(ĐSPL) - Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) có điểm mới để hạn chế tình trạng người lao động có việc làm nhưng vẫn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp.
Xung quanh vấn đề nhiều lao động có việc làm nhưng vẫn cố tình gian dối khai báo thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nghi (trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Văn Nghi. |
Cố tình vi phạm vì luật chưa đủ sức răn đe?
Thưa ông, hiện nay có tình trạng, người lao động có việc nhưng vẫn khai báo thất nghiệp để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Không những thế, nhiều người còn dùng mọi thủ đoạn như: Móc ngoặc với doanh nghiệp, làm giả hồ sơ... để nhận tiền trợ cấp. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Tình trạng nhiều lao động có việc làm nhưng vẫn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp không phải là chuyện hiếm. Mặc dù, việc này bị cấm nhưng do quy trình kiểm tra còn lỏng lẻo nên nhiều người lao động vẫn lợi dụng để trục lợi. Đây là hành vi vi phạm rất rõ ràng và nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm, nhẹ bị xử lý hành chính; nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách tốt nhưng lại bị nhiều người lợi dụng để trục lợi. Như ông vừa đề cập, những hành vi như trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Tùy vào mức độ vi phạm của người vi phạm mà có hai hình thức xử lý là xử lý hành chính và xử lý hình sự. Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội có ghi rõ: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Phạt từ 5 triệu tới 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội giả mạo. Đồng thời, biện pháp khắc phục là người vi phạm buộc phải nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền mà mình đã nhận được do hành vi gian dối đó.
Nếu tính chất vi phạm nặng hơn thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 267, Bộ luật Hình sự về tội làm giả (hoặc sử dụng) con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức để đi lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Việc này có thể bị phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì sẽ bị xử lý theo khoản 2, khoản 3 của điều này.
Phải xử lý mạnh tay
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng gian lận trong khai báo thất nghiệp, việc trước mắt chúng ta phải làm là sửa quy định về trợ cấp thất nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đây là việc hết sức cần thiết và tôi cho rằng, chúng ta đã có những hành động nhất định. Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) mới đây có những điểm mới. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng đã phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp... Tôi cho rằng, việc này là một biện pháp để hạn chế tình trạng người lao động có việc làm nhưng vẫn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp. Tất nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thi hành Luật Việc làm, nên cụ thể những thay đổi ra sao vẫn cần phải đợi mới biết được.
Bên cạnh những việc làm trên, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để siết chặt tình trạng gian lận trong khai báo và nhận trợ cấp thất nghiệp như hiện nay?
Muốn người dân tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về vấn đề này thì vấn đề xử phạt vi phạm cũng cần phải xem xét lại. Hiện nay, việc xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực này về cơ bản vẫn chưa đủ sức răn đe. Như tôi đã đề cập ở trên, với những vi phạm thông thường, chúng ta chỉ có thể phạt hành chính và tiến hành thu hồi số tiền mà người lao động đã vi phạm. Ấy thế nhưng ngay cả việc thu hồi số tiền thất thoát cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều đối tượng chây ỳ hoặc không chịu trả ngay. Đây là thực tế mà những người làm việc trong ngành này phải thừa nhận. Do đó, việc điều chỉnh mức phạt cũng cần phải xem xét theo hướng tăng tính răn đe hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Luật sư Nguyễn Văn Nghi cho biết: Đối với người lao động theo mùa vụ (hoặc theo một công việc nhất định) có thời hạn từ đủ 3 tháng tới dưới 12 tháng, nếu mất việc trong khoảng thời gian này sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp với điều kiện tổng thời gian đóng bảo hiểm của họ đủ 12 tháng trở lên và trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. “Điều 49, Luật Việc làm quy định, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tới khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật mà chưa nhận trợ cấp thất nghiệp trước đó. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được ghi trong Điều 50 của luật này” – luật sư Nghi giải thích. |