, rồi khi tập bò, Hạnh trườn như một con sâu đo. Vất vả nhất là lúc tắm cho cháu, tôi cứ sợ tuột tay vì người cháu trơn tuồn tuột không có điểm tựa. Rồi những đêm nằm ngủ Hạnh cứ rúc đầu váo nách rất nhột.

    Cảm động mơ ước giản đơn của cậu bé

    Khi em đến tuổi đi học, bố mẹ không cho con đi vì nghĩ không có tay nên không viết được chữ. Nhưng Hạnh đâu từ bỏ ước mơ, em vẫn mong rằng mình có một tuổi thơ như các bạn được đến lớp, đến trường. Bị từ chối lần thứ nhất, em lại nài nỉ cha mẹ xin lần nữa. Sự quyết tâm của Hạnh cuối cùng đã khiến trường tiểu học Kim Đồng (Định Canh, Định Quán) chấp nhận cậu học trò đặc biệt. Và càng đặc biệt hơn khi ngay năm học đầu tiên Hạnh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và viết chữ rất đẹp.

    Ở lớp em được bạn bè gọi với biệt danh thân thương là “chim cánh cụt”. Hạnh chia sẻ, em cũng thích cái tên đó và em cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi có thầy cô bạn bè.

    Cậu bé cứ lớn dần lên, mọi sinh hoạt em đều tự mình làm được như tắm rửa, chải đầu, ăn uống mà không phiền đến cha mẹ. Hạnh còn giúp bố mẹ chỉ bảo cho em học hành và cùng anh chị em phụ giúp những việc trong gia đình như quét nhà, rửa chén, nhổ cỏ rau ngoài ruộng…

    Dù em không có đôi tay nhưng ước mơ hoài bão của em thật lớn lao. Em mong muốn sẽ trở thành một kỹ sư tin học. Một ước mơ đáng quý và đáng trân trọng biết bao. Bố mẹ em cũng đã rơi nước mắt khi thấy con ngày đêm luyện chữ với đôi chân của mình. Mẹ em càng đau lòng hơn khi thấy em tập xe đạp, nhưng sau vài tuần em đã có thể chở cả em gái đến lớp.

    Vì khuyết đôi tay nên Hạnh luôn cố gắng tập cho đôi chân càng ngày càng nhanh nhẹn và làm được nhiều việc trước sự ngỡ ngàng của gia đình và hàng xóm. Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa trong xóm, những ngày cuối tuần cậu cùng những người bạn mình đi bắt cua, cá ngoài đồng. Hạnh nói “không có đôi tay thì mình làm việc bằng đôi chân để thay thế, có sao đâu”. Đối với Hạnh là thế, hàng ngày cậu vẫn vui vẻ, không vì không có đôi tay mà cậu tự ti với bạn bè, nhưng đối chúng tôi, với bạn bè Hạnh luôn là một tấm gương để mọi người noi theo.

    Độc giả quan tâm có thể liên lạc với em qua địa chỉ:

    Em Hồ Hữu Hạnh

    Ấp 2, xã Gia Canh, Định Quán- Đồng Nai

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-cau-be-khong-tay-hoc-gioi-biet-tu-dap-xe-den-truong-a45993.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan