Bỏ chồng nghiện rượu thì lại gặp phải người chồng nghiện ma túy. Sau hai lần “sang sông” đầy giông bão, tưởng như cuộc đời đã rơi vào cơn bĩ cực, thế nhưng dù phải đứng đầu sóng ngọn gió họ vẫn mạnh mẽ bước tiếp để chăm lo cho con và làm việc thiện giúp người.
Những khuôn mặt ghi dấu gian truân
Gặp gỡ chị Phan Thị H. (52 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vào một buổi chiều trung tuần tháng Bảy tại bệnh viện K2 (Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nghe câu chuyện cuộc đời với 2 cuộc hôn nhân đầy nước mắt của chị. Những gian truân đã ghi dấu khắc khổ trên khuôn mặt và đêm dài khóc thương phận mình khiến đôi mắt chị mờ đi.
Chị H. kể về cuộc đời mình. |
Chị H. kể, năm 20 tuổi chị theo chồng về miền đất Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) để xây dựng kinh tế. Thế nhưng, chồng chị không chịu làm ăn, suốt ngày lao vào cờ bạc, rượu chè và đánh đập vợ. Khi đứa con chào đời, những tưởng chồng sẽ thay đổi, nhưng không ngờ anh ta ngày càng đối xử tệ bạc với vợ. Có lần trong cơn say anh ta lấy gạch đập vào đầu khiến chị phải đi viện khâu 7 mũi. Lần khác, khi đang ăn cơm, anh ta lấy nước canh hắt vào mặt chị.
“Không chỉ đánh đập vợ, anh ta còn cặp bồ khiến tôi đau đớn. Anh ta dẫn nhân tình về nhà với danh nghĩa “em họ”. Biết bao đêm tôi khóc vì cảnh “chung chồng”, nhiều người nói tôi ly hôn, nhưng vì các con, tôi âm thầm chịu đựng”, chị H. chia sẻ.
Chị H. cứ nghĩ, sống cam chịu, hy sinh vì các con sẽ khiến chồng mình suy nghĩ lại mà thay đổi. Nhưng không, anh ta đã tự lên kế hoạch để “hất” chị và các con ra khỏi nhà với đôi bàn tay trắng. Từ ngày đó, chị H. không chốn nương thân và phải đi thuê nhà. Chị làm đủ nghề để có tiền nuôi con, ban ngày chị đi nhặt ve chai, tối đến làm osin chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện K2.
Chị khóc: “Nhiều khi tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi nghĩ đến các con, tôi đành gắng gượng sống tiếp. Và rồi, khi cùng cực nhất, tôi gặp người đàn ông thứ hai của cuộc đời mình, anh ta kém tôi 5 tuổi. Cùng chung phận lỡ dở, những tưởng anh ta sẽ biết quý trọng hạnh phúc, thế nhưng sự chiều chuộng, chăm lo ban đầu của anh với tôi và các con tôi chỉ là màn kịch. Về sống chung tôi mới phát hiện anh ấy là một kẻ nghiện ma túy, và với anh, tôi chỉ là một công cụ kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiện”.
Khi phát hiện ra chồng nghiện nặng cũng là lúc chị H. đã mang thai. Và một lần nữa, bi kịch lại ập đến. Thai nghén khiến sức khỏe chị rất yếu, khi không làm ra tiền, chị bị chồng đánh đập thậm tệ. Suốt 13 năm làm vợ nhưng chị chỉ sống được cùng chồng 4 năm. Tránh chồng nghiện rượu lại gặp chồng nghiện ma túy, cuộc đời chị chỉ nhìn thấy một màu đen...
Cũng giống như chị Phan Thị H., cuộc đời chị Nguyễn Thị D. đầy nước mắt. Lấy chồng có 3 đứa con, cùng chồng vượt qua những ngày cơ cực, nhưng khi nhà có của ăn của để thì chồng chị lại sinh ra cờ bạc. Chồng chị đi đánh bạc thâu đêm, trắng tay mới trở về. Đến sổ đỏ, tài sản còn sót lại duy nhất sau nhiều canh bạc cũng bị anh ta mang đi cắm.
