+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng mù vượt lên số phận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hai vợ chồng mù, đứa con trai sinh ra cũng “cùng cảnh ngộ”, nhưng không phải vì thế mọi khát vọng và ước mơ vỡ vụn trong gia đình bé nhỏ đó chìm trong bóng tối.

    (ĐSPL) - Hai vợ chồng mù, đứa con trai sinh ra cũng “cùng cảnh ngộ”, nhưng không phải vì thế mọi khát vọng và ước mơ vỡ vụn trong gia đình bé nhỏ đó chìm trong bóng tối. Thay vào đó, bất chấp nghịch cảnh, 3 con người ấy đã nương tựa vào nhau, cùng nhau nuôi một khát vọng, và họ đã thành công từ chính nghị lực phi thương của mình. Giờ đây, họ đã  tạo việc làm cho hơn 20 người khiếm thị để cùng vượt lên số phận. 

    Đám cưới rưng rưng nước mắt

    Câu chuyện tình cảm động và đầy nghị lực của Nguyễn Tấn Lợi (32 tuổi) và Lê Thị Thanh Thuỷ (21 tuổi) sẽ còn được các thầy cô trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (trường  dành cho người khuyết tật của TP. Đà Nẵng) không bao giờ quên. Những năm 1997, Lợi và Thuỷ là hai học sinh khá nổi bật của trường, quê xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, sinh ra đã mù, nhưng cô bé Thuỷ có năng khiếu âm nhạc đặc biệt. Từ khi vào trường, cô luôn là cây văn nghệ được lựa chọn số 1. Tiếng đàn của Thuỷ cất lên luôn da diết, chan chứa yêu thương. Có lẽ vì thế đã đụng chạm tới tâm hồn chàng trai mù cùng trường Nguyễn Tấn Lợi, để rồi chàng đem lòng thầm thương trộm nhớ từ lúc nào không hay.

    Câu chuyện tình đầy cảm động của đôi vợ chồng mù vượt lên số phận
    Câu chuyện tình đầy cảm động của đôi vợ chồng mù vượt lên số phận

    Hình bóng của họ trong trái tim chỉ là những mường tượng sau nhiều lần nói chuyện cũng như nghe mọi người kể. Nhưng với đôi trẻ, chuyện quan trọng nhất là thực sự hiểu nhau, có thể sẻ chia cùng nhau buồn vui trong cuộc sống. Suốt 7 năm trời yêu thương nhau, họ đã sẻ chia đủ thứ chuyện trên đời, từ những kỷ niệm ấu thơ hay những khó khăn trong cuộc sống tương lai sẽ phải đối mặt. Có lúc, tưởng rằng họ đã không vượt qua được trở ngại từ người thân và áp lực cuộc sống. Nhưng chính lúc khó khăn nhất họ đã nắm chặt tay nhau, động viên nhau cùng vượt khó. Họ suy nghĩ chín chắn và nghiêm túc trước khi tính tới chuyện hôn nhân. Chị Thuỷ kể lại: “Lúc đó em thấy ở anh Lợi là người đàn ông bản lĩnh, nghị lực. Anh Lợi là nguồn động viên, là chỗ dựa vững chắc, giúp em có cảm giác tự tin khi được ở bên anh ấy. Em nghĩ mình đã tìm được hạnh phúc cho cuộc đời...”.

    Năm 2004 là mốc quan trọng trong cuộc đời đôi trẻ. Đám cưới của hai người mù được nhiều người thành tâm chúc phúc, song không khỏi ngậm ngùi thương cảm, bởi không biết họ sẽ sống tự lập thế nào giữa cuộc đời đầy giông gió này. Với đôi bàn tay trắng, một cặp vợ chồng bình thường đã vất vả lắm để bám trụ, mưu sinh ở TP. Đà Nẵng huống gì vợ chồng mù. Đám cưới tan, họ nắm tay nhau thật chặt, động viên nhau, dẫu khó khăn thế nào cũng vượt qua để vươn lên. Chị Thuỷ nhớ lại: “Từ hồi mới quen em, anh Lợi đã đi làm nghề massage kiếm tiền dành dụm lo cho tương lai. Năm 2000, với số tiền tích góp được với sự giúp đỡ của gia đình, anh Lợi đã mua được miếng đất nhỏ ở Hoà Khánh Nam- Liên Chiểu. Có được miếng đất cắm dùi, ngay sau đám cưới, anh Lợi quyết định làm tạm căn nhà nhỏ, còn tiền bạc hai vợ chồng mượn của gia đình, bạn bè...”.

