Tờ Guardian dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho biết, một số quan chức quân đội đã vô tình gửi nhầm “một số lượng nhỏ” email chứa thông tin mật đến Mali – một quốc gia ở Tây Phi và là đồng minh thân cận của Nga.
Đáng chú ý, những email chứa các mô tả chi tiết về việc nghiên tên lửa của Anh vốn phải được gửi cho Mỹ nhưng do một lỗi đánh máy mà đã chuyển nhầm đến Mali. Sự nhầm lẫn này xảy ra do tên miền “.MIL” của quân đội Mỹ bị người gửi đánh nhầm thành “.ML” - hậu tố được sử dụng cho các địa chỉ email của chính phủ Mali.
“Chúng tôi đã mở một cuộc điều tra sau khi một số lượng nhỏ email bị chuyển nhầm đến một miền email không chính xác. Chúng tôi tin rằng những email này không chứa bất kỳ thông tin nào có thể ảnh hưởng đến các hoạt động an ninh”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh chia sẻ.
Vị quan chức trên đồng thời nhấn mạnh rằng tất cả các thông tin nhạy cảm sẽ được quân đội Anh chia sẻ thông qua các hệ thống được thiết kế riêng nhằm giảm thiểu tối đa mọi sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
“MoD liên tục xem xét các quy trình của mình và hiện đang thực hiện một chương trình làm việc để cải thiện việc quản lý thông tin, ngăn ngừa mất dữ liệu và kiểm soát thông tin nhạy cảm”, người phát ngôn nói thêm.
Trước đó, vào ngày 17/7, Lầu Năm Góc cũng thông tin về việc hàng triệu email của Mỹ đã bị gửi nhầm đến Mali do lỗi đánh máy tương tự như quân đội Anh. Những thông tin đầu tiên về vụ việc đến từ ông Johannes Zuurbier - một doanh nhân người Hà Lan hiện đang chịu trách nhiệm quản lý tên miền của Mali.
Ông Zuurbier đã thu thập được gần 117.000 email do Lầu Năm Góc gửi đến hộp thư của chính phủ Mali kể từ tháng 1/2023 và nhiều hơn nữa trong những năm trước đó.
Theo Financial Times, vụ việc đã dẫn đến nguy cơ tiết lộ những thông tin nhạy cảm nhưng chưa được phân loại, chẳng hạn như tài liệu ngoại giao, tờ khai thuế, truy xuất mật khẩu, bản đồ các cơ sở quân sự, danh sách thủy thủ đoàn cho tàu và và thông tin chi tiết về chuyến đi của các quan chức hàng đầu.
Ông Zuurbier cảnh báo rằng khi hợp đồng quản lý tên miền mà công ty ông ký kết hết hạn, quyền kiểm soát sẽ được trao lại cho chính phủ Mali - quốc gia có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Nga. Lúc này, những thông tin bị gửi nhầm có thể gây bất lợi cho cho Mỹ.
Chính phủ Mali đã nhiều lần nhận được sự hỗ trợ về cả quân sự và ngoại giao từ phía chính phủ Nga. Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner cũng từng được Moscow triển khai cùng quân đội Mali chống lại các phần tử thánh chiến.
Sau khi Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen sụp đôt, Mali cũng là một trong sáu quốc gia châu Phi được Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ cung cấp ngũ cốc miễn phí.
Phương Uyên(Theo Guardian và Insider)