Chiều 6/11, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn nhóm lĩnh vực thứ hai gồm: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trưởng… sẽ trả lời đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết về chất vấn chuyên đề và chất vấn.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết những nội dung trọng điểm nổi lên đã được Tổng Thư ký Quốc hội gửi tới các đại biểu.
Ông Huệ cho biết có 88 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Vì nhiều đại biểu đăng ký, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu chọn vấn đề tâm đắc nhất, chỉ nêu một nội dung và chỉ tranh luận khi thực sự cần thiết.
Theo báo VnExpress, đại biểu Ma Thị Thúy (Phó đoàn Tuyên Quang) cho biết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp nhiều năm qua và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra. Bà đề nghị cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua và giải pháp để khắc phục.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành, địa phương đẩy mạnh việc cấp phép, kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng.
"Địa phương có vai trò rất lớn vì đây là vấn đề trên địa bàn. Sau khi các vụ án xảy ra mới phát hiện việc cán bộ địa phương có hệ thống bảo vệ việc này", ông Khánh nói cho biết Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, các bộ ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.
Tại phiên chất vấn, trước hai câu hỏi về xử lý ô nhiễm tại các khu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Cầu (Bắc Giang), Bộ trưởng TN&MT cho biết để giải quyết triệt để tình trạng này phải mất rất nhiều nguồn lực xử lý từ hệ thống thu gom. Kể cả với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, các đơn vị cũng cần nguồn lực để vận hành nhà máy.
XEM THÊM: Đại biểu nêu ý kiến "đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói gì?
Theo báo Dân Trí, ông Khánh cho biết, Bộ TN&MT đã báo cáo với Chính phủ, đề xuất cấp có thẩm quyền cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết, ô nhiễm các dòng sông và xử lý môi trường về rác thải, nước thải nói chung.
Giải pháp thứ hai là có cơ chế chính sách để có nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải; gắn vào đó là cơ chế của những doanh nghiệp xả thải thì phải có đóng góp.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền vận động người dân, tổ chức để đảm bảo lượng rác thải nằm trong ngưỡng xử lý được.
Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường công tác quan trắc, kể cả ở hệ thống Bắc Hưng Hải và sông Cầu. Hiện nay Bộ đã tăng cường quan trắc với các Sở TN&MT để kịp thời kiểm tra, giám sát việc xả thải.
"Để xử lý thì phải có thời gian, nguồn lực. Hiện nay, chúng ta còn có một việc là các làng nghề truyền thống. Cần có quy hoạch để di chuyển làng nghề thì mới xử lý được dứt điểm. Việc này cũng cần ngân sách thực hiện”, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh nói.
Hoàng Yên (T/h)