Bộ Tài chính khẳng định, Uber, Grab không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng bản chất lại là dịch vụ vận tải.
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học, công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo đó, một đề nghị được Bộ Tài chính quan tâm là xác định bản chất của hoạt động kết nối vận tải hành khách, làm cơ sở nghiên cứu sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT xem xét lại bản chất của Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải và đề nghị bổ sung các nội dung để tăng cường công tác quản lý thuế. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam |
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT có sự tham khảo bản án của Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12/2017, khi đã ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường, thay là một ứng dụng công nghệ.
Cùng với đó, những vướng mắc trong công tác quản lý thuế thời gian qua cũng phải nhanh chóng bổ sung. Bộ này cũng đề nghị phải bổ sung ý kiến kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh đôn đốc việc đăng ký kinh doanh, quản lý dịch vụ vận tải, phối hợp với cơ quan thuế để quản lý thuế.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các Bộ Công Thương, Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và UBND TP. Hà Nội về 2 năm thực hiện đề án thí điểm Uber, Grab.
Bộ Công an cũng đã có ý kiến đề nghị không kéo dài thời gian thí điểm. Riêng UBND TP. Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông thì đồng ý kéo dài thời gian thí điểm đến khi nào có Luật Giao thông đường bộ mới cũng như các quy định liên quan. Tuy nhiên Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh trong thời gian chờ đợi, Bộ GTVT cần có quy định về thời hạn thí điểm tiếp theo, xem xét xây dựng một số quy định tạm thời để hạn chế một số bất cập.
Vũ Đậu (T/h)