    Những đau khổ hoá niềm khao khát sống

    Chị Thuỷ tâm sự:  “Những tháng ngày sau đó thực sự gian khó, khi họ vừa làm thuê kiếm tiền nuôi sống gia đình vừa phải lo trả nợ. Em mang bầu, sức khoẻ yếu không làm được gì, tất cả đều trông chờ từ đồng lương làm nghề massage ít ỏi của anh Lợi. Khổ quá, nhiều lúc thèm ăn miếng thịt, bồi bổ sức khoẻ cho con, nhưng tiếc tiền, đắn đo lại không mua. Hồi đó, hầu như chúng em chỉ cầm cự cho qua ngày...”. Được biết, trong giai đoạn này, vợ chồng anh Lợi, đã khó nay lại khó hơn, khi  những vất vả cuộc sống chưa vơi bớt, khi đôi vợ chồng mù còn gánh thêm nỗi bất hạnh mới. Cậu con trai, niềm hạnh phúc, niềm an ủi của đôi trẻ chào đời, chưa hết mừng thì nhận ngay hung tin, cháu cũng bị mù bẩm sinh.

    Vậy là, trong ngôi nhà nhỏ có ba con người ấy, với họ, tất cả chỉ có bóng tối. Anh Lợi chia sẻ: “Tôi mong mỏi đứa con sinh ra sẽ bình thường như bao đứa trẻ khác, ấy là có đôi mắt sáng. Để rồi, mỗi lần về quê, nó sẽ dắt vợ chồng tôi lên xe bus. Để rồi, mỗi lần  trong nhà hỏng điện, nó sẽ sửa. Để rồi, mỗi lần người ta thu tiền điện, tiền nước nó biết đọc lên. Và nữa, mỗi bài báo hay, mỗi trang sách ý nghĩa, nó sẽ đọc cho cha mẹ nghe trước khi đi ngủ...”.  Nhưng, có lẽ di chứng chất độc da cam từ người cha của anh Lợi, một chiến sỹ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, đã lấy đi ánh sáng suốt đời của anh, và bây giờ, bóng tối lại ập xuống cuộc đời đứa cháu nội của ông. Khi biết tin cháu Nguyễn Tấn Huy bị mù, vợ chồng anh Lợi đã sốc rất nặng. Nhưng, từ tận cùng nỗi bất hạnh, họ đã biết nắm tay nhau đứng dậy. “Thôi thì cũng là số phận. Vợ chồng em đã thế này, sớm muộn cháu Huy cũng khó tránh khỏi. Tụi em đã xác định nắm tay nhau đi hết cuộc đời này thì dẫu gian khổ, bất hạnh thế nào cũng sẽ vượt qua”, anh Lợi chia sẻ. 

    Nghị lực phi thường của vị giám đốc mù

    Cả nhà đều mù, nếu cứ đi làm thuê thì khó trụ vững nổi, càng không thể nuôi con khôn lớn. Nghĩ vậy, vợ chồng Lợi quyết định mở cơ sở massage đầu tiên trên đường Trần Cao Vân, TP. Đà Nẵng, nhờ mặt bằng thuê được của Hội chữ thập đỏ của chính quyền địa phương. Lúc đầu chưa có khách, thường xuyên chịu lỗ, nhưng Lợi vẫn quyết bám trụ, nuôi cơ sở, nuôi nhân viên. Số tiền vay mượn cứ tăng lên, đến nỗi có lúc đã tính đến chuyện phải bán ngôi nhà nhỏ đang ở để trả nợ. Nhưng rồi, ý chí, khát vọng và nghị lực vươn lên phi thường của vợ chồng Lợi đã được đền đáp xứng đáng.