“Cứ thế, hai vợ chồng tôi sinh ra cãi vã, dành cho nhau những lời chua chát. Không thể nhìn mặt nhau cũng như sống chung một nhà, tôi ra đi với hai bàn tay trắng và nhận nuôi 2 đứa con. Một thời gian sau đó, tôi lại yêu và được yêu. Tuy nhiên, người đàn ông này có 4 người con, tôi chần chừ đi bước nữa bởi sợ cảnh con anh, con tôi. Nhưng anh ta khẳng định sẽ chăm lo cho mẹ con, vì thế tôi ưng thuận. Về sống với nhau anh ta dần bộc lộ rõ bản chất của mình”, chị D. xót xa kể lại.
Làm việc thiện để thanh thản hơn
Cuộc chiến con anh, con tôi bùng nổ khiến chị D. lại một lần nữa bước chân ra khỏi hôn nhân. Chị gửi con cho bố mẹ chăm sóc để ra Hà Nội kiếm việc làm. Ban đầu, chị xin bốc vác tại các bến xe, công việc quá nặng nhọc khiến chị muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, bên cạnh chị còn có rất nhiều người phụ nữ có hoàn cảnh éo le hơn mình, vì thế chị chăm chỉ làm việc, số tiền kiếm được, chị gửi một phần về cho bố mẹ trang trải cuộc sống, phần còn lại chị để dành, sau đó mở được quán nước nho nhỏ.
“Không ít lần tôi bật khóc vì những tấn bi kịch giáng xuống đầu mình. Nhưng rồi, để bản thân sống có ý nghĩa hơn, có động lực hơn, tôi xin vào nhóm thiện nguyện Hòa Nhập, hàng ngày ngoài công việc chính, tôi tham gia nấu cháo phát cho những bệnh nhân tại bệnh viện K2. Không những thế, tôi còn đi xin những đồ dùng vẫn còn sử dụng được, sau đó làm mới nó, tặng những bệnh nhân nghèo. Tôi lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc của mình”, chị D. tâm sự.
Chị H. (bìa phải) tham gia phát cháo tình nguyện. |
Còn đối với chị H., hai lần đổ vỡ hôn nhân khiến nghị lực sống của chị dường như bị hút cạn, nhưng nhìn các con, chị lại tự nhủ: Phải sống. Chị gạt bỏ mọi ưu phiền, lao vào làm việc để có tiền nuôi con. Chị dậy từ 5h sáng, chạy xe ra trước cổng bệnh viện K2 chở khách, đến hơn 6h chị về cho con đi học, sau đó lại tiếp tục vào viện tìm những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ.
“Ở viện, nhiều người khổ lắm, đến quần áo cũng không có cái tử tế mà mặc, vì thế tôi lại đi xin, hoặc bỏ tiền túi của mình ra để giúp đỡ họ. Tôi chở khách cũng kiếm được đồng ra đồng vào, nhưng thấy ai không có tiền là tôi liền chở họ miễn phí”, chị H. kể.
Nhiều người nhìn công việc của chị thì bảo: “Đã nghèo, số phận long đong, không đi lo thân mình còn giúp đỡ người khác”. Nghe thế chị chỉ cười, bởi với chị “giúp một người phúc đẳng hà sa”. Với số tiền kiếm được hàng ngày, chị chi tiêu tiết kiệm, dành dụm để mỗi khi được một khoản kha khá lại góp sức vào các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, chị còn góp tiền cùng nhóm Thiện Đức và nhóm từ thiện chùa Phủ Linh Tây Hồ nấu cơm, cháo phát cho bệnh nhân nghèo.
Kể đến đây chị H. trầm ngâm: “Người ta đổ vỡ một lần trong hôn nhân là đã tổn thương lắm rồi, còn tôi đến tận hai lần. Nhưng giờ đây, tôi không gói gọn cuộc đời mình trong 2 từ “bất hạnh” nữa, với tôi, được sống một ngày sẽ làm việc thiện và chia sẻ niềm vui với những người xung quanh”.
Mai Thu