Ở cái tuổi gần đất xa trời, lại mắc phải căn bệnh quái ác khiến cơ thể không còn lành lặn như người bình thường, nhưng ông Y’Tloh Niê (SN 1933) vẫn dành hết tình yêu thương cho người phụ nữ kém mình bảy tuổi là bà H’Chíp Niê (SN 1940).
Và tình yêu của họ đã đi đến cái kết có hậu bằng đám cưới có một không hai tại khu điều trị phong Ea Na, thuộc buôn Tuar A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk).
“Tìm đến nhau” ở tuổi 76
Một ngày đầu tháng 5/2014, chúng tôi tìm đến khu điều trị phong Ea Na để gặp đôi vợ chồng già mắc bệnh phong. Mặc dù đã bước sang mùa mưa, nhưng cái nóng của Tây nguyên vẫn như đổ lửa. Đường đến khu điều trị phong bướm bay rập rờn, những cơn gió thổi lên từ cánh đồng lúa chín mùi hương thơm phức làm dịu đi cái nóng hầm hập. Ea Na là khu điều trị dành cho người mắc bệnh phong lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.
Đây là nơi điều trị, lưu trú, sinh sống của 150 bệnh nhân bị di chứng của bệnh phong, đa số bệnh nhân đã lớn tuổi. Khi chúng tôi tìm đến khu điều trị và hỏi thăm nơi ở của ông Y’Tloh Niê và bà H’Chíp Niê thì được một bệnh nhân lớn tuổi dẫn đến phòng của bác sĩ Y Minh Niê. Bác sĩ Y Minh Niê là người trực tiếp điều trị cho ông Y’Tloh và bà H’Chíp.
Bác sĩ Y Minh Niê dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu điều trị rồi dừng lại một căn nhà nhỏ làm bằng gỗ, đó chính là tổ ấm của đôi vợ chồng già đã dệt nên câu chuyện cổ tích nổi tiếng khắp làng phong. Căn nhà nhỏ nằm trong khuôn viên khu điều trị xung quanh bốn bề là cây xanh, thoáng mát. Căn nhà sạch sẽ, một chiếc giường được đặt ở góc nhà vừa đủ để đôi vợ chồng già nằm ngủ. Những vật dụng trong nhà được sắp xếp gọn gàng, ngôi nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng. Thấy khách đến chơi, đôi vợ chồng đang ăn cơm đứng dậy mời khách vào nhà, bà thì nhanh chân đi rót nước mời khách. Sau một hồi trò chuyện, ông Y’Tloh cho biết, lúc cả hai đến với nhau thì tuổi đã lớn, lúc ấy ông Y’Tloh Niê đã 76 tuổi còn bà H’Chíp Niê được 69 tuổi.
Tình yêu của họ nảy nở trong khu điều trị phong đặc biệt dành cho người lớn tuổi. Bà H’Chíp Niê chia sẻ: “Quê tôi ở buôn Hang 1, xã Ea Wy, huyện Krông Pak, bị mắc bệnh phong từ năm 1989. Tôi đã từng lập gia đình nhưng không có con, chồng tôi cũng bị bệnh phong và qua đời năm 2000. Sau khi chồng mất, tôi vẫn sống tại địa phương nhưng lúc ấy mọi người còn ghẻ lạnh với những người mắc bệnh phong nên tôi sống quanh quẩn trong buôn làng. Sau đó, tôi lập riêng một cái chòi ngoài rẫy sống biệt lập với mọi người xung quanh”.
Năm 2008, bà xin vào điều trị phong để được các bác sĩ chăm sóc và điều trị. Tại đây, bà gặp ông Y’Tloh Niê, cũng là một bệnh nhân phong lớn tuổi. Sự đồng cảm, chia sẻ giữa những người cùng cảnh ngộ đã khiến bà hằng ngày tảo tần chăm lo cho người bạn già nằm cùng khu điều trị”, bà H’Chíp Niê chia sẻ thêm.
Đôi vợ chồng già luôn bên nhau |
Đến với nhau theo tiếng gọi của con tim
Ông Y’Tloh cũng từng lập gia đình và có đến sáu người con, ông mắc chứng phong từ những năm 1963. Năm 2008, bệnh di chứng nặng, ông buộc phải xuống khu điều trị phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn) điều trị và bị cưa mất một bên chân trái đến đầu gối. Về khu điều trị phong Ea Na, ông được sắp xếp ở khu dưỡng lão, nơi dành cho những bệnh nhân bị phong nặng. Ông nằm một chỗ, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến các y, bác sĩ.
Lúc này, bà H’Chíp cũng được bố trí ở chung khu nhà dưỡng lão với ông. Thấy ông Y’Tloh một mình côi cút, bệnh của ông cũng nặng hơn những bệnh nhân khác do các ngón tay trên hai bàn tay ông đã bị rụng gần hết, hơn nữa một bên chân của ông cũng đã bị cưa, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Thương người bạn già, bà H’Chíp thường xuyên thăm hỏi và tình nguyện phục vụ mọi công việc từ giặt giũ quần áo, dọn dẹp vệ sinh, lấy cơm giúp ông. Kể từ đó, đôi bạn già cứ quấn quýt bên nhau như hòn trống mái. Lâu dần thành quen, cả hai đều cảm thấy không thể thiếu nhau. Người mất vợ, người mất chồng, lại cùng cảnh ngộ, họ đến với nhau theo tiếng gọi từ con tim.
Nhắc đến người vợ già, ông Y’Tloh ánh mắt, nét mặt đầy tự hào kể: “Người bình thường khi đau ốm còn gặp nhiều khó khăn chứ huống chi những người mắc bệnh như tụi tôi phải ăn, nằm tại chỗ mọi việc hầu như phải nhờ đến các bác sĩ. Thời gian đầu vào khu điều trị, tôi luôn cảm thấy tự ti về bản thân vì đã không làm được gì cho đời lại còn làm phiền người khác. Nhưng trong lúc cảm thấy tuyệt vọng nhất thì bà ấy (bà H’Chíp) xuất hiện luôn ở bên động viên, an ủi giúp đỡ mọi mặt nên tôi phần nào đã giải tỏa được ý nghĩ tự ti ấy. Sau nhiều lần quan tâm, chia sẻ như thế, trong tâm tưởng, tôi đã bắt đầu biết mong ngóng, nhớ nhung bà ấy. Gần thì thấy triều mến yêu thương, xa thì nhớ nhung sầu muộn. Đối với tôi, bà ấy như vệt sáng trong đời và bản thân tôi đã thầm yêu, trộm nhớ bà ấy từ lúc nào mà không hề hay biết. Đến khi đã thành vợ thành chồng, tôi vẫn không tin được cuối đời mình lại được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao đến như vậy”, ông Y’Tloh chia sẻ.
Cái kết đẹp của cuộc tình già ở làng phong
Chính trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, lại thấy được sự đồng cảm, giúp đỡ nhiệt tình của người bạn già chung khu điều trị, ông Y’Tloh đã đem lòng mến phục trước sự hy sinh của bà H’Chíp dành cho mình. Sự cảm phục của ông càng lớn dần theo thời gian. Từ đó, ông đã đem lòng thương yêu người đàn bà đã bên mình suốt thời gian bạo bệnh và quyết định đem lời yêu thương gửi đến bà H’Chíp.
Tình yêu giữa hai người nảy nở từ đây và đi đến cái kết có hậu. Sau hơn một năm đem lòng yêu thương nhau, ông bà đã đi đến quyết định làm đám cưới vào tháng 9/2009. Đám cưới giản dị được tổ chức ngay tại khuôn viên khu điều trị phong Ea Na. Tiệc cưới không rượu, bia, không loa đài nhưng đầy ắp tình yêu thương, hạnh phúc hiện lên rạng ngời trong từng ánh mắt, nụ cười của đôi vợ chồng già.
Sau khi cưới, vợ chồng ông được bố trí ở tại một nhà riêng trong khu điều trị. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng. Ở đó, đôi vợ chồng già hằng ngày được ở bên nhau chia sẻ những yêu thương. Nhiều lúc, cả hai cụ đều đau ốm liệt giường, phải nhờ những bệnh nhân khác chăm sóc. Ở khu điều trị này, tất cả người bệnh đều xem nhau như người một nhà. Bởi chỉ có họ mới đồng cảm và hiểu hết những đau đớn của nhau.
Bà H’Chíp luôn tâm niệm, dù bệnh tật bà vẫn chăm sóc cho ông Y’Tloh trọn tình nghĩa vợ chồng. Gần đây, ông Y’Tloh ốm nhiều hơn, sức khỏe yếu hẳn đi mọi công việc hằng ngày đều một mình bà H’Chíp lo. Với đôi tay già yếu, lưng còng, mắt mờ nhưng bà vẫn làm mọi việc để chăm chồng.
Vì tình yêu, bà H’Chíp cần mẫn chăm lo cho ông Y’Tloh như một niềm vui cuộc sống. Hằng ngày, bà dậy sớm, đun nước nấu tô mì cho chồng ăn sáng, rồi giúp ông vệ sinh cá nhân. Khi cả khu điều trị đi nhận cơm về ăn, cụ cũng nhận thêm suất của ông Y’Tloh rồi ân cần chăm cho ông từng thìa cơm. Từ tình yêu thương đó, hai ông bà đã dắt nhau đi qua nhiều năm bệnh tật.
Dù cơ thể đã không còn lành lặn, các ngón chân, ngón tay bị khuyết, nhưng những tình cảm yêu thương, khát khao được yêu thương của hai ông bà trong trại phong không bao giờ tắt. Bệnh nhân và bác sĩ trong khu điều trị phong đều cảm thấy vui mừng vì mỗi ngày đều thấy đôi vợ chồng già quây quần bên nhau như đôi chim trống mái. Khi thì thấy bà dìu dắt ông đi dạo qua những hàng cây, ghế đá rồi lên những bậc của mỗi thềm nhà, rồi họ còn nhìn thấy bà ngồi bên hiên nhổ tóc sâu cho chồng.
Tiếp thêm lửa sống cho bệnh nhân phong
Hạnh phúc của đôi vợ chồng già như lan tỏa đến cả khu điều trị phong khiến ông Y Minh Niê, Trưởng khu điều trị phong Ea Na không giấu nổi niềm tự hào khi nói về đôi vợ chồng: “Họ là những bông hoa giữa đời thường, tình yêu của họ nở muộn nhưng tỏa sáng lung linh. Từ ngày họ đến với nhau rồi trở thành vợ chồng, cả khu điều trị phong như được tiếp thêm lửa vào đời sống tinh thần làm họ lạc quan, yêu đời hơn. Mỗi khi nhắc đến chuyện tình ông Y’Tloh và bà H’Chíp, họ đều vui vẻ tếu táo nhau và lấy đó làm tấm gương để chia sẻ những yêu thương với nhau giữa mỗi bệnh nhân trong khu điều trị".