    Sau khi đã tạo được thương hiệu, khách đến cơ sở massage người mù của Lợi ngày càng đông. Không chỉ nuôi được nhân viên với mức lương đều đặn khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, Lợi còn dần trả được nợ nần. Sẵn đà thành công, Lợi không dừng ở đó, tiếp tục mở các cơ sở massage người mù mới. Lần lượt, các cơ sở massage khác ra đời, và nhân viên tuyển là những người “cùng cảnh ngộ” với ông chủ. Năm 2007, Lợi quyết định thành lập Công ty TNHH người khuyết tật Nhân Ái trụ sở đặt tại nhà mình. Lúc đầu xin giấy phép khó khăn lắm, người ta bảo mù thế này làm sao làm giám đốc được, làm sao ký được giấy tờ nên không cấp phép. Lợi phải đấu tranh ghê gớm lắm. Lợi bảo, mình mù, nhưng cũng là công dân, có chứng minh thư, pháp luật không cấm người mù làm giám đốc.

    Hơn nữa, chỉ người khuyết tật làm giám đốc mới quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện tốt hơn cho người khuyến tật. Giải thích mãi, cuối cùng Lợi cũng xin được giấy phép thành lập công ty. Ở Đà Nẵng, những giám đốc người khuyết tật thì nhiều, nhưng giám đốc mù thì chỉ có duy nhất một mình Lợi. Hiện nay, thu nhập từ các cơ sở massage tương đối ổn định, không chỉ giúp Lợi trả hết nợ mà còn tích góp được kha khá. Quan trọng hơn, Lợi đã tạo việc làm cho hơn 20 người mù với thu nhập ổn định. Lợi bảo, nhân viên làm trong các cơ sở massage của em hầu hết là số học sinh trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, sau khi ra trường không xin đâu được việc làm. Trong số này, có nhiều em không chỉ bị mù mà còn bị thần kinh.

    Chị Thủy cho biết: “Các em mù đã khổ rồi lại bị thần kinh nữa, mình không nhận các em vào làm, bỏ rơi thì tội nghiệp quá”... Anh Lợi chỉ cho chúng tôi, người mà anh cho rằng “từ không bình thường nay đã bình thường”, đó chính là Lê Tài (SN 1982 quê ở xã Hoà Tiến – Hoà Vang, TP. Đà Nẵng). Anh Lợi nói: “Tài bị mù bẩm sinh, lại bị thần kinh, lâu lâu chập cheng, ai cũng sợ. Tài mới được đưa về đây khoảng vài tuần từ trường Nguyễn Đình Chiểu. Hiện tại chúng tôi đang nuôi và dạy nghề miễn phí cho, sau đó đưa vào cơ sở massage làm việc...”. Được biết,  Tài có một năng khiếu đặc biệt, đó là thổi sáo. Dù không được học hành, tự mò mẫm nhưng tiếng sáo của Tài rất dễ đi vào lòng người, những vị khách đến với ông chủ Nguyễn Tấn Lợi.                                     

    Âm nhạc xoa dịu tâm hồn

    Cùng với Tài, trong căn nhà nhỏ ấy giờ có 4 người mù khác. Dẫu trong cặp mắt của họ chỉ toàn bóng tối, nhưng trong tâm hồn lại sống hạnh phúc và đầy lạc quan. Sau giờ làm việc, Tài thổi sáo, còn Thuỷ đánh đàn, không gian âm nhạc tràn ngập trong căn nhà. Những bản nhạc ấy réo rắt, rộn ràng, vui tươi như là minh chứng cho một cuộc sống hạnh phúc. Theo bước mẹ, cháu Huy hiện đang học trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu cũng rất đam mê học đàn. Dẫu Huy đánh còn bập bẹ tiếng được tiếng mất, nhưng khi những nốt nhạc với lời bài hát “Ba thương con vì con giống mẹ- mẹ thương con vì con giống ba- cả nhà ta cùng thương yêu nhau...” cất lên tôi đã rưng rưng nước mắt. Mừng cho một gia đình mù hạnh phúc.

    Quang Huy

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-cam-dong-cua-doi-vo-chong-mu-vuot-len-so-phan-a23601.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan