Trao đổi với PV ĐS&PL, đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án thí điểm thu phí chín đoạn, tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đưa vào khai thác trước năm 2025.
Cụ thể, Bộ GTVT lấy ý kiến phương án thu phí cho các cao tốc gồm: TP.HCM - Trung Lương; tám đoạn thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.
Thời gian thực hiện thí điểm thu phí theo cơ chế phí tối đa là năm năm kể từ thời điểm triển khai thu phí cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Số tiền thu được Bộ GTVT kiến nghị sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
“Việc đầu tư đường cao tốc mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế - xã hội nói chung và người sử dụng đường cao tốc nói riêng. Người sử dụng đường cao tốc sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành xe”, Bộ GTVT cho hay.
Về mức phí, Bộ GTVT khẳng định chưa đưa ra mức thu phí dự kiến như các báo thông tin. Với mức phí như một số báo chí và mạng xã hội thông tin, đó chỉ là so sánh lợi ích người sử dụng đường cao tốc so với quốc lộ chứ không phải mức phí dự kiến.
Trên cơ sở phân tích ba tuyến cao tốc đang vận hành gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT nhận thấy kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của xe so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, xe lưu thông trên cao tốc sẽ được lợi ích tốt. Cụ thể, lợi ích bình quân 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành xe và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Theo Bộ GTVT, loại xe thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 12.348 đồng/km. Xe thu được lợi ích thấp nhất là xe tải trên hai tấn với lợi ích bình quân là 1.974 đồng/km.
Được biết, hiện nay có 12 tuyến cao tốc thực hiện thu tiền theo cơ chế giá, mức thu dao động 1.000 ~ 2.100 đồng/PCU (đơn vị xe con quy đổi)/km tùy theo phương án tài chính của dự án. Mức thu bình quân là 1.652 đồng/PCU/km.
Bộ GTVT cho biết khi thông qua chủ trương đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư để hoàn trả vào ngân sách.
Nói về nguyên nhân Bộ GTVT đề xuất thí điểm chính sách này, Bộ GTVT cho biết vì pháp luật hiện hành chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá. Chưa có quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.
Sau khi cơ sở pháp lý về thu phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí được hoàn thiện, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo cơ quan được giao quản lý đường cao tốc xây dựng các đề án khai thác (bao gồm cả việc tổ chức thu tiền) đối với tuyến cao tốc đã được chấp thuận thực hiện thí điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.
Việc khai thác được thực hiện theo quy định tại Điều 80, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bao gồm các phương thức: đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Nguyễn Lâm