Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với bộ trưởng, trưởng ngành thuộc các nhóm lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.
Mở đâu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời phần chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội cuối giờ sáng.
Theo đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, qua phản ánh của cử tri về việc tiền lương thu nhập và giờ làm việc của giáo viên, đối với giáo viên bậc trung học có cơ cấu theo tiết, theo giờ; còn đối với giáo viên mầm non và bậc tiểu học thì xuyên suốt, đặc biệt là giáo viên mầm non phải làm việc xuyên suốt từ sáng tới tối muộn, cường độ làm việc theo cơ chế nặng nhọc, vất vả nhưng tiền lương và thu nhập chưa tương xứng với thời gian và công sức.
Cũng liên quan đến chính sách tiền lương, còn sự phân biệt giữa công chức cấp xã với công chức còn lại trong hệ thống chính quyền. Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với giáo viên mầm non cũng như cán bộ công chức cấp xã.
Theo báo Dân Trí, trả lời chất vấn đại biểu Phúc, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, lương của giáo viên và giáo viên mầm non được quan tâm hơn viên chức khác. Song về tổng thể, Bộ trưởng thừa nhận lương giáo viên mầm non khác trong khi có tính chất đặc thù. “Lương giáo viên mầm non chỉ 5-6 triệu đồng/tháng”, theo Bộ trưởng Trà.
Để cải cách tiền lương, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục phối hợp khi xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo sẽ căn cứ trên vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức trên nguyên tắc của Nghị quyết 27.
“Mức lương cơ bản trong bảng lương như nhau nhưng trong điều kiện lao động cao hơn bình thường, sẽ thực hiện thêm ưu đãi nghề. Ví dụ y tế, giáo viên sẽ có phụ cấp ưu đãi nghề”, bà Trà nói.
Với lương giáo viên mầm non, Bộ trưởng Nội vụ cho biết trên cơ sở tinh thần Nghị quyết 29, đảm bảo tiền lương cơ bản cộng với phụ cấp sẽ cao hơn trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp.
“Bộ Nội vụ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền việc xây dựng bảng lương giáo viên nói chung và giáo viên mần non nói riêng để xin ý kiến khi thực hiện”, bà Trà cho biết.
Về tranh luận sự phân biệt giữa công chức cấp xã với công chức còn lại, Bộ trưởng Nội vụ cho biết hiện đang có 2 chế độ công vụ. Chế độ công vụ cấp xã và chế độ từ cấp huyện trở lên. Riêng với cán bộ cấp xã tất cả chế độ chính sách giống với cán bộ cấp huyện trở lên. Đều được xếp lương, thực hiện tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, đánh giá, xếp loại.
XEM THÊM: Bộ trưởng Nội vụ: Ưu tiên lương nhà giáo cao nhất thang bảng lương khi cải cách tiền lương
Mới đây Nghị định 33 đã quy định tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm của công chức cấp xã rất rạch ròi. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án liên thông công chức cấp xã với cấp huyện để xây dựng chung 1 chế độ công vụ, đảm bảo nền công vụ hoàn thiện, chuyên nghiệp, hiện đại, báo Vietnamnet đưa tin.
Hoàng Yên (T/h)