8 người đi cấp cứu, nghi ngộ độc do ăn nấm
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, chiều 22/11, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí - Phó phòng khám Quân dân y A (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra sự việc nghi ngộ độc nấm rừng, khiến 8 người phải cấp cứu.
Trước đó, ngày 21/11, 2 người dân thôn A Râng (xã A Xan) đi rừng hái nấm. Sau đó đến 15h30 cùng ngày, 2 người này về nhà và nấu canh nấm cho 6 người khác cùng ăn.
Sau gần một giờ, cả 8 người ăn nấm đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, mất ý thức, buồn nôn, đau bụng dữ dội nên được đưa đến Phòng khám Quân dân y A Xan cấp cứu.
Bác sĩ phòng khám Quân dân y A Xan đã tích cực cấp cứu cho các bệnh nhân bằng cách súc rửa dạ dày, truyền dịch… Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí, sau hơn một giờ cấp cứu, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, 5 người sức khỏe tạm ổn định, 3 người đang tiếp tục theo dõi.
Sử dụng rượu và không tuân thủ điều trị, bệnh nhân đái tháo đường nhập viện
Theo VTV Times, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết Trung ương mới đây tiếp nhận một bệnh nhân đái tháo đường nhập viện trong tình trạng viêm tụy cấp do rượu. Cụ thể, bệnh nhân N.C.H. (37 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau nhiều vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng.
Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân đã mắc đái tháo đường type 2 được 5 năm, rối loạn mỡ máu, tăng men. Bệnh nhân đã từng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương tháng 2/2024, sau khi tái khám lại vào tháng 5/2024, đến nay bệnh nhân không tái khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào mà tự mua thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị.
Bệnh nhân thường xuyên sử dụng 500-1.000ml rượu/ngày trong nhiều năm. Cách nhập viện 1 ngày, bệnh nhân có liên hoan và sử dụng rượu.
Sau khi được các bác sĩ trực tiếp khám lâm sàng nhận định tình trạng bệnh, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đánh giá công thức máu, chức năng gan, thận, men tụy, đường máu, mỡ máu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm tụy cấp do rượu, đường huyết cao, tăng men gan.
Rượu, bia là những loại đồ uống có chứa cồn ethanol với nồng độ khác nhau nên khi uống quá nhiều sẽ gây độc cho cơ thể. Đặc biệt tại gan, 90 - 95% rượu được chuyển hóa để xử lý đào thải (còn lại rượu sẽ bài tiết qua thận, da, phổi), vì vậy đây là cơ quan chịu tác động lớn nhất những hậu quả do rượu gây ra như men gan tăng cao, viêm gan nhiễm độc, xơ gan, thậm chí ung thư gan nếu bệnh tiến triển.
Rượu cũng làm ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác, từ miệng, thực quản, dạ dày… nồng độ cồn cao gây kích ứng niêm mạc, viêm loét, chảy máu dạ dày, tăng nguy cơ ung thư tiêu hóa.
ThS.BS Bùi Mạnh Tiến ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trên nền bệnh nhân mắc đái tháo đường, không tuân thủ điều trị thì việc sử dụng rượu, bia lại càng nghiêm trọng. Việc tăng đường huyết cấp hoặc hạ đường huyết rất dễ xảy ra dẫn đến các biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường.
Cứu người phụ nữ bị ngộ độc thuốc nghiêm trọng
VietNamNet đưa tin, bà L.T.D (59 tuổi, trú tại TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) cấp cứu trong tình trạng giảm ý thức nặng và nhanh chóng chuyển sang hôn mê sâu.
Theo người nhà, bệnh nhân đang uống thuốc Amitriptyline theo kê đơn của bệnh viện chuyên khoa do mắc chứng trầm cảm. Khi gia đình phát hiện, người phụ nữ này đã trong tình trạng không tỉnh táo nên đã đưa đến bệnh viện.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngộ độc thuốc nghiêm trọng nên nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, kiểm soát co giật, rửa dạ dày và theo dõi điện tâm đồ liên tục.
Những giờ đầu điều trị, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn co giật mạnh và rối loạn nhịp tim nguy hiểm đe dọa tính mạng. Với các biện pháp cấp cứu tích cực, nữ bệnh nhân đã dần hồi phục và được xuất viện vào ngày 22/11. Khi tỉnh lại, người phụ nữ này tiết lộ đã tự uống gần hết 1 lọ Amitriptyline 10mg (khoảng 100 viên).
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đặc biệt lưu ý về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc điều trị trầm cảm đúng cách. Amitriptyline là loại thuốc kê đơn cần được sử dụng nghiêm ngặt theo chỉ định.
Gia đình có người thân mắc bệnh trầm cảm cần theo dõi chặt chẽ việc dùng thuốc để tránh những tình huống nguy hiểm do uống quá liều.