Đã hơn 5 năm kể từ ngày Thủ tướng ký quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội nhưng các cơ quan vẫn “ôm” khư khư trụ sở cũ nằm trên khu vực được xem là “đất vàng” của Thủ đô và tìm mọi lý do để ở lại.
Dù đã xây dựng trụ sở mới nhưng bộ TN&MT vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội |
Việc di dời trụ sở cũ của các cơ quan, bộ, ngành là việc làm cấp thiết để giải quyết giảm tải về hạ tầng cho vùng nội đô vốn đang quá tải và giúp Hà Nội thực hiện thiết kế chung cho đô thị. Xung quanh việc các bộ, ngành đã di dời nhưng không trả lại đất cho TP. Hà Nội, PV tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực ban Chấp hành hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Thưa ông, một số bộ, ngành hiện nay đã xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn chưa chịu bàn giao lại đất trụ sở cũ cho TP. Hà Nội mà vẫn coi đây là trụ sở thứ hai và tiếp tục sử dụng. Ông có ý kiến gì về việc này?
Việc các bộ, ngành không chịu giao lại trụ sở cũ cho Nhà nước mặc dù đã xây xong nơi mới cho thấy kế hoạch di dời còn một lỗ hổng lớn. Ngay từ đầu, chúng ta cần một kịch bản khai thác trụ sở cũ trước khi đầu tư làm trụ sở mới.
Những trường hợp đã đi nơi mới thỏa đáng hơn mà còn chây ì trong việc trả lại trụ sở thì phương án tái thiết mạng lợi ích công cộng lớn, sức ép xã hội sẽ thúc đẩy quá trình này nhanh. Tôi lấy ví dụ cụ thể nhất về trường hợp các vị quan chức về hưu mấy năm vừa rồi không trả nhà công vụ, khi cơ quan công quyền phát hành văn bản thì chỉ ít ngày sau là thu hồi được.
Bài học này cho thấy, các Bộ, ngành giao dịch với nhau còn nhiều nể nang, né tránh. Đây là cuộc giám sát tài sản công, sở hữu toàn dân, liên quan đến lợi ích cả cộng đồng nên cần công khai để cả cộng đồng, xã hội chung tay giám sát thực hiện thay vì chỉ vài cá nhân tổ chức đối thoại với nhau.
Rất nhiều trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ giữa trung tâm Hà Nội, những công trình này được xác định có giá trị lịch sử to lớn đối với văn hóa của Thủ đô. Ông có suy nghĩ như thế nào về quan điểm, sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại và kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc?
Đây là một vấn đề lớn khi lượng hóa giá trị đô thị, là cơ hội để Nhà nước, Thành phố nhận thức rằng giá trị lịch sử nghệ thuật đô thị nằm trong tổng thể giá trị đô thị.
Nếu vẫn nhắm mắt đập bỏ các công trình kiến trúc tạo nên lịch sử đô thị để làm dự án nhà mới to hơn, thiết bị hiện đại hơn một cách thực dụng nhưng giảm nhẹ giá trị tổng thể đô thị thì vẫn là cách tiếp cận ngắn hạn. Điều này cổ vũ cho làn sóng chạy dự án chuyển đổi trụ sở cũ giá rẻ đổi lấy xây trụ sở mới giá đắt, chỉ mang lợi cho vài cá nhân, tổ chức tham gia vào công việc chuyển đối bất đối xứng này, lợi ích công cộng vẫn bị hạn chế.
Theo tôi Thành phố nên công bố danh sách các trụ sở dự kiến di chuyển, mô tả hiện trạng và gợi ý các phương án chuyển đổi, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng, tổ chức cuộc thi các phương án tái thiết các không gian chuyển đổi.
Tôi nghĩ các trường đại học, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp sẽ tham gia, khi đó, Thành phố tổ chức tuyển chọn các phương án tối ưu rồi đấu thầu rộng rãi phương án tái khai thác trụ sở cũ và tạo lập trụ sở mới. Điều này vừa tối ưu làm giàu về tiền bạc cũng như văn hóa lịch sử và tạo sự đồng thuận cao từ xã hội đến doanh nghiệp và kể cả các cơ quan cần phải di dời.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh. |
Mới đây, trong dự thảo Nghị quyết một số cơ chế đặc thù thí điểm, TP. Hà Nội có đề xuất Quốc hội được hưởng 50% khoản tiền sử dụng đất, khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Theo tôi, đây là bài toán sử dụng, hoán đổi công sản để đầu tư công. Phải đưa ra vấn đề rằng, phương án bán nhà cũ để làm gì, tiền thu đúng giá thị trường không? Số tiền thu được đầu tư vào các dự án có hiệu quả không?
Trước đây Thành phố đã từng có đề xuất bán hết đất công, nhà công đi để đầu tư mấy trăm cây số đường sắt trên cao. Thời gian qua cho thấy các dự án loại này Hà Nội mua rất đắt và vướng nhiều rắc rối nên một số dự án tạm dừng, một số thì chuyển đổi phương án, phương thức đầu tư cho hiệu quả hơn... Điều đó cho thấy cơ chế thoáng mà kiểm soát không hiệu quả thì phải thận trọng và tăng cường minh bạch, công khai thì cơ chế ưu đãi mới có hiệu quả.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Năm 2019, bộ Xây dựng cho biết, chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết 16/2008. Lúc đó, đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, gồm: Bộ Nội vụ, bộ TN&MT, bộ KH&CN, bộ Công an, bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, chỉ có bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý; bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở này để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Còn lại, một số cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP. Hà Nội khai thác. |
Thu Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống& Pháp luật Số Thứ 2 (91)