+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ Công Thương: Không phát triển thủy điện bằng mọi giá

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sáng 15/11 trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, hàng loạt các vấn đề “nóng” như: nguyên nhân dẫn tới thua lỗ các siêu dự án, thiệt hại của...

    (ĐSPL) - Liên quan đến vấn đề vận hành xả lũ các công trình thủy điện, Bộ trưởng Công thương cho biết đã có báo cáo với Quốc hội và khẳng định không phát triển thủy điện bằng mọi giá. 

    Sáng 15/11 trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, hàng loạt các vấn đề “nóng” như: nguyên nhân dẫn tới thua lỗ các siêu dự án, thiệt hại của dân từ việc xả lũ các công trình thủy điện, phân bón giả, bán hàng đa cấp...đã được các Đại biểu đề cập.

    Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn.

    Câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn về nguyên nhân dẫn tới thua lỗ của các siêu dự án, đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập?

    Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, về xử lý, khắc phục hậu quả 5 dự án thua lỗ, do các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt, rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án (ví dụ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Etanol, dự án Đạm Ninh Bình). Hơn nữa năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91), các ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án chưa chuẩn, làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng...

    Quan điểm của Chính phủ và các Bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể. Xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định... Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự.

    Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

    Liên quan tới vấn đề xả lũ, Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề quy trình xả lũ không có thời gian báo trước để địa phương và người dân, thiếu tính thực tế gây thiệt hại cho người dân?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, về vận hành xả lũ các công trình thủy điện, Bộ đã có báo cáo, đánh giá toàn diện nội dung này với Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Hiện cơ bản chúng ta đã khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn. Rà soát loại bỏ những dự án nhỏ, không bảo đảm hiệu quả kinh tế và môi trường...

    Việc xả lũ tại Hố Hô liên quan tới trách nhiệm các cơ quan quản lý địa phương khi thông báo tới người dân về lịch xả lũ cụ thể. Tuy nhiên thời điểm xả lũ một số xã đã bị mất điện nên đã không nhận được thông báo từ cơ quan địa phương và xảy ra thiệt hại sau đó. Tuy nhiên Bộ cũng xem xét sớm đưa ra quy định pháp lý về quy trình xả nước cụ thể cũng như những hạn chế để sớm khắc phục giảm thiểu tối đa về thiệt hại cho người dân ảnh hưởng từ xả lũ. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ sớm trả lời bằng văn bản cho các Đại biểu.

    Trả lời chất vấn về vấn đề quản lý nhà nước đối với phân bón, các biện pháp hạn chế thiệt hại cho người nông dân trước vấn đề phân bón giả, kém chất lượng của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khi có thông tin Bộ NN&PTNT thanh tra các tổ chức xác nhận chất lượng phân bón, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra 2 đợt và phát hiện 2 tổ chức có nhiều sai phạm nên đã ban hành quyết định hủy bỏ chức năng, giấy phép của 2 tổ chức này. Bộ đã chủ động giao cho các đơn vị trực thuộc chỉ định các tổ chức xác nhận và công bố hợp quy. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, không phù hợp, xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và vấn đề môi trường. Trước mắt, ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn để gửi Bộ KH&CN thẩm định, sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để quản lý lĩnh vực này cũng như giao cho các địa phương kiểm tra xử lý các sai phạm.

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề liên quan đến quản lý thắt chặt việc bán hàng đa cấp của Bộ?

    Về vấn đề bán hàng đa cấp, Bộ trưởng cho biết đã sửa theo hướng thắt chặt hơn, tuy nhiên qua thực hiện đã bộc lộ ra một số vấn đề như các khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý bán hàng đa cấp chưa rạch ròi, bán hàng đa cấp có sức hút rất lớn bởi những hành vi biến tướng, tập trung vào lợi nhuận "khủng". Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, từ đầu 2016 đã ban hành 2 chỉ thị, cùng với các địa phương kiểm tra, rút giấy phép 25 doanh nghiệp, xử phạt 14 doanh nghiệp khác. Bộ cũng đã đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lĩnh vực này.

    Hoàng Nhung (Ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-cong-thuong-khong-phat-trien-thuy-dien-bang-moi-gia-a170226.